Rừng tràm Cà Mau không chỉ là lá phổi xanh của vùng đất cực Nam, mà còn là kho báu thiên nhiên tiềm ẩn, chờ đợi được khám phá và phát huy. Xuất phát từ lòng yêu mến, sự trân trọng dành cho loài cây đã gắn bó mật thiết với đời sống và văn hoá vùng đất U Minh Hạ, nhóm sinh viên Trường Ðại học Bình Dương - Phân hiệu Cà Mau đã bắt đầu hành trình biến những giá trị bình dị của cây tràm thành các sản phẩm độc đáo, giàu giá trị.
- Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp
- Khơi dậy trong sinh viên niềm đam mê khởi nghiệp
- Khởi nghiệp nhỏ, cảm hứng lớn
- Ấn tượng những dự án khởi nghiệp trẻ
Dự án “Tràm’s: Khai thác tối đa nguồn tài nguyên bản địa - chế phẩm sinh hoá tự nhiên và ứng dụng chế tác thủ công mỹ nghệ” đã được xây dựng ý tưởng và hình thành với nhiều sản phẩm đã được trình làng. Dự án không chỉ hướng tới nâng cao thương hiệu địa phương, mà còn khẳng định giá trị bền vững và tiềm năng phát triển của những sản phẩm thiên nhiên đậm nét văn hoá Cà Mau.
Ðiểm khác biệt của dự án nằm ở việc khai thác toàn diện cây tràm, từ lá, thân cho đến vỏ, để tạo ra loạt sản phẩm đa dạng.
Sinh viên thâm nhập các cơ sở sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ cây tràm để học hỏi và tìm hiểu kỹ các tính năng của cây tràm.
Nghĩ là làm, nhóm đã cho ra mắt 6 “đứa con tinh thần” và gửi tham gia sự kiện CamaUP’2024, gồm: tinh dầu (tinh dầu nguyên chất truyền thống: dạng chai, dạng bi lăn; tinh dầu tán hương: dạng lọ để bàn, dạng treo); xà phòng sinh dược; nến thơm; sáp thơm khử nấm mốc và đuổi côn trùng; viên gỗ tán hương; tranh mỹ nghệ từ vỏ tràm.
Mỗi sản phẩm đều mang dấu ấn đặc trưng của rừng tràm Cà Mau, kết hợp hài hoà giữa giá trị truyền thống và nhu cầu hiện đại.
Hiện nay, các bạn trẻ rất cần doanh nghiệp đầu tư kinh phí hỗ trợ dự án phát triển.
Sự đổi mới và sáng tạo của dự án thể hiện qua cách tận dụng triệt để các giá trị của cây tràm, tạo ra những sản phẩm không chỉ đậm nét bản địa mà còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường. Nhờ đó, dự án không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo vệ và phát huy tài nguyên bản địa bền vững.
Dự án có tiềm năng thương mại hoá mạnh mẽ thông qua việc xây dựng thương hiệu địa phương và kể câu chuyện sản phẩm gắn liền với vùng đất Cà Mau. Với diện tích rừng tràm rộng lớn và tiềm năng khai thác bền vững, dự án không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên quý báu của Cà Mau, đảm bảo sự tồn tại và phát triển lâu dài.
Thành viên dự án tâm huyết với những “đứa con tinh thần” của ê kíp để tham gia sự kiện CamaUP’24 năm nay.
Nhóm sinh viên đã liên hệ với các đơn vị thu mua cừ tràm để tận dụng khoảng 50-100 kg lá và cành tràm dư sau khi cây bị đốn, giúp giảm chi phí nguyên liệu. Lượng lá này được rửa sạch, cắt nhỏ và đưa vào nồi chưng cất, thu được khoảng 100-200 ml tinh dầu. Hơi nước mang theo tinh dầu sẽ được dẫn qua ống dẫn hơi, ngưng tụ lại trong bình, rồi tách ra tinh dầu.
Các sản phẩm linh hoạt theo chủ đề, tạo sự phong phú cho bộ sản phẩm.
Giai đoạn khởi đầu, nguồn vốn hạn chế, nhóm áp dụng phương pháp chiết xuất tinh dầu tràm truyền thống bằng nồi đun dung tích 12 lít. Mặc dù quy mô nhỏ và sản lượng chưa cao, nhưng phương pháp này có hiệu quả kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ, tích luỹ kinh nghiệm và tối ưu hoá quy trình trước khi mở rộng sản xuất trong tương lai.
Chăm chút sản phẩm qua từng nét cọ.
Cô Nguyễn Ðông Kiều, giảng viên, Phó chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Trường Ðại học Bình Dương - Phân hiệu Cà Mau, cho biết: “Các bạn sinh viên trong nhóm dự án đã xuống trực tiếp các hộ dân có thâm niên gắn bó với nghề trồng tràm; lắng nghe, tiếp thu những lời chia sẻ quý báu từ bậc cha anh; sau đó kết hợp những kiến thức mà mình biết được trong quá trình nghiên cứu, từ đó hoàn thiện dự án mà nhóm ấp ủ”.
Dự án này đã xuất sắc là 1 trong 10 dự án vào vòng chung kết CamaUP'24./.
Phú Hữu thực hiện