ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 30-12-24 21:29:40
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Quyết tâm xoá tàu “3 không”

Báo Cà Mau Mặc dù ngành chức năng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhưng tình hình các tàu cá “3 không” lén lút thực hiện hoạt động khai thác trên biển vẫn còn diễn ra. Để góp phần gỡ thẻ vàng, tạo kết quả tích cực trước chuyến thanh tra của EC sẽ đến Việt Nam lần thứ 5 dự kiến trong tháng 10 này, nhiều địa phương trong tỉnh quyết tâm xoá các phương tiện này trên vùng biển quản lý.

Loại hình khai thác thuỷ hải sản ven bờ khá phổ biến trên vùng biển Cà Mau, các phương tiện cỡ nhỏ, thường chỉ có 1 hoặc 2 người tham gia đánh bắt. Các phương tiện này được người dân địa phương gọi là những tàu cá “3 không” vì không có đăng ký, không đăng kiểm, không được cấp phép hoạt động. Đa phần các phương tiện được cải hoán từ vỏ composite (thuỷ nội địa), theo các cửa sông thông ra biển để khai thác trái phép.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ban đầu nghề này được xem là nghề “tay trái”, vì sau khi xong vụ lúa, vụ tôm thì một số người dân xuống các phương tiện như vỏ composite, ra các cửa biển khai thác gần bờ để kiếm thêm thu nhập. Lâu dần hình thành thói quen và nhân rộng cho nhiều hộ dân lân cận.

Một phương tiện được cải hoán từ vỏ composite để vươn khơi khai thác, tại địa bàn xã Khánh Hội, huyện U Minh. (ảnh chụp ngày 27/9/2024)

Ghi nhận trên địa bàn xã Khánh Hội, huyện U Minh, hiện có gần 300 phương tiện được cho là phương tiện “3 không” do người dân tự phát.

Ông Châu Minh Đảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, chia sẻ: “Những phương tiện này, chủ yếu nam giới đi làm, thường ra biển tầm 17h hôm nay và vào bờ tầm 6h sáng hôm sau. Sau một đêm đánh bắt trên biển thì những ngư dân này ngủ lấy sức để chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Mỗi phương tiện có thu nhập từ 500 ngàn đồng đến hàng triệu đồng mỗi đêm, từ đó cải thiện được cuộc sống rất nhiều”.

Tuy nhiên, vấn đề này về lâu về dài vô tình đã tạo thành thói quen cho người dân tại các cửa biển. Ban đầu chỉ là nghề “tay trái” nhưng lâu dần nhiều hộ xem đây là nghề “hái ra tiền” và dựa vào khai thác ven bờ để kiếm sống. Và theo đó, câu chuyện chuyển đổi nghề được đặt ra hằng chục năm nay nhưng người dân thì chưa mấy mặn mà. 

Qua trao đổi, nhiều lãnh đạo ở các địa phương có góc nhìn rằng đây là nghề “cha truyền con nối”, bao đời dựa vào nghề khai thác thuỷ sản. Tuy nhiên, thực tế có những hộ rất có điều kiện sống tốt trong đất liền như có vuông nuôi tôm, đất làm ruộng, có nghề để làm… nhưng vẫn sắm thêm phương tiện ra biển khai thác vì nghĩ người khác làm được thì mình cũng làm được; có những hộ không ngại cải hoán, đầu tư phương tiện lớn hơn, công suất lớn hơn và trụ lại nhiều ngày hơn để khai thác. Như thế thì đâu phải là hộ khó khăn, không thể chuyển đổi nghề được!

Song, vẫn có những hộ thực tế đời sống rất khó khăn, thu nhập duy nhất chỉ dựa vào chiếc vỏ máy, mà phương tiện đó chỉ khai thác được ở vùng thuỷ nội địa.

Ông Đảm bộc bạch: “Những hộ mà phương tiện nhỏ quá, đi khai thác có đêm lỗ luôn tiền xăng thì tiền đâu cải hoán, nâng cấp phương tiện đánh bắt xa bờ. Cấm không cho ra khơi khai thác thì tội cho bà con, nhưng cho ra thì không chỉ vi phạm mà còn ảnh hưởng đến tính mạng bà con khi thời tiết mưa bão thất thường như thế này”.

Đây là các phương tiện đã được nâng cấp lên lớn hơn, đúng theo quy định, được ra khơi đánh bắt. (ảnh chụp tại cửa biển Khánh Hội, ngày 27/9/2024) 

Nhìn từ thực tế, lâu nay nhiều địa phương vì thấy đời sống của bà con làm nghề còn khó khăn mà chưa mạnh tay xử lý đối với loại hình khai thác này, với suy nghĩ là tạo điều kiện cho bà con có thu nhập. Nhưng điều này về lâu, về dài vô tình đã tạo thành thói quen xấu cho họ trông chờ và ỷ lại. Đời sống khá lên đâu chưa thấy, nhưng trước mắt, với hình thức khai thác thuỷ sản mang tính chất tận diệt của bộ phận không nhỏ người dân đã làm cạn kiện nguồn lợi thuỷ sản, gây thiệt hại vô cùng lớn.

“Thực hiện ý kiến chỉ đạo, địa phương đang phối hợp với đơn vị Đồn Biên phòng, tuyệt đối không cho các phương tiện này ra cửa biển để khai thác. Mặt khác, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên vùng biển quản lý, không cho các phương tiện này hoạt động. Ban đầu chủ các phương tiện này phản ứng kịch liệt lắm, nhưng đã có quy định của luật rồi thì phải thực hiện. Hiện xã đang triển khai họp dân, rà soát lấy ý kiến để có hướng hỗ trợ cho người dân trong thời gian tới”, ông Đảm chia sẻ.

Ngăn chặn, kiểm tra, kiểm soát, không cho ra khơi khai thác thì chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề cốt lõi hiện nay là tìm ra những giải pháp căn cơ để những hộ dân này có việc làm, thu nhập ổn định. Có như thế thì tình trạng khai thác thuỷ sản bất hợp pháp mới không tái diễn. Điều này không chỉ tạo được hình ảnh đẹp với Đoàn thanh tra của EC khi đến Việt Nam, mà còn tạo được thói quen cho người dân là vừa khai thác vừa bảo tồn nguồn lợi và hệ sinh thái biển./.

 

Kim Cương

 

Tăng tính bảo mật dịch vụ ngân hàng trực tuyến

Từ ngày 1/1/2025, các ứng dụng ngân hàng sẽ không được phép ghi nhớ mật khẩu đăng nhập, theo quy định tại Thông tư 50/2024/TT-NHNN (Thông tư 50)do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành. Quy định này là một phần trong nỗ lực nâng cao mức độ an toàn, bảo mật đối với các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, đồng thời đảm bảo sự bảo vệ tối đa cho thông tin cá nhân của khách hàng trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển.

Ðẩy mạnh xúc tiến, tìm kiếm cơ hội hợp tác

Tỉnh Cà Mau có tiềm năng lớn về khai thác, nuôi thuỷ sản. Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu (tôm, cua, cá...), tỉnh có trên 150 mặt hàng OCOP đa dạng về chủng loại. Ðể đưa các sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại (XTTM), mở rộng đầu tư, phát triển chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP chủ lực sang các thị trường mới, giàu tiềm năng.

Nâng cao đời sống đồng bào

Nhờ địa phương quan tâm triển khai, thực hiện nhiều chương trình, dự án, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Ðầm Dơi được nâng lên, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc hằng năm giảm từ 2% trở lên.

Họp hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024

Tại cuộc họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024, tổ chức ngày 25/12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: “Các chủ thể cần phải nghiêm túc trong việc sản xuất sản phẩm để đảm bảo chất lượng. Hội đồng đánh giá sẽ chấm điểm một cách công bằng và nghiêm túc, với mục tiêu thúc đẩy các sản phẩm có tiềm năng phát triển từ lợi thế của địa phương”. 

Phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025

Ông Châu Vĩnh Thuận, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: “Ngay từ những tháng cuối năm 2024, ngành thuế đã căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh năm 2024, tình hình KT-XH trên đà hồi phục và tăng trưởng ổn định, để đề xuất xây dựng dự toán năm 2025. Mục tiêu chỉ đạo là đánh giá đúng, sát với thực tế khả năng thu năm 2024, để làm cơ sở xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2025 tích cực, sát thực tế phát sinh, đảm bảo tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn, theo quy định pháp luật thuế, phí và lệ phí, thu khác NSNN hiện hành và các chính sách có hiệu lực thi hành từ năm 2025; tổng hợp đầy đủ các nguồn thu phát sinh trên địa bàn theo quy định của Luật NSNN và quy định pháp luật có liên quan”.

Ðồng bộ giải pháp, khai thác tốt nguồn thu

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền địa phương và những nỗ lực của ngành thuế, năm 2024, công tác thu ngân sách của huyện Ðầm Dơi đạt được những kết quả đáng khích lệ, vượt dự toán tỉnh giao.

Lợi ích từ... triều cường

Vào những ngày cao điểm của triều cường, mực nước các tuyến sông trên địa bàn huyện Cái Nước thường xuyên dâng cao, gây ngập úng cục bộ một số tuyến lộ trũng thấp, ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, triều cường cũng mang lại nhiều lợi ích cho nuôi thuỷ sản, giúp độ mặn tăng cao và bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên cho sò huyết nuôi xen canh trong vuông tôm phát triển.

Quyết tâm xoá nghèo

Năm 2024 là năm có nhiều biến động; thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo của huyện U Minh. Tuy nhiên, với quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu giảm 1,5% hộ nghèo mỗi năm như nghị quyết đề ra, huyện U Minh đã dốc toàn lực và đạt được những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo bền vững năm 2024. Phóng viên Báo Cà Mau có buổi trao đổi với ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, về vấn đề này.

Chủ động giải pháp tăng trưởng tín dụng

Ông Liêu Chí Tài, Phó giám đốc Phụ trách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Cà Mau, thông tin, đến ngày 30/11, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 71.673 tỷ đồng, tăng 3,34% so với đầu năm, tương đương với mức tăng 2.315 tỷ đồng. Dự báo đến hết năm 2024, dư nợ cho vay tại Cà Mau sẽ đạt 73.039 tỷ đồng, tương đương mức tăng 5,3% so với đầu năm.

Trúng mùa lúa trên đất nuôi tôm

Hiện nay, bà con nông dân ở các xã vùng chuyển đổi sản xuất của huyện Trần Văn Thời bắt đầu thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm. Vụ mùa năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất đạt khá cao nên người dân rất phấn khởi.