Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh tại buổi lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS: “Sau gần 35 năm triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, thu hút sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nước, trở thành một trong những điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS tại khu vực và toàn cầu”.
Lễ mít tinh do Bộ Y tế tổ chức ngày 29/11, kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành trên cả nước.
Dự tại điểm cầu Bộ Y tế có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS, ma tuý, mại dâm; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Phó chủ tịch Uỷ ban Phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm, cùng lãnh đạo Bộ, ban, ngành, khách quốc tế.
Tại phòng họp trực tuyến UBND tỉnh Cà Mau có đại diện lãnh đạo Sở Y tế cùng thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm tham dự.
Các đại biểu dự lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS tại điểm cầu Cà Mau.
Những năm qua, Bộ Y tế cùng với các địa phương trên cả nước đã triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện, cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm cho đến điều trị HIV/AIDS, mở rộng độ bao phủ của chương trình. Trong đó, các chương trình dự phòng, can thiệp giảm tác hại đã được triển khai rộng khắp cả nước như: cung cấp bơm kim tiêm sạch, bao cao su; điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế … Chỉ tính riêng trong năm 2024, toàn quốc có 48.000 người tham gia điều trị nghiện, các chất giảm thuốc phiện bằng thuốc thay thế, trên 70.000 người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP). Trong năm 2023, nước ta là nước dẫn đầu các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương về số người điều trị PrEP, qua đó, giúp kiểm soát được 97% người sử dụng tránh được các nguy cơ lây nhiễm HIV. Hiện tại toàn quốc có gần 183.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV, Việt Nam cũng là một trong những nước dẫn đầu trong điều trị HIV bằng thuốc kháng với hơn 97%”.
Tại tỉnh Cà Mau, tính đến ngày 31/10/2024, đã phát hiện 4.597 trường hợp nhiễm HIV, số điều trị ARV là 2.699 trường hợp, tử vong 685 trường hợp. Theo đánh giá chung của ngành chuyên môn, về cơ bản dịch HIV/AIDS ở tỉnh Cà Mau vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ, có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Trong đó, đường lây truyền HIV chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Trong năm 2024, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng cao ở nhóm tuổi từ 15-25. Do đó, để tạo cầu nối cho nhóm này tiếp cận thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) thì việc đẩy mạnh công tác truyền thông là rất quan trọng.
Nhân viên y tế tư vấn cách phòng và điều trị HIV.
Chủ đề Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030. Chủ đề năm nay đã cho thấy nỗ lực của nước ta trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng, bình đẳng và không bị phân biệt đối xử./.
Lê Chí