ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 19-7-25 19:40:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ở ngã tư sông

Báo Cà Mau Về trung tâm xã Ðầm Dơi, đi từ đường Dương Thị Cẩm Vân lên cầu, đập vào mắt là tượng đài Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Dương Thị Cẩm Vân sừng sững bên bờ ở ngã tư sông, khắc ghi chiến công của nữ kiện tướng chiến hào trong những năm bao vây, đánh lấn Chi khu Ðầm Dơi. Ở góc tường rào bê-tông là bức phù điêu tái hiện cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân huyện Ðầm Dơi ngày trước trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiếc là ở đây còn thiếu tượng đài khắc hoạ hình ảnh 26 người chết và hàng trăm người bị thương, hàng chục người bị bắt bớ, tù đày trong cuộc đấu tranh trực diện ngày 23/10/1961 quy mô lớn nhất và bị đàn áp đẫm máu nhất trong tỉnh lúc bấy giờ.

Ngã tư sông Ðầm Dơi. Ảnh: LOAN PHƯƠNG

Lần giở lịch sử, ngày ấy, từ tờ mờ sáng, hàng trăm chiếc xuồng ba lá chở theo hơn 3.000 người từ các hướng đổ về Chi khu Ðầm Dơi như các mũi tên lao thẳng vào hang ổ kẻ thù: hướng Bà Bèo lên, hướng Lô 18 xuống, hướng Rạch Sao ra đã tiếp cận được mục tiêu; riêng hướng Lung Lắm ra, do đến chậm hơn giờ quy định nên phải dừng lại khi địch đã nổ súng đàn áp. Ở hướng Bà Bèo, bất chấp quân địch trên bờ quát tháo buộc quay xuồng lại, đoàn người đấu tranh vẫn chèo tới. Súng nổ, phía trước đoàn xuồng khựng lại, nhiều xuồng bị trúng đạn lật nghiêng, có một số người chết và bị thương, hàng trăm chiếc nón lá trôi bập bềnh ở ngã tư sông. Bà Ðoàn Thị Ngọc Y và chị Nguyễn Kim Hương ở ấp Phú Quý bị trúng đạn, nằm sóng soài trong xuồng, máu hoà vào nước loang loáng. Số xuồng bị chìm, mọi người cố bơi vào bờ. Cũng may hầu hết chị em đều biết bơi nên đỡ tổn thất.

Bà Ngọc Y kể, khi xuồng tấp vào bờ thì ai nấy quần áo ướt sũng, bọn địch đã chực chờ đàn áp bằng báng súng, tay đánh, chân đạp. Bà bị mấy báng súng vào lưng, quỵ xuống. Gượng dậy, thấy một chị bị thương nằm trên bãi, kế đó là chiếc xuồng chìm đầy nước, bà bèn nhảy xuống, lắc nước chiếc xuồng thì bọn địch cũng nhào xuống, đẩy ra. Bà vừa giành giựt chiếc xuồng với địch, vừa nhanh tay lắc cho xuồng hết nước, sau đó bà cố gắng đưa người bị thương lên xuồng, chở về Bà Bèo giao cho bộ phận phía sau.

Ở mũi Rạch Sao, Bùi Ngọc Tấn (tuổi vừa 16, lần đầu tiên tham gia đấu tranh trực diện, làm một chiến sĩ thực thụ) cùng hàng trăm chị em khác bất chấp làn đạn của kẻ thù. Người chèo, người bơi, tiến thẳng đến chợ, cùng với lực lượng trên bờ lao vào cuộc đấu tranh chống đàn áp, chống bắt giết người vô tội.

Ở mũi Lô 18, bất chấp làn đạn bủa vây, đoàn xuồng đấu tranh vẫn lao tới. Chèo bị gãy, dầm không còn, ông Ba Ðể trúng đạn, chết trong xuồng; ông Nguyễn Văn Trương và những người còn lại nằm rạp xuống, dùng hai tay gạt nước cho xuồng cập bờ, tăng thêm lực lượng để quần nhau với địch.

Tại ngã tư sông, hàng trăm chiếc xuồng, hàng ngàn người từ các hướng đổ về. Súng vẫn nổ, hàng ngàn chiếc nón lá trôi lều bều, nhấp nhô trên mặt nước. Cuộc đấu tranh lên đến đỉnh điểm khi hàng ngàn người tràn ngập khắp con đường trong chợ, chị em buôn gánh bán bưng, kể cả vợ con binh sĩ cũng góp vào trợ lực.

Một mật lệnh được truyền ra: “Xông vào tiếp cận địch, chặn đứng thảm sát”, đã nâng cuộc đấu tranh từ chống bắn giết, bắt bớ người vô tội thành cuộc đấu tranh chống khủng bố, thảm sát. Một trận bão tố trùm lên thị trấn, tiếng hô "Ðả đảo Mỹ Diệm" vang lên, trộn lẫn với tiếng súng tàn bạo của địch. Chết đó, bị thương đó, đánh đập dã man đó, nhưng khí thế đấu tranh vẫn sôi sục, không hề nao núng. Lực lượng đấu tranh, chị em tiểu thương, kể cả vợ con binh lính địch xốc tới đỡ họng súng, không cho địch tiếp tục tàn sát người tay không; nhiều người giựt dầm, chèo, mía khúc đánh trả lại bọn ác ôn; sư thầy Lê Văn Thiệt nhào tới đỡ đòn cho lực lượng đấu tranh...

Buổi sáng ở Chi khu Ðầm Dơi, không có bình minh yên ả, mà trở thành chiến địa, giữa một bên là hàng ngàn phụ nữ và một số lão nông tay không, một bên là hàng trăm tên tay súng ống, lưỡi lê sẵn sàng thắm máu người. Những nông dân lam lũ cuốc cày, những bà mẹ miền quê chân chất, những nữ thanh phơi phới, khi cần xông lên, họ như người anh hùng và đã ngã xuống với khí phách như người chiến sĩ cách mạng.

Ðể tập hợp đủ lực lượng và hiệp đồng đúng giờ, chị em ở Phú Quý chiều 22/10/1961 đã tập kết sang Thanh Tùng để 3 giờ sáng hôm sau xuất quân. Chị Tô Thị Tẻ (Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân) bị địch bắt, chúng biết rất rõ chị là em ruột của anh Tô Minh Lợi (Ba Lý), Bí thư xã. Chúng dùng mọi thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc, đến tra tấn tàn nhẫn; chị còn chịu sự trả thù của tên Nghĩa Chuột, bởi chị đã từ chối tình cảm của hắn lúc chưa đầu hàng làm tay sai cho địch. Dù đã kiệt sức, nhưng chị vẫn vùng dậy hét to: “Cả lũ chúng bây là đồ tay sai, là đồ hèn...”. Gần chục tên đồ tể lồng lộn dùng lưỡi lê rọc hai vú chị. Tiếng thét nhỏ dần: “Tao không sợ, chúng bây giết tao, tao không sợ! Ngày tận số chờ sẵn chúng bây kìa!...”. Bọn đao phủ lôi chị ra chôn sống ở cái hố được đào sẵn.

Bà Trần Thị Ký, mẹ ruột chị Tô Thị Tẻ, mặc dù đang đau ốm, lãnh đạo động viên bà ở nhà nhưng bà vẫn nằng nặc ra trận, bị chúng bắn trọng thương và sau đó hy sinh cùng với người con gái yêu thương của mình. Ông Ba Chi ở Cột Nhà, khi rơi vào tay địch đã hiên ngang khí phách, dùng lời lẽ sắc bén tấn công lại địch và ông cũng bị kẻ thù chôn sống.

Bà Lâm ở ấp Phú Quý bị thương và đã chết ở trạm y tế xã cùng với đứa con còn trong bụng mẹ; bà Huỳnh Thị Phấn ở Nhà Cũ, bà Huỳnh Thị Thà ở Kinh Xuôi đang mang thai; bà Nguyễn Kim Hương ở Phú Quý; ông Ba Ðể ở Lô 18... Còn nhiều, nhiều lắm những người phụ nữ, lão nông ở Ðầm Dơi anh hùng, bất khuất. Ðó chính là tầm vóc của lòng yêu nước, căm thù giặc, một lòng một dạ theo Ðảng, đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước.

Chưa dừng lại, sau khi đưa thi thể những người hy sinh về, tổ chức truy điệu, phát động căm thù, ngày 25/10/1961, ta tổ chức hàng trăm lực lượng chia thành hai cánh, điểm xuất phát từ kinh Hai Hạt ra sông Gành Hào, kéo ra Cà Mau. Tuy lực lượng đấu tranh bị bọn địch từ Tiểu khu An Xuyên chặn lại, vây bắt, giam cầm một số, nhưng lực lượng đấu tranh vẫn nêu cao tinh thần bất khuất, kiên cường, lôi kéo cả nghị sĩ Quốc hội Diệm và báo giới vạch trần tội ác của địch. Cuối cùng, tên Tỉnh trưởng An Xuyên phải hứa bồi thường nhân mạng, thả những người bị bắt và đưa tên Quận trưởng Thắng ra toà hiến binh xét xử.

Gần 64 năm trôi qua, những người trong đội quân ngày ấy còn sống hôm nay, không ai đòi hỏi điều gì. Ðất và người xứ Ðầm Dơi đang trên đà phát triển, song có lẽ vẫn canh cánh bên mình món nợ với lịch sử, nợ với 26 người đã ngã xuống, với những vết thương của hàng trăm người, với hàng trăm vết bầm bị tra tấn trong cuộc đấu tranh huyền thoại ngày 23/10/1961...

Nguyễn Thái Thuận

 

Đại lễ 30/4 - Đất nước trọn niềm vui

​Chúng ta đang cùng nhau sống lại những giờ phút lịch sử trọng đại, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Mốc son chói lọi này đang được khắc sâu trong tim mỗi người con đất Việt, và niềm xúc động ấy lan tỏa diệu kỳ trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt rực cháy tại TP. Hồ Chí Minh - thành phố vinh dự và tự hào được mang tên vị lãnh tụ kính yêu.

Huyện Vĩnh Lợi: Sôi nổi chuỗi hoạt động chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và Ngày Quốc tế Lao động (1/5), huyện Vĩnh Lợi đã tổ chức Giải đua xuồng ba lá năm 2025 trong không khí phấn khởi, sôi nổi và đậm đà bản sắc văn hóa Nam Bộ.

Viết tiếp truyền thống vùng đất anh hùng - vững bước hội nhập và phát triển cùng đất nước

Cách đây 50 năm, ngày 30/4/975, Bạc Liêu giành lại chính quyền, góp phần cùng quân và dân cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước và hạnh phúc cho Nhân dân.

Bạc Liêu 50 năm: Từ chiến trường đến những công trình thế kỷ

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày non sông thu về một mối - hành trình 50 năm là một bản hùng ca về ý chí kiên cường, sức sáng tạo và khát vọng vươn lên của Bạc Liêu khi đã biến những vùng đất từng nhuốm màu khói lửa thành những công trình, dự án mang tầm vóc thế kỷ, làm thay đổi diện mạo quê hương một cách ngoạn mục.

Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng

​Bạc Liêu có nhiều vùng đất từng là chiến trường ác liệt, oằn mình dưới mưa bom bão đạn, nhưng sau 50 năm thống nhất đất nước đã trở thành những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cuộc sống người dân nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc, giữ vững truyền thống cách mạng và hướng tới phát triển bền vững.

Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu

Những ngày này, cả nước đang hân hoan hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Trong dòng chảy lịch sử đặc biệt ấy, có một thế hệ được sinh ra đúng vào thời khắc thiêng liêng của dân tộc.

Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc

​Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta.

50 năm - Bạc Liêu chuyển mình theo sự phát triển của đất nước

​(Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều tại họp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh giải phóng tỉnh Bạc Liêu (30/4/1975) không đổ máu

​Đại thắng mùa Xuân năm 1975 ở tỉnh Bạc Liêu là kết quả của quá trình lãnh đạo của Đảng bộ trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác đại đoàn kết dân tộc một cách tài tình và xuất sắc, phối hợp chặt chẽ lực lượng tôn giáo, dân tộc và cách mạng trong các ngày của tháng Tư lịch sử để Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu giành lại chính quyền từ tay chính quyền Sài Gòn sớm hơn các tỉnh trong đồng bằng sông Cửu Long và không đổ thêm máu.

Những thắng lợi tạo đà cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975 góp phần kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; đánh dấu bước phát triển tới đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, trong đó, nghệ thuật tạo sức mạnh về lực lượng và thế trận là những nét đặc sắc tiêu biểu.