ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 27-9-24 17:21:11
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

Báo Cà Mau Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hiện nay đang trở nên đáng báo động khi số lượng và liều lượng thuốc sử dụng trong một vụ sản xuất ngày càng gia tăng. Điều này không chỉ làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người mà còn gây ô nhiễm đến môi trường đất và nước.

Người dân cần thực hiện tốt nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. (ảnh minh hoạ)

Theo thống kê gần đây của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, bình quân hàng năm bà con sử dụng khoảng 300 tấn thuốc BVTV, lượng thuốc sử dụng trung bình từ 2,5-3 kg/ha/vụ, thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực từ 1-1,5 kg/ha/vụ. Nguyên nhân do tỉnh Cà Mau chỉ sản xuất 2 vụ lúa trong năm, còn lại các tỉnh trong khu vực sản xuất từ 6-7 vụ lúa trong 2 năm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV của người dân vẫn còn nhiều bất cập khi chưa tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” là: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách.

Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, lo ngại, việc lạm dụng thuốc BVTV hiện nay đang trở nên đáng báo động, nhiều bà con nông dân vẫn có tâm lý phun thuốc BVTV khi sâu bệnh chưa đến ngưỡng phòng trừ để phòng ngừa sâu bệnh, nhất là sử dụng thuốc BVTV chưa tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất hay cơ quan chuyên môn, tự ý tăng liều lượng hay phối trộn nhiều loại thuốc trong cùng một lần phun xịt. Đây chính là tác nhân gây hại đến các loại côn trùng có lợi, khiến sâu bệnh phát mạnh; gây ô nhiễm môi trường đất, nước, gia tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Điều đặc biệt nguy hiểm hơn là, một số nông dân chưa có ý thức cao trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp; sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục sử dụng; chưa tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất về thời gian cách ly của thuốc được in trên bao bì sản phẩm, phun thuốc gần ngày thu hoạch dẫn đến không bảo đảm an toàn chất lượng nông sản sau thu hoạch.

Hiện nay, các vùng chuyên canh trong tỉnh còn khoảng 20 ngàn ha lúa hè thu đang chuẩn bị cho thu hoạch.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trà lúa hè thu đang bước vào vụ thu hoạch, nhưng do thời tiết mưa dầm, lúa chậm chín. Lo sợ kéo dài thời gian thu hoạch, mưa nhiều, khi gặp dông lốc làm lúa đổ ngã thì tiếp tục gây thêm nhiều thiệt hại, một số bà con nông dân dùng thuốc khai hoang để diệt cỏ, pha trộn với thuốc dưỡng hạt phun xịt để lúa nhanh chín và khi gặp mưa nhiều sẽ hạn chế được tình trạng lên mọng. Cách làm này không có khuyến cáo, bởi phun thuốc gần ngày thu hoạch, thời gian cách ly của thuốc không đảm bảo, nhất là phối trộn nhiều loại thuốc cho một lần phun dẫn đến không bảo đảm an toàn chất lượng nông sản.

Đang thực hiện công việc phun xịt thuốc cho gần 1,4 ha lúa hè thu đang gần ngày thu hoạch, anh P.T.T, một nông dân xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, giải thích: “Do mưa nhiều, tuy hạt lúa đã chín vàng tới nách bông nhưng lá gai của bông lúa vẫn còn xanh. Để làm cho lá lúa nhanh vàng, một số bà con sử dụng thuốc diệt cỏ để phun xịt, vì lo sợ để lâu, mưa dông làm lúa đổ ngã gây thêm thiệt hại. Thêm nữa, hiện nay thương lái ra tận đồng xem lúa để ra giá, khi nào lúa chín vàng họ mới đồng ý cho thu hoạch”.

Điều đáng nói, đây không phải là cách làm hiệu quả. Trước đó, tình trạng này cũng đã xảy ra tại xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, và khi doanh nghiệp thu mua, đem xuất khẩu thì bị nhà nhập khẩu trả về do có dư lương thuốc BVTV.

Ngành chức năng sớm ban hành hướng dẫn về lượng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với lượng nước phun cho Drone.

Việc sử dụng thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình, kỹ thuật sẽ bảo vệ tốt mùa màng, làm tăng năng suất và chất lượng nông sản, đem lại lợi nhuận cao cho người dân. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, thuốc BVTV cũng như “con dao hai lưỡi” gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ con người, đến cây trồng, ô nhiễm môi trường và gây mất cân bằng sinh thái.

Theo đó, người dân cần thực hiện tốt nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV; đặc biệt tuân thủ thời gian cách ly khi sử dụng thuốc BVTV để sản phẩm lúa gạo đảm bảo an toàn, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trong thời gian tới.

Ngành chức năng cần năng cường công tác quản lý sử dụng Drone phun thuốc. Đặc biệt, việc phun thuốc BVTV bằng Drone vào giai đoạn lúa sau trổ phải giảm lượng thuốc, phù hợp với lượng nước phun cho Drone, nhằm hạn chế dư lượng thuốc BVTV trên lúa gạo./.

 

Trung Đỉnh

Tạo giá trị gia tăng từ công nghiệp hoá

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau từng bước khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất công nghiệp. Qua đó, ngành công nghiệp có bước phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Kỳ vọng đặc sản cá bổi

Vài năm gần đây, giá cá bổi thương phẩm giảm, cùng với tình hình nguồn nước, thời tiết bất lợi phần nào ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả nuôi, khiến nhiều nông dân bám nghề lâu năm cũng phải ngán ngại. Bà con nuôi cá bổi luôn kỳ vọng giá cá thương phẩm tăng trở lại và ổn định, để có động lực bám nghề và góp sức giữ vững thương hiệu cá bổi, đặc sản quê hương.

Ðồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

Các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ thanh niên trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế; xây dựng quỹ góp vốn xoay vòng, quỹ khởi nghiệp, giúp nhau lập nghiệp.

Bảo vệ lúa mới gieo sạ

Trước tình hình thời tiết thường xuyên có mưa lớn kéo dài như hiện nay, nông dân vùng sản xuất lúa - tôm trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động phòng, chống ngập úng cục bộ, bảo vệ an toàn diện tích lúa mới gieo sạ trên đất nuôi tôm.

“Bà Năm rau mầm” truyền nghề

“Bà Năm rau mầm” là tên gọi quen thuộc mà mọi người dành cho bà Ðoàn Thị Duyên ở Phường 1, TP Cà Mau. Gia đình bà đã có 16 năm thành công với mô hình trồng rau mầm và sản phẩm đã vào được hệ thống siêu thị Co.opmart từ năm 2013.

Phát huy lợi thế nông sản sạch

Sản xuất nông sản sạch, hữu cơ và đạt những tiêu chuẩn quốc tế, là hướng phát triển được huyện Thới Bình hoạch định. Việc duy trì, thúc đẩy phát triển theo hướng này mở ra vận hội mới cho nông dân, tạo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp địa phương.

Ða cây, đa con, cho thu nhập khá

Hiện nay, việc áp dụng mô hình đa cây, đa con đã góp phần giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thới Bình tăng nguồn thu nhập cho gia đình từ 150-700 triệu đồng.

Ðáp án cho nông nghiệp bền vững

Nhiều năm trở lại đây, ngành nông nghiệp áp dụng cơ giới hoá, công nghệ hoá trên đồng ruộng từ khâu làm đất, gieo sạ, phun xịt thuốc đến thu hoạch..., góp phần giảm sức lao động và chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.

49 dự án tham gia vòng sơ tuyển CamaUP’24

Chiều 19/9, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) chủ trì vòng sơ tuyển Cuộc thi Khởi nghiệp Cà Mau 2024 (CamaUP’24 - Think green for sustainable startup).

Khơi dậy tính cần cù, yêu lao động

Năm 2011, Huyện uỷ Phú Tân ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03 về vận động đảng viên, cán bộ, Nhân dân tận dụng đất trống trồng hoa màu, cây ăn trái tăng thu nhập. Qua 13 năm, nghị quyết đã đi vào cuộc sống một cách thiết thực, trở thành việc làm tự giác của cán bộ và người dân.