“Cô Ba Thuỷ mà nghỉ dạy thì lớp học tình thương không duy trì được tới giờ đâu”, ông Lâm Việt Triều, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tấm tắc.

Cô Ba Thuỷ - Lê Thị Bích Thuỷ - hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thạnh Phú. Lớp học tình thương do cô tạo lập và đứng lớp đến nay đã gần 11 năm.

Bà Nguyễn Thị Bình, 63 tuổi, ở tuốt bên cầu Hoà Trung (thuộc xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) đều đặn mỗi tuần 3 buổi chiều đưa 2 đứa cháu đến lớp cô Ba Thuỷ học chữ.

Bà chia sẻ: “Cha mẹ tụi nó thôi nhau, bỏ ba đứa cháu tôi nuôi. Đứa lớn nhất học lớp 10, hồi đó cũng nhờ cô Ba Thuỷ dạy chữ rồi được đưa vô trường điểm học tớI giờ. 2 đứa nhỏ này thì suýt bỏ học vì tôi lo không nổi, cô Ba thấy vậy kêu vô đây, cô lo hết cho. Nhờ vậy mà nó vừa được cô Ba kèm, vừa vào được lớp 1 trường điểm. Đưa nó đi thì con em 6 tuổi cũng theo, cô Ba dạy luôn để năm tới vô lớp 1 với anh nó”.

Nhìn bà Bình trìu mến, cô Ba Thuỷ nói vui: “Bà nội cũng từng là học trò ở đây, giờ biết chữ rồi nghen!”.

Gần 11 năm, cô Ba Thuỷ không nhớ nổi mình dạy chữ cho bao nhiêu trò, nhẩm tính phải có 100-200 em. Và để duy trì lớp học, địa điểm cũng thay đổi rất nhiều nơi, có lúc cô Ba đem lớp về nhà vì dạy ở đâu cũng phải mượn, nhờ. Nhưng vì nhà cô ở ấp Tân Hoà, không ngay tuyến lộ xe buýt, các em ở các vùng lân cận khó đi học, nên cô lại dời lớp trở ra. Và nay được UBND xã Thạnh Phú tạo điều kiện mở lớp tại Trung tâm Văn hoá xã.

Lớp trưởng Nguyễn Cẩm Linh, 32 tuổi, tâm tình: “Cô Ba Thuỷ thương học trò lắm. Cô dạy chữ, dạy đạo đức, dạy cách sống, nên ai cũng thương cô hết. Năm nay gần 70 tuổi mà cô vẫn đi dạy nên cực cỡ nào tôi cũng phải đưa con đi học lớp cô”. Cẩm Linh cho biết, chị đưa 2 cô con gái học lớp cô Ba lâu rồi, dù 2 đứa học chính ở Trường Tiểu học Thạnh Phú 3, nhưng học chậm nên được cô Ba nhận dạy kèm thêm.

Giờ giải lao, cô Ba Thuỷ cho lớp chơi trò đố vui tên lá cờ các nước, các em hào hứng, đoán gần như trúng hết. Đến đoạn lá cờ nước Pháp, cô cho đọc số bằng tiếng Pháp, đến nước Anh thì đọc số bằng tiếng Anh… Ở mỗi câu đố, những cánh tay đưa lên rất cao, rất tự tin. Cô Ba Thuỷ thật sự đã mang đến cho các em rất nhiều kiến thức, học vui, vui học thì không khó lý giải được vì sao lớp học vẫn duy trì suốt ngần ấy năm qua.

Để giải đáp thắc mắc vì sao đã có rất nhiều em được cô đưa vào điểm học chính mà vẫn mở lớp học tình thương, cô Ba Thuỷ chia sẻ, mỗi em một hoàn cảnh.

Học rồi nghỉ, cô giáo năn nỉ đi học lại, rồi cho tập, viết, quần áo, giầy dép, cho luôn gạo, nhu yếu phẩm.... Chỉ mong tụi nhỏ biết chữ, biết tính toán là cô vui rồi, không mong gì hơn!

Hiện tại lớp của cô Ba Thuỷ có từ 20-25 em theo học, nhưng mỗi ngày con số cứ vơi đầy. Hễ danh sách vắng 1 em vài buổi là cô Ba đến tận nhà hỏi thăm tình hình. Nhiều em được về trường chính, học chậm, cô vận động quay lại lớp tình thương để cô kèm thêm, yếu môn nào, cô bồi dưỡng riêng môn đó. Đó cũng chính là lý do chỉ có 1 lớp học, 1 cái bảng mà cô dạy từ lớp 1 đến lớp 4,5.

“Chỉ vì nghèo, chỉ vì cha mẹ không quan tâm, bỏ rơi phải bươn trải với đời quá sớm mà các em dở dang con chữ thì quá tội, quá thiệt thòi. Tôi chỉ mong mình có nhiều sức khoẻ để dạy chữ, rèn người, để sau này các em trở thành người có ích. Rất may mắn là lớp học nhận được rất nhiều sự quan tâm từ chính quyền địa phương, nhà hảo tâm… nên các em có thêm động lực để phấn đấu, để thay đổi cuộc đời. Đã có nhiều em từng học ở đây giờ đi làm ăn xa lâu lâu gọi điện thoại về hỏi thăm tôi, cho biết là nhờ biết chữ mà có công việc tốt, đã có gia đình riêng và quyết chí cho con đi học", cô Ba Thuỷ trải lòng.

Băng Thanh - Lê Tuấn