Không nơi nào trên đất nước Việt Nam – và cũng là duy nhất trong 28 tỉnh, thành phố ven biển – Cà Mau sở hữu cả hai bờ biển Đông và Tây. Trong khi nhiều địa phương khác tận dụng lợi thế này để phát triển kinh tế biển, thì những năm qua, Cà Mau lại phải gồng mình chống chọi với thiên tai. Tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đã khiến địa phương mất đi một phần đất liền tương đương diện tích của một xã.
Và trong suốt hành trình ứng phó với thiên tai ấy, câu chuyện bảo vệ bờ Tây chưa bao giờ ngơi nghỉ. Xen lẫn trong đó là biết bao trăn trở, nỗi lo thường trực kéo dài suốt nhiều năm qua – đặc biệt mỗi khi mùa mưa bão về.
Cà Mau là vùng đất bồi, mang trong mình diễn thế tự nhiên “mắm trước, đước sau, tràm theo sát”. Nơi đất biết nở, rừng biết đi – những lời miêu tả sống động về Cà Mau, vùng đất giữ sứ mệnh làm dáng hình đất nước thêm dài, thêm rộng. Ở đó, chỉ có rừng lấn biển, chỉ có bãi bồi mỗi ngày một thêm. Thế nhưng, khi biến đổi khí hậu ngày càng bất lợi, dòng phù sa về ít hơn, vùng bờ biển Tây bắt đầu oằn mình chống đỡ.
Hơn 16 năm trôi qua, ký ức ấy vẫn in đậm – khi vành đai rừng phòng hộ ven biển Tây bị dập tả tơi bởi mưa bão, áp thấp nhiệt đới và những đợt sóng biển dữ dội. Những cánh rừng một thời che chắn nay oằn mình để mặc sóng biển chồm lên hàng kí-lô-mét, lấn sâu đến tận con đê đất – vốn chỉ mới hình thành sau cơn bão Linda năm 1997.
Tình huống khẩn cấp được ban bố, lực lượng quân đội lập tức được điều động để hỗ trợ ứng cứu. Những hình ảnh tại hiện trường cho thấy sóng biển đã vượt qua vành đai rừng hơn 1.000 m, ồ ạt vỗ vào thân đê đất vốn mong manh, tạm bợ, bào mòn và phá huỷ nhiều đoạn nguy cấp. Trong khoảnh khắc ấy, con người bỗng trở nên quá đỗi nhỏ bé trước thiên nhiên.
Và cũng từ đây, câu chuyện mất rừng, mất đất, sạt lở bờ đê, ban bố tình huống khẩn cấp luôn được lập lại mỗi khi mùa mưa đến. Cư dân vùng ven biển Tây thấp thỏm, ảnh hưởng nặng nề về sinh kế; chính quyền và nhà khoa học thì tìm mọi giải pháp ứng phó, nhưng chưa mang tính toàn diện khi nguồn lực của địa phương hạn hẹp, Trung ương thì đầu tư nhỏ giọt.
Sự kiên cố, cứng cáp và ổn định hơn bảo vệ tuyến bờ biển Tây trước tiên phải kể đến là hệ thống kè bằng cọc ly tâm do địa phương thử nghiệm, đạt hiệu quả khi “phá sóng từ xa”, giảm áp lực lên tuyến đê đất vốn khá mong manh tại các cửa biển ở huyện U Minh. Tuy nhiên, việc xây dựng cũng như suất đầu tư cho hình thức kè này khá khó khăn về vật liệu, điều kiện thi công, đặc biệt là khá tốn kém về kinh phí, vượt khả năng của địa phương. Theo đó, trong thời gian dài, việc triển khai xây dựng kè “phá sóng từ xa” luôn chạy phía sau, theo kiểu khu vực nào mất rừng, đê biển bị uy hiếp mang tính khẩn cấp thì xây dựng tuyến kè hộ đê ở đó.
Đối với tuyến đê biển được nâng cấp, trước tiên phải kể đến Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) được khởi công vào ngày 27/4/2015 và khánh thành vào cuối năm 2016 với quy mô chiều dài tuyến đường 14.635 m; chiều rộng mặt đê 7,5 m; chiều rộng mặt đường 5,5 m; tải trọng thiết kế 8 tấn; tổng dự toán công trình này gần 151 tỷ đồng, từ nhiều nguồn vốn.
Câu chuyện dễ bị tổn thương của đê biển Tây khi đai rừng phòng hộ không còn được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là đoạn đê từ Vàm Đá Bạc của xã Khánh Bình Tây đến Vàm Kênh Xáng Mới của xã Khánh Hải trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Những năm 2020 - 2023, dù được xây dựng tuyến kè phía ngoài, xây dựng tuyến đê kiên cố, nhưng mỗi khi vào mùa mưa bão, nhất là những lần vùng biển Cà Mau chịu ảnh hưởng của bão hay áp thấp nhiệt đới, nước biển dâng thì đoạn đê này luôn trong tình trạng khẩn cấp.
Tháng 8/2019, rồi tháng 7/2022, khu vực này được ban bố tình huống khẩn cấp, phải sử dụng và tăng cường các lực lượng để hộ đê trước nguy cơ bị phá vỡ bất cứ lúc nào. Đặc biệt và không ngờ đến là ngay giữa mùa khô, tháng 2/2020, một đoạn đê biển khu vực này bị sụt lún hoàn toàn một đoạn dài. Nguyên nhân là do hạn hán kéo dài làm cạn kiệt nguồn nước phía trong, gây nên sụt lún, nguy cơ nước biển tràn vào vùng nội đồng. Và cũng từ đó, việc ứng phó thiên tai tại tuyến bờ của tỉnh không còn chỉ tập trung vào mùa mưa bão mà thường trực quanh năm, làm cho trở ngại này đối với tỉnh thêm phần gian nan.
Con số thống kê từ ngành chuyên môn cho thấy, những năm gần đây dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã làm cho bờ sông, bờ biển tỉnh Cà Mau sạt lở ngày càng nghiêm trọng; tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 194 km trong 254 km bờ biển. Giai đoạn 2011-2023, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 6.200 ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh Cà Mau); sạt lở bờ sông khoảng 424 km trong 8.118 km.
Nói về tính hiệu quả của những công trình kè, đê được đầu tư đảm bảo về nguồn vốn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng, các công trình đã phát huy việc làm giảm sóng tác động vào đai rừng, tuyến bờ, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ; công trình kè các đoạn bờ sông, cửa biển; khắc phục được tình trạng sạt lở, đồng thời sắp xếp, chỉnh trang lại vẻ mỹ quan, trật tự xây dựng công trình, nhà ở ven sông phù hợp với biến đổi khí hậu.
Nhằm khép kín và hoàn thiện tuyến đê biển Tây (từ Tiểu Dừa, huyện U Minh đến Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân), mới đây, tỉnh Cà Mau đã có chủ trương xây dựng 19 km đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm để chống xói lở, gây bồi, tạo bãi; đồng thời hướng đến trồng mới hơn 2.000 ha rừng phòng hộ ven biển Tây từ cửa Sông Đốc đến cửa Bảy Háp, góp phần bảo đảm an toàn cho đê biển và 15.000 ha đất thuộc huyện Phú Tân, Trần Văn Thời dưới tác động của sóng, gió bão (cấp 9) và nước biển dâng.
Cùng với đó, xây dựng hơn 11 km kè giảm sóng, chống xói lở bờ biển, gây bồi, tạo bãi nhằm bảo vệ, khôi phục và phát triển đai rừng phòng hộ ven biển, bảo vệ tuyến đê biển Tây và các khu dân cư ven biến thuộc 2 huyện Trần Văn Thời và Phú Tân.
Thực tế hiện nay là nguồn lực đầu tư vốn cho những dự án ứng phó thiên tai nói chung và kè, đê biển tại Cà Mau gặp nhiều khó khăn.
Một thực tế khác, ven biển từ Tiểu Dừa (Khánh Tiến) đến cửa biển Khánh Hội (xã Khánh Hội) hiện vẫn chỉ là con đê đất không lối đi, trong khi khu vực này là khởi phát mất rừng, sạt lở bờ đê vào năm 2009. Việc lập dự án xây dựng tuyến đê kiên cố khu vực này đã có từ năm 2013, thời gian hoàn thành vào năm 2020. Công trình có tổng chiều dài khoảng 10 km, được Ngân hàng Tái thiết Đức đầu tư khoảng 13 triệu euro. Dự án sau đó được điều chỉnh gia hạn giai đoạn 2021-2025. Đến nay, trên 11 năm, dự án vẫn đóng băng, mà nguyên nhân đến từ quy định, ràng buộc của chủ đầu tư trong đấu thầu quốc tế.
Mới đây, cuối năm 2024, tỉnh Cà Mau phê duyệt Dự án Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau (Dự án thành phần cấp địa phương tại tỉnh Cà Mau), trong đó có hợp phần 1 “Phục hồi đê biển” bằng việc xây dựng kè chắn sóng, phòng chống sạt lở, gây bồi tạo bãi và bảo vệ đê biển với chiều dài 7.000 m tại khu vực 2 bên cửa Khánh Hội (huyện U Minh). Cùng với đó là hợp phần “Phục hồi và phát triển rừng” trồng 54,8 ha rừng các loại với tổng kinh phí gần 231 tỷ đồng cũng từ nguồn vay ODA Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và vốn đối ứng.
Nhìn nhận thực tế những tồn tại trong ứng phó thiên tai, đặc biệt là tuyến đê biển trong thời gian qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng, còn có sự bị động, mà cụ thể ở đây là do khó khăn về nguồn vốn thực hiện các dự án, công trình ứng phó kiên cố, dài hơi; chưa có chiến lược, quy hoạch phòng, chống sạt lở để chủ động ứng phó; công tác quan trắc cảnh báo, dự báo sạt lở bờ sông, bờ biển còn yếu; công tác đầu tư phục hồi rừng phòng hộ còn hạn chế.
“Từ những kết quả đạt được trong xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển những năm qua và tình hình diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển thực tế trong thời gian gần đây cho thấy, cần phải chủ động hơn và xử lý dứt điểm nhiệm vụ này trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Nếu không thì thiệt hại sẽ càng lớn hơn, khó khắc phục hơn và tỉnh Cà Mau phải thường xuyên tập trung đối phó với tình huống khẩn cấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tỉnh sẽ có nguy cơ “tụt hậu” trong phát triển kinh tế so với các tỉnh trong khu vực và cả nước”, ông Lê Văn Sử đút kết khi đánh giá thực tế.
Với mục tiêu “Chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, tạo điều kiện ổn định khu vực ven biển, ven sông; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất của Nhân dân”, Cà Mau hướng quyết tâm đến năm 2025 nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển, giảm thiểu tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Các khu dân cư ven sông, ven biển ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở. Hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm, xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà ở tại khu vực ven sông, ven biển. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ biển, bờ sông, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Đối với các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, phấn đấu thực hiện 95% số lượng công trình đề xuất đầu tư; công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, phấn đấu hoàn thành xử lý các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và một số công trình sạt lở nguy hiểm.
Việc xây dựng hạ tầng ứng phó thiên tai nhằm bảo vệ bờ biển luôn đi kèm với ổn định đời sống người dân vùng ven biển, cụ thể là hình thành các khu tái định cư, định canh nhằm di dời những hộ dân sống ngoài đê vào nơi an toàn. Nhiều khu dân cư được hình thành, như: Hương Mai, Lung Ranh, Khánh Hội, Kênh Tư…
Theo Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông đến năm 2030 và định hướng đến 2050 trên địa bàn tỉnh Cà Mau trình Chính phủ phê duyệt, giải pháp công trình được xem là vấn đề ưu tiên, hàng đầu nhằm bảo vệ đất, bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sản xuất và đời sống người dân. Cụ thể, xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng ven sông, ven biển và rừng phòng hộ ven biển, đặc biệt là rừng ngập mặn bảo vệ trực tiếp đê biển. Đầu tư xây dựng tuyến đê biển vừa kết hợp làm đường giao thông, chắn sóng, ngăn chặn sạt lở, đồng thời phát triển quỹ đất. Đầu tư xây dựng các công trình phòng chống sạt lở kết hợp với trồng rừng nhằm phục hồi đai rừng ngập mặn, phòng hộ ven biển, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời khai thác tín chỉ carbon. Xây dựng các công trình chỉnh trị sông nhằm giữ ổn định tỷ lệ phân lưu, ổn định dòng chảy, hình thái sông, bờ biển, bờ sông tại các khu vực trọng điểm, vùng cửa sông, ven biển có diễn biến bồi, xói phức tạp. Xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bảo vệ khu đô thị, khu dân cư tập trung có nguy cơ sạt lở theo quy hoạch, kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trong lần về thăm và làm việc tại Cà Mau vào tháng 11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo, cần ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai thực hiện, không để tình trạng xỏi lở như hiện nay; kết hợp đầu tư hoàn chỉnh tuyến đê biển, tuyến đường bộ ven biển vừa phòng, chống thiên tai, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa phục vụ quốc phòng, an ninh.
Khảo sát tại Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ủng hộ, giao địa phương nghiên cứu, xây dựng đề án, dự án cụ thể thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở trên cơ sở những mô hình, cách làm thành công, hiệu quả đã được tỉnh triển khai trong thời gian qua, để đầu tư chống sạt lở toàn tuyến ven biển tỉnh Cà Mau và các cửa sông, ven sông có nguy cơ sạt lở cao, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Hành trình ứng phó với thiên tai tại Cà Mau vẫn còn dài và đầy thách thức. Thế nhưng, từ những thành quả đã đạt được trên tuyến bờ biển Tây, cùng sự chung tay của nhiều lực lượng và quyết tâm chính trị cao nhất từ các cấp chính quyền, công tác khôi phục đai rừng phòng hộ và bảo vệ vùng ven biển đang dần có những chuyển biến tích cực. Đây chính là nền tảng vững chắc để ổn định đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biển theo hướng bền vững, đồng hành cùng quê hương và đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc.
Trần Nguyên - Lê Tuấn
Xuất bản: 20-04-2025