“Danh hiệu” thân thương này là của Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân khi nói về người bạn - Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), Phó Trưởng Ban liên lạc Đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh (Ban liên lạc).
“Bác sĩ Khanh đã có nhiều đóng góp cho quê hương bằng những việc làm thiết thực: Khám cấp thuốc chữa bệnh, mổ mắt bằng kỹ thuật Phaco miễn phí cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn; vận động xây cầu, nhà đồng hương, trao học bổng… Anh đã hết lòng cứu giúp nhiều mảnh đời vượt qua cơn bạo bệnh. Và anh đau đáu làm thế nào để người dân quê nhà đỡ vất vả khi bệnh hiểm nghèo phải chuyển tuyến trên…”, ông Nguyễn Minh Luân dành lời ưu ái.
Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh quê xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. Lần về gần nhất là hồi cuối tháng 8 nhưng chỉ kịp ghé qua nhà vì lịch công tác khá dày; vừa phải cùng y, bác sĩ BV Lê Văn Thịnh khám, cấp thuốc miễn phí cho bà con ở xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi; vừa phải phối hợp BV Mắt Tây Nam (TP. Hồ Chí Minh) phẫu thuật mắt miễn phí (trong hai ngày 26-27/8), tại BV đa khoa 2 huyện: Cái Nước và Phú Tân. Rồi cùng Ban liên lạc khánh thành, bàn giao cầu và nhà đồng hương ở 3 huyện: Thới Bình, Cái Nước, Phú Tân.
Tôi may mắn được tháp tùng cùng Bác sĩ Khanh trong chuyến công tác này. Hôm tới xã Tân Đức, khi xe vừa chạm ngõ trạm y tế, Bác sĩ Khanh vội vã bước xuống xe, đi thẳng đến quầy tiếp nhận bệnh và ra hiệu cả đoàn vào việc ngay.
Mãi đến khi ổn định, Bác sĩ Khanh mới rời vị trí đi một vòng, chốc lát lại ghé thăm hỏi người bệnh, nhắn nhủ họ ra về nhớ nhận quà vì đó là tấm lòng của đoàn gửi đến bà con.
Giữa cái nắng oi bức, mồ hôi nhễ nhại, Bác sĩ Khanh bước thật mau để di chuyển qua phụ e-kip mổ mắt ở BV đa khoa Cái Nước. Suốt chặng đường, ông cứ gọi điện dò hỏi: “Đông dữ hông? Các chú ráng thu xếp mổ cho bà con nghen. Người ta đã đến, dẫu có mệt cũng hỗ trợ tận tình, đừng để họ về trong nuối tiếc”. Bởi lẽ, trung bình mỗi ca mổ phẫu thuật mắt chi phí gần 3 triệu đồng/người (chưa bao gồm thù lao bác sĩ và chi phí vật tư địa phương). Do đó, nếu bà con lên TP. Hồ Chí Minh mổ thì chi phí lên tới cả chục triệu đồng/người.
Thời điểm dịch bệnh Covid-19, BV Lê Văn Thịnh là một trong những bệnh viện tuyến đầu, được giao trách nhiệm phải tổ chức khám, thu dung điều trị với quy mô khoảng 6.000 giường bệnh tại 5 cơ sở. Bác sĩ Trần Văn Khanh vừa tham gia tổ chức xây dựng gấp rút bệnh viện và trực tiếp điều trị bệnh nhân tại BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 (Thủ Đức, TP. HCM), vừa chỉ đạo trực tiếp công việc ở BV Lê Văn Thịnh.
“Chính xác là đưa vào sử dụng ngày 7/7. Lúc mới thành lập, BV được giao tiếp nhận điều trị tầng 1 (ca nhiễm chưa có triệu chứng) là 3.000 giường. Sau gần 1 tháng, số ca nhiễm gia tăng, công suất gần như được lấp đầy. Cùng với đó, có từ 3%-5% bệnh nhân đột ngột trở nặng. Thành phố đã giao BV thu dung, điều trị bệnh nhân ở tầng 2 và 3 (có triệu chứng và chuyển nặng) để giảm tải bớt cho các tuyến trên. Tính đến ngày trở lại trạng thái bình thường mới (ngày 1/10/2021), tập thể y, bác sĩ BV Lê Văn Thịnh và các đơn vị hỗ trợ đã khám, chữa bệnh cho khoảng 30.000 lượt F0”, Bác sĩ Khanh bồi hồi nhớ.
Cảm động sâu sắc nhất đối với bệnh nhân nghèo khi đó là vị bác sĩ có nụ cười hiền, giọng nói trầm ấm, ngoài là “thủ lĩnh” khoác chiếc áo blouse trắng, ông còn tích cực tham gia tiêm vắc-xin ở các khu phong tỏa, cách ly. Cùng thời điểm này, ông sáng lập, vận động mạnh thường quân xây “Nhà ăn hạnh phúc” để cung cấp miễn phí cơm trưa (mỗi tuần 5 ngày) cho người bệnh và thân nhân người bệnh, người bán vé số, kể cả nhân viên BV có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch và duy trì đến nay đã được hơn 3 năm với hàng trăm suất cơm nóng hổi, ấm áp nghĩa tình.
Sau 15 năm hình thành và phát triển, dưới sự chèo lái của Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh và lãnh đạo bệnh viện qua các thời kỳ cùng góp sức, BV Lê Văn Thịnh được công nhận là BV hạng I dẫn đầu tuyến quận, huyện với nhiều thành tích ấn tượng trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Ngày 19/5 vừa qua, tại lễ Kỷ niệm 15 năm thành lập BV, BS.CKII Trần Văn Khanh được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều tập thể, cá nhân của BV cùng được khen thưởng dịp này.
Bác sĩ Khanh cho biết thêm, ngày 18/8, BV Lê Văn Thịnh đã được Hiệp hội Đột quỵ Thế giới (World Stroke Organization – WSO) trao chứng nhận Vàng (Gold Status) về điều trị đột quỵ. BV Lê Văn Thịnh là 1 trong 36 bệnh viện, trung tâm đột quỵ của cả nước đạt được chứng nhận này trong quý II năm 2023.
Mục tiêu trọng tâm trong giai đoạn 2025-2030 của BS.CKII Trần Văn Khanh cùng Ban lãnh đạo BV là phát triển nơi đây trở thành bệnh viện đa khoa thông minh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân TP. Thủ Đức nói riêng và các vùng lân cận nói chung, mở rộng quy mô 1.000 giường bệnh, đầu tư trang thiết bị và con người, nỗ lực vì người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm.
“Tôi còn nợ đồng nghiệp, cộng sự của mình rất nhiều ân tình. Tấm Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng không chỉ dành cho riêng tôi mà dành cho tập thể cán bộ, công nhân viên chức, thầy thuốc của BV Lê Văn Thịnh đã luôn trách nhiệm và làm tốt “sứ mệnh” của người làm nghề y. Song, với chúng tôi, thật quý giá và đáng tự hào hơn chính những lời khen ngợi và sự tin tưởng của Nhân dân”, Bác sĩ Khanh trải lòng.
Cũng chính sự trách nhiệm và “sứ mệnh” ấy mà nay BV Lê Văn Thịnh còn trở thành “địa chỉ nhân đạo” đã “hồi sinh” nhiều mảnh đời khốn khó, trong đó có nhiều trường hợp ở 2 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu.
Anh hùng LLVT Nhân dân, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, Trưởng Ban liên lạc nói về người em, người “cộng sự” ngắn gọn: “Tốt bụng, và giàu lòng nhân ái!”. Bởi, theo vị tướng, khó có thể đong đếm những gì Bác sĩ Khanh đã làm, cũng khó có thể đo lường tình cảm Bác sĩ Khanh dành cho quê hương, dành cho người nghèo để mà nhận xét về ông.
Chỉ biết rằng, hành trình nhân ái của Ban liên lạc nói chung và của Bác sĩ Khanh nói riêng sẽ còn diễn ra liên tục, tấm lòng vẫn mãi hướng về quê hương, sẵn sàng trao đi những yêu thương, những giá trị nhân văn đáng quý!./.
Băng Thanh - Đồ hoạ: Lê Tuấn