Cái tên NGUYỄN HỮU ÁNH (Bảy Ánh) chắc hẳn không còn xa lạ đối với nông dân tỉnh Cà Mau. Bởi ông là người tiên phong mang con cá chình về đồng đất Cà Mau, và suốt 25 năm qua luôn duy trì hiệu quả. Ông được mọi người gọi bằng cái tên thân thương “Bảy Ánh cá chình” hay “Vua cá chình”, “Vua cá bống tượng”.
Ông Nguyễn Hữu Ánh là một trong 63 nông dân tiêu biểu toàn quốc vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2024.
Nhìn đồng hồ 15 giờ hơn, ông Bảy Ánh liền mặc bộ đồ bạc màu, đi xuống bến sông trước nhà, nơi các con ông đang tất bật cắt cá phi, xay mồi. Xách lên xe hai thùng cá mồi, ông Bảy Ánh chạy đi trước để cho cá chình, cá bống tượng ăn kịp buổi.
Từ nhà ông Bảy Ánh (Khóm 1, phường Tân Thành) đến khu nuôi cá (Ấp 3, xã Tân Thành) hơn 1km. Đường dẫn đến các ao được trải xi măng giúp thuận tiện di chuyển. Cá mồi được ông Bảy Ánh khéo léo bỏ vào sàng, để dễ quản lý nguồn thức ăn và theo dõi sức khoẻ của cá nuôi.
Gia đình ông Bảy Ánh khởi nghiệp từ hơn 1ha đất làm lúa 1 vụ, rồi 2 vụ, cuộc sống chật vật. Vào khoảng năm 1999, một người quen là thương lái thu mua cá gợi ý ông Bảy Ánh thử nuôi con cá chình, vì thấy có giá trị kinh tế cao. Sau thời gian đắn đo, trăn trở, ông Bảy quyết định bán 100 giạ lúa, được 3,5 triệu đồng, để mua 400 con cá chình giống từ Bình Thuận về thả nuôi trong ao sau ruộng.
Sau khoảng 18 tháng nuôi, ông Bảy Ánh tát ao, lên cá được 65 triệu đồng, tương đương hơn 20 lượng vàng, số tiền quá lớn đối với dân làm lúa lúc bấy giờ. Từ đó thôi thúc ông Bảy Ánh tìm hiểu kỹ thị trường, thấy được nhu cầu rất lớn nên ông mạnh dạn đầu tư thêm ao, nuôi thêm cá. Và thành công nối tiếp thành công, khiến không ít người ngỡ ngàng, thán phục.
Từ hơn 1 ha đất lúa khởi nghiệp, qua quá trình tích luỹ, đến nay ông Bảy Ánh đã sở hữu 6,5 ha, nuôi 42 ao cá chình, cá bống tượng, mỗi năm xuất bán từ 3-5 ao cá, lợi nhuận thu về từ 4-7 tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi tham quan khu nuôi cá, ông Bảy Ánh sẵn sàng chia sẻ cách làm, kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi của gia đình. Mỗi ao nuôi diện tích 1.000 m2, thả 1.000 con cá giống, để hạn chế cá bệnh đường ruột, ông Bảy Ánh cho cá ăn cách ngày, theo giờ cố định. Sau 8 tháng, ông bắt đầu tách chuyển ao, thay nước mới, đảm bảo môi trường cho cá phát triển.
Mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng giờ đây đã trở nên quen thuộc với người dân Cà Mau, song đối với ông Bảy Ánh ở mỗi giai đoạn đều có sự mới mẻ trong cách làm. Hiện, ông Bảy đang chia khu nuôi theo hướng VietGAP, thực hiện theo các tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khoẻ và chất lượng sản phẩm. Hứa hẹn sẽ mở ra triển vọng mới cho việc nuôi trồng thuỷ sản, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch, rõ xuất xứ ngày càng cao.
Trước đây, ông Bảy Ánh thường nuôi cá chình, cá bống tượng riêng ao, song cá bống tượng hay bệnh, tỷ lệ hao hụt cao.
Trong quá trình thực hiện khát vọng làm giàu trên đồng đất quê hương, ông Bảy Ánh từng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Đáng nói nhất là thời điểm năm 2019, khi gia đình ông giao 7 ha đất cho Dự án Happy Home, mặc dù có bồi hoàn, nhưng nhìn 45 ao cá và vườn cây ăn trái sum suê bị san lấp, ông không khỏi bùi ngùi, xót xa. Thế là ông quyết tâm gầy dựng lại mô hình ao cá - vườn cây trên phần đất mới và phát triển đến hôm nay.
Những năm gần đây, khu nuôi cá của ông Bảy Ánh trở thành điểm đến thực tập và nghiên cứu của hơn 300 lượt sinh viên Trường Đại học Cần Thơ; hàng chục đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi cá chình, cá bống tượng. Đáng chú ý là năm 2023, 2024 có đoàn công tác cụm thi đua phía Nam các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và đoàn công tác của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đến khảo sát thực tế tại mô hình.
Điểm nhấn trong ngôi nhà ông Bảy Ánh là bức ảnh Bác Hồ và Bác Giáp được treo trang trọng cận cửa vào. Thông qua các hội nghị học tập, quán triệt về nội dung, giá trị, ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông Bảy Ánh càng quyết tâm cùng hội viên nông dân thực hiện hiệu quả phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Ngay bàn giữa nhà là những tấm giấy khen đỏ rực, thành tích học tập của các cháu ông Bảy Ánh, đó là niềm hạnh phúc của lão nông 67 tuổi này. Ông tâm tình, hồi đó nhà khó khăn, gia đình không lo nổi cho mấy đứa con học hành đàng hoàng, bây giờ có điều kiện hơn, nên ông luôn răn dạy các cháu phải ráng lo học. Ông có 7 đứa cháu nội, ngoại đang học đại học, cao học và tốt nghiệp đại học.
Ông Bảy Ánh luôn giáo dục con, cháu mình phải biết yêu thương, sẻ chia và sống giàu lòng nhân ái.
Làm giàu chính đáng, gia đình ông Bảy Ánh còn là điểm tựa cho bà con chòm xóm, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh gặp khó khăn, hằng năm đều phát 500 kg gạo cho người nghèo.
Ông Trần Văn Bô bộc bạch: “Tôi vẫn nhớ hoài câu nói của Bảy Ánh, anh cứ nuôi đi, tôi ở gần bên hỗ trợ anh hết mình, tôi làm được thì anh cũng vậy. Rồi Bảy Ánh cho tôi mượn 100 triệu đồng, hướng dẫn tôi từng khâu, từ 6 ao nuôi tôi phát triển 12 ao, cuộc sống dần khá giả. Bây giờ lớn tuổi, không còn duy trì nuôi cá như trước, nhưng ân tình của Bảy Ánh gia đình tôi luôn ghi khắc”.
Trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gia đình ông Bảy Ánh luôn gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua. Ông là thành viên của tổ tự quản, đóng góp kinh phí lắp đặt Camera an ninh, giúp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nông dân an tâm lao động sản. Ông còn hiến đất mở rộng lộ giao thông (ngang 1,5 m, dài 45 m), trị giá 120 triệu đồng...
Chúng tôi từ giã ra về, ông Bảy Ánh nói với theo: “Từ đây tới tháng 11 âm lịch, chú dự định lên 3 ao, khoảng 4,5 tấn cá, cháu nhớ vô tham quan cho biết, nhìn thấy mê dữ lắm”.
Mộng Thường
Đồ hoạ: Lê Tuấn
Xuất bản: 24/9/2024