Ngày 30/04/1975 ghi dấu mốc lịch sử quan trọng: miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Sống trong hoà bình, tự do hôm nay chúng ta không thể nào quên sự hy sinh xương máu của thế hệ cha anh. 50 năm trôi qua, Đảng và Nhà nước ta vừa ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến thiết đất nước, vừa chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa. Đó là nghĩa cử, là đạo lý "uống nước nhớ nguồn" đáng trân quý.

Ngôi nhà nhỏ nằm cạnh con kênh ở Ấp 9, xã Trí Lực, xã Thới Bình là nơi mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Cưởng, 89 tuổi, sinh sống mấy chục năm qua từ khi chồng và con mẹ hy sinh. Gia đình mẹ có 5 người con, chồng mẹ là liệt sĩ Nguyễn Văn Vinh, tham gia nhập ngũ tại Tiểu đoàn 307 ở Hậu Giang, hy sinh năm 1965; con trai thứ 2 là liệt sĩ Nguyễn Thanh Dân, tham gia nhập ngũ vào năm 1971, hy sinh năm 1972. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ký ức về hình ảnh người chồng, người con đã ngã xuống trong kháng chiến vẫn hiện diện trong tâm trí mẹ không bao giờ mờ phai.

Mẹ kể, chồng mẹ hy sinh chưa nguôi ngoai nỗi đau thì con trai thứ 2 của mẹ đi theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông, đất nước vào năm 1971. Hay tin con mình nhập ngũ mẹ vừa tự hào, vừa lo sợ, lúc ấy anh Nguyễn Thanh Dân chỉ mới tròn 17 tuổi. Vậy mà, chưa tròn 1 năm, có người đem giấy báo tử đến nhà. Con của mẹ đã hy sinh.

“Bữa chiều đó, thấy có người kiếm tôi là tôi biết có chuyện rồi. Cầm giấy báo tử mà tôi chỉ biết khóc, không đọc hết được những gì ghi trong đó. Cán bộ giao giấy rồi cũng đi gấp. Tôi cũng vội vã trở về hầm trú, lúc đó mẹ con tôi chạy giặc bên ấp Chiến lược, thuộc chi khu Vĩnh Thuận (nay là xã Vĩnh Phong, Kiên Giang). Chứ lúc đó gần giải phóng, giặc càn quét dữ lắm”, mẹ Cưởng nhớ lại.

Sau ngày giải phóng, phần mộ của chồng mẹ vẫn nằm tại nghĩa trang của xã, sau đó được gia đình đem về tại đất hương hoả. Còn phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Thanh Dân, gia đình vẫn chưa tìm được. Theo lời kể của mẹ Cưởng, bà đã nhiều lần lặn lội khắp các nghĩa trang ở Hậu Giang, hành trình tìm kiếm hài cốt con kéo dài hàng chục năm qua.

Thương binh 4/4 Trương Văn Độ ở ấp 9, xã Trí Lực, huyện Thới Bình tham gia nhập ngũ tại Tiểu đoàn 306 thuộc Quân khu miền Tây (Quân khu 9) vào năm 1965. Năm 1969, ông bị địch bắn trúng, viên đạn xuyên qua phổi, trong một trận chống càn ở Trà Vinh. 

“Lúc nhận được giấy báo tử về gia đình, mẹ tôi khóc không thành tiếng. Thông qua lời kể của mấy anh cán bộ tại Tiểu đoàn 309, em tôi được phân công nhiệm vụ chiến đấu tại kênh Vĩnh Tế, tỉnh An Giang và hy sinh tại đó. Dù đồng đội quyết tâm tìm kiếm nhưng lúc đó trận đánh rất ác liệt, giặc càn quét dữ dội nên đến nay phần mộ của em tôi vẫn chưa được xác định”, ông Độ trần tình.

 

 “Địa phương rất quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công. Thời gian qua, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để những gia đình liệt sĩ, thương binh phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, trở thành những tấm gương sáng cho con cháu và thế hệ mai sau học tập, noi theo”, ông Độ chia sẻ.

“Công tác đền ơn, đáp nghĩa được chúng tôi thực hiện liên tục, thường xuyên, không chỉ vào những dịp lễ, tết. Toàn huyện có 209 gia đình chính sách, người có công cần được hỗ trợ nhà mới, trong đó 124 căn xây mới, 85 căn sửa chữa. Đây là hoạt động rất thiết thực, thể hiện đạo lý uống nước nguồn, tri ân những đóng góp to lớn của từng gia đình trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, giành lại độc lập tự do”, ông Trần Minh Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, thông tin.

Tại địa bàn xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Thực hiện chương trình xoá nhà tạm, quyết tâm hoàn thành nhà ở cho các gia đình chính sách trước ngày 30/4.

Gia đình ông Dư Văn Việt ở ấp 19/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời rất vui mừng khi căn nhà mới hoàn thành vào đầu năm 2025. Đây là nguồn hỗ trợ từ chương trình xoá nhà tạm đối với gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Cha ông Việt là liệt sĩ Dư Phát Thanh, hy sinh năm 1969, hiện tại gia đình ông đang thờ cúng.

Căn nhà cũ cất bằng cây lá tạm bợ từ năm 2004 đã xuống cấp nghiêm trọng, nay được hỗ trợ 60 triệu đồng gia đình ông mới có khả năng xây dựng lại căn nhà mới khang trang. Niềm vui có căn nhà mới giúp gia đình ông Việt càng quyết tâm vươn lên trong cuộc sống.

Căn nhà của gia đình bà Nguyễn Huỳnh Diễm, ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, đang trong quá trình xây cất nhờ vào chương trình xoá nhà tạm cho đối tượng gia đình có công với cách mạng. Bà Diễm từng tham gia hoạt động cách mạng, chồng bà là bộ đội bị nhiễm chất hoá học, mang nhiều thương tích nên qua đời cách đây 2 năm. Hiện tại bà chỉ sống một mình.

"Hiện tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời đã triển khai xây dựng 48 căn nhà trong chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, trong đó 14 căn cho hộ cận nghèo, còn 30 căn là gia đình chính sách. Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình có công với cách mạng thể hiện từ quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự tri ân của toàn xã hội nhằm bù đắp phần nào những hy sinh, mất mát, giúp mỗi gia đình có thêm động lực, vươn lên ổn định kinh tế, phát triển cuộc sống, đảm bảo thụ hưởng các chính sách đúng quy định", ông Phạm Quốc Trận, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ.

Thời gian qua, công tác đền ơn đáp nghĩa được tỉnh Cà Mau quan tâm thực hiện tốt. Những gia đình có công với cách mạng, gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực vũ trang Nhân dân, thương bệnh binh được thụ hưởng các chính sách, chế độ đúng quy định và thời gian.

Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm và tặng quà tri ân các gia đình chính sách, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn".

Triển khai vận động Qũy Đền ơn đáp nghĩa năm 2025 Cà Mau phấn đấu đạt 10,2 tỷ đồng. Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh chủ trương tổ chức thăm, tặng quà cho 451 gia đình chính sách, người có công và 242 đại biểu người có công với cách mạng tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), với tổng kinh phí là 138 triệu đồng. Đây là hoạt động thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ đã không tiếc xương máu vì độc lập, tự do, vì thống nhất của Tổ quốc.

Mỗi chiến công phải đổi lấy bằng biết bao xương máu, những anh hùng, liệt sĩ nằm xuống đã viết nên nhiều trang sử hào hùng cho dân tộc. Sự mất mát, hy sinh của những gia đình riêng dù đau thương nhưng đã trở thành những tấm gương sáng ngời về tinh thần dân tộc, nhắc nhớ thế hệ hôm nay luôn biết ơn, trân trọng và tự hào...