Chiếu từ lâu đã trở thành một thương hiệu của Cà Mau. Chiếu Cà Mau đã đi vào thơ ca, sống cùng thời gian qua bài hát nổi tiếng của cố Soạn giả Viễn Châu.

Đến Cà Mau, hỏi thăm làng chiếu Tân Thành, Tân Duyệt, có lẽ ai cũng biết. Dù không phải là nghề để làm giàu, nhưng đâu đó vẫn còn những trái tim ấm áp với tình yêu khung dệt, mùi lác, cọng trân mà âm thầm giữ lửa nghề dệt chiếu Cà Mau.

Chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, từ vùng ngọt thành vùng mặn, chuyện dệt chiếu ở Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi tưởng chừng mất gốc, nhưng có một người phụ nữ năm nay đã 67 tuổi có cách riêng để giữ nghề, với niềm đam mê mãnh liệt. Đó là bà Trần Thị Hồng, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi.

Phụ mẹ tất cả các công đoạn: Chặt lác, chẻ lác, phơi khô rồi nhuộm lác; chấp trân; đến chùi lác, dệt chiếu…bà Hồng dần “ghiền” mùi đặc trưng của chúng. Đến việc, tập tành những đường dệt đầu tiên, nếu không đủ lực chiếu sẽ không khít, không bện chặt, hoặc tay chùi lát chưa nhuần rất dễ làm đứt trân, cũng phải qua nhiều lần sự cố như thế bà Hồng mới lành nghề.

Dù vất vả, công phu, đòi hỏi sự tập trung và khéo léo cao độ mới thành phẩm, đặc biệt là đối với dệt chiếu lẫy chữ, lẫy hình theo ý muốn là rất khó, mất nhiều thời gian. Song, tình yêu đã ăn sâu vào tim, nên bà Hồng quyết tâm duy trì nghề.

Hiện nay, nơi bà Hồng sinh sống thuộc vùng mặn, để có nguyên liệu lác duy trì nghề, bà Hồng dành khoảng đất trống quanh vườn nhà trồng lác, duy trì nghề chiếu quanh năm, đặc biệt vào dịp Tết thì đơn đặt hàng sẽ nhiều hơn, góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, bà Hồng cũng là “nghệ nhân miệt vườn” hiếm hoi còn giữ nghề dệt chiếu ở quê hương Tân Duyệt.

Nhắc đến chiếu Cà Mau, ngoài làng chiếu Tân Duyệt, thì chiếu Tân Thành khá nổi tiếng, nhưng do nhiều nguyên nhân: Nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, một nghề khá vất vả, đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, cũng không phải nghề để làm giàu, nên có thời điểm chiếu Tân Thành gần như im ắng, mai một.

Chị Trần Như Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thành, TP Cà Mau, cho biết: Chiếu Tân Thành có truyền thống từ bao đời nay, cũng là thương hiệu nổi tiếng gần xa. Vào những dịp gần Tết, chị em háo hức mắc khung chiếu dệt, tạo thành sản phẩm thủ công bền, đẹp trao tay khách. Đây cũng là niềm vui, động lực giúp chị em duy trì làng chiếu đến nay.

Chiếu Tân Thành không  chỉ đẹp, bền, nằm êm mà còn có đặc điểm nổi bật với các hình hoa văn, do các cô, các chị khéo léo tính toán từ đường đi sợi trân, cọng lác tạo nên rất nhiều mẫu bắt mắt, như: Chiếu lẫy chữ, lẫy con bướm, lẫy bông rơi, mặt võng, cờ long 2, cờ long mốt...Đặc biệt, loại chiếu xã Tân Thành do các chị dệt thành phẩm rất bền, nặng hơn 3 kg/đôi, sử dụng từ 5 năm đến 10 năm vẫn chưa hỏng.

Chị Ngô Huỳnh Trang, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cà Mau (Cà Mau- ECO) chia sẻ: Khi nói về chiếu, mọi người đều nhắc đến cụm từ “Ghe chiếu Cà Mau”. Chiếu Cà Mau không chỉ gắn liền với cuộc sống của người dân vùng sông nước Cà Mau, mà đã đi vào lời ca tiếng hát.

Cũng từ đây, chị Trang đã đưa những ký ức tuổi thơ vào tái hiện lại tại khu du lịch làng rừng Cà Mau Eco. Đó là những chiếu ghe chiếu, xuồng chèo lênh đênh trên mặt nước với những tiếng rao và lời hát về ghe chiếu Cà Mau.

Loan Phương - Đồ họa: Lê Tuấn