Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Cà Mau đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hàng năm tối thiểu 0,5%, đến cuối năm 2025 còn không quá 1%. Để đạt được mục tiêu đó, truyền thông được xem là một trong những giải pháp đi trước, xuyên suốt, góp phần giúp người dân tiếp cận với chính sách, dự án liên quan đến giảm nghèo. Đồng thời, nắm bắt thông tin, mô hình hay trong giảm nghèo nhanh, áp dụng có chất lượng; nhất là thay đổi nhận thức, hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của công tác giảm nghèo, từ đó quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thực tiễn khẳng định, báo chí Cà Mau luôn đi đầu để truyền tải kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững; công tác thông tin, tuyên truyền còn góp phần “Thực hiện Tiểu dự án 1 “Giảm nghèo về thông tin” trên địa bàn tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025.

Sở LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường truyền thông về giảm nghèo bền vững. Việc làm này đã giúp huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khơi dậy được sự đồng thuận, trách nhiệm, tinh thần vươn lên của chính người nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.

Trong thời gian qua, Báo Cà Mau đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, ấn phẩm truyền thông và sản xuất các tác phẩm truyền hình…

Nhờ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo; đồng thời, hạn chế dần những tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Nhà báo Đỗ Chí Công, Trưởng Phòng Phóng viên Báo Cà Mau phấn khởi: Ý nghĩa nhân văn chính là khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết hỗ trợ người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau, như: Quỹ Vì người nghèo, xây nhà, xây cầu, tặng thẻ BHYT, hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm, các mô hình giúp nhau thoát nghèo… Quan trọng và mang tính quyết định chính là làm thay đổi tư tưởng, nhận thức, và thúc đẩy khát vọng, chuyển hoá thành hành động của các hộ nghèo. Đây là minh chứng rõ nét khẳng định sự thành công của công tác truyền thông về giảm nghèo, cũng là giải pháp mang tính căn cơ nhất”, Nhà báo Đỗ Chí Công phấn khởi. 

“Tôi ấn tượng sâu sắc với bài báo “Về xã “5 không”” của Báo Cà Mau. Bởi chính từ bài viết đó đã tạo bước chuyển mạnh mẽ cho xã Tân Hải từ “5 không” trở thành xã đầu tàu xây dựng nông thôn mới. Rất mừng vì trong tiến trình thay đổi diện mạo quê hương của Tân Hải nói riêng và huyện Phú Tân nói chung vẫn luôn có sự đồng hành hỗ trợ của các cơ quan báo chí cả về truyền thông và công tác an sinh xã hội. Hiện xã Tân Hải đang được Đài PT-TH Cà Mau phụ trách hỗ trợ xây dựng NTM nâng cao”, bà Võ Thị Ngọc Hân bộc bạch như thế vì bà từng đảm trách vai trò Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hải, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện. 

Trong công tác giảm nghèo, mỗi một giai đoạn có cách tiếp cận và những yêu cầu mới với phương châm là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, lấy người dân là chủ thể để họ tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Vì vậy, báo chí luôn bám sát chương trình, chính sách; là diễn đàn của Nhân dân; những vấn đề dư luận quan tâm được thể hiện trên báo chí, đã tác động đến quá trình xây dựng chính sách thông qua đa dạng hình thức truyền thông.

Để đáp ứng được nhiệm vụ ấy, Báo Cà Mau hiện nay không chỉ xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giảm nghèo bền vững mà còn có nhiều chuyên trang, chuyên mục khác, góp phần làm tốt công tác này như: Trợ giúp pháp lý, Xuất khẩu lao động, Bảo hiểm xã hội; Kỳ vọng Chương trình MTQG vùng dân tộc thiểu số… và không chỉ truyền thông trên báo in truyền thống mà còn đa dạng các thể loại báo chí khác như: Media, Longform, Podcast, Infographic… trên các kênh mạng xã hội; đặc biệt báo còn có tờ song ngữ Việt - Khmer.

Nhà báo Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau đánh giá: Các cơ quan báo chí đã làm tốt vai định hướng dư luận, thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo một cách thường xuyên, liên tục với tần suất tương đối lớn, chất lượng tốt ở hầu hết các loại hình báo chí. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, Sở LĐ-TB&XH và Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh tổ chức Cuộc thi báo chí về công tác giảm nghèo bền vững và song hành là việc tăng cường phối hợp truyền thông giảm nghèo bền vững trên Báo Cà Mau và Đài PT-TH Cà Mau, đã đẩy mạnh lên cao trào truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội đối với công tác giảm nghèo.

Năm 2009, khi Quyết định 494 và 551 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau về phân công các đơn vị cấp tỉnh phụ trách xã nghèo được ban hành, các cơ quan báo chí Cà Mau đã đồng hành với công tác giảm nghèo một cách trực tiếp, toàn diện.

Tích cực, trách nhiệm làm cầu nối tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cho những địa phương phụ trách, các cơ quan báo chí Cà Mau thông qua các công trình, phần việc, đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo đã để lại những dấu ấn nghĩa tình, cùng với đó là chung sức xây dựng các điều kiện nền tảng, khơi dậy niềm tin phát triển của những vùng đất còn nhiều gian khó.

Xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển có xuất phát điểm vô cùng khó khăn. Thời điểm năm 2009, Báo Cà Mau được phân công là đơn vị phụ trách giúp đỡ địa phương, mà vấn đề cấp bách nhất chính là việc giảm nghèo. 

Ông Lâm Quốc Cường, Phó bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Tam Giang Tây chia sẻ: “Thời điểm năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của xã ở mức trên 12,5% theo tiêu chí cũ (hơn 18% theo tiêu chí mới), cho nên việc đầu tiên và quan trọng nhất mà địa phương đề đạt với đơn vị “đỡ đầu” là làm sao giúp bà con giảm nghèo!”.

Báo Cà Mau nhanh chóng đề xuất địa phương rà soát, thống kê những bà con sống trong điều kiện nhà cửa tạm bợ, song song đó là việc kết nối, kêu gọi nhà tài trợ hỗ trợ nhà ở cho người dân.

Bà Quách Thị Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Tây thông tin: “Trong thời gian giúp đỡ địa phương, giá trị và ý nghĩa của các công trình, phần việc của đơn vị là hết sức trân quý. Hàng chục căn nhà kiên cố, khang trang đã giúp cho người nghèo có điều kiện “an cư”, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, đơn vị “đỡ đầu” bằng trách nhiệm, tình cảm, sự sâu sát đã làm cho chính anh em cán bộ của Tam Giang Tây thêm “sáng mắt, sáng lòng” trong quá trình giảm nghèo tại địa phương”.

Không chỉ đo đếm bằng giá trị vật chất, theo lời bà Minh, những căn nhà công vụ cho giáo viên bám trụ giảng dạy, những chuyến học tập kinh nghiệm giảm nghèo do Báo Cà Mau kết nối tại nhiều tỉnh và Tp. Hồ Chí Minh, đã giúp địa phương hình dung rõ hơn về cách thức, giải pháp, tạo được sự đồng thuận của người dân trong cuộc chiến với nghèo khó.

Ông Trịnh Minh Tâm, ấp Dinh Củ thì rưng rưng xúc động: “Năm 2015, Báo Cà Mau trao tặng căn nhà rồi thêm các vật dụng sinh kế cho gia đình. Nhờ đó mà nay tôi thoát nghèo, ân tình đó lớn lắm!”.

Nói như lời của Chủ tịch UBND xã nơi này: “Ông bà mình nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, còn với Tam Giang Tây, nghĩa tình và những đóng góp của Báo Cà Mau sẽ vẫn là điều còn mãi, không chỉ là ở mục tiêu giảm nghèo, mà còn vì tương lai phát triển giàu đẹp của địa phương”.

Gắn với nhiệm vụ thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định 2510 vào năm 2019 phân công sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM và NTM nâng cao. Trong đó, giảm nghèo bền vững tiếp tục là một nội dung quan trọng có sự đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí truyền thông tỉnh nhà.

Câu chuyện của Tân Hải là hành trình kỳ diệu, từ “xã 5 không” nay tiệm cận chuẩn NTM nâng cao. Bà Võ Hồng Hoài, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hải cho biết: “Lúc tách xã (2004), tỷ lệ hộ nghèo ở mức 33%, năm 2020 là 2,59%, thì đến nay còn 0,59%. Sự hỗ trợ của đơn vị phụ trách, nhất là ở công tác xoá nghèo, giảm nghèo bền vững là điều hết sức giá trị”.

Ông Nguyễn Đức Duy, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hải đánh giá: “Càng về sau, công tác xoá nghèo, giảm nghèo tại địa phương càng khó. Sự hỗ trợ của đơn vị phụ trách, nhất là giúp đỡ bà con giảm nghèo vì thế càng giá trị, càng lan toả ý nghĩa. Quan trọng hơn, các cơ quan báo chí không chỉ giúp đỡ về giá trị hiện hữu vật chất mà còn là công tác truyền thông tác động vào ý thức, tình cảm, suy nghĩ của bà con, cán bộ, mang lại hiệu ứng tích cực, toàn diện về giảm nghèo và xây dựng NTM nâng cao”./.

Những người làm báo Cà Mau luôn luôn trong tâm thế dấn thân, gần gũi và sâu sát từng hoàn cảnh khó khăn, từng nhịp thở của đời sống. Thông qua những tác phẩm báo chí, người làm báo bằng trách nhiệm, vinh dự của nghề nghiệp đã có những đóng góp lớn về giải pháp, đề xuất kiến nghị, mang tính phản biện, dự báo để công tác giảm nghèo của tỉnh nhà ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.

Nói như Nhà báo Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau: “Có những cảnh đời, câu chuyện mà khi báo chí nêu lên, tạo ra hiệu ứng xã hội vô cùng lớn, vô cùng tích cực. Người làm báo, trước hết và trên hết, phải đặt mình trong tâm thế của những người ở tuyến đầu, thực hiện sứ mệnh vinh quang của nghề nghiệp, phụng sự lợi ích của Nhân dân”.

Trở lại câu chuyện xã “5 không” Tân Hải, huyện Phú Tân. Mỗi khi có phóng viên báo chí về tác nghiệp tại địa phương là anh em cơ sở thân tình hỏi thăm Nhà báo Phương Lài (Phạm Thị Lài), Báo Cà Mau. Chúng tôi, những đồng nghiệp của chị cũng hãnh diện vì bài viết mang đầy hơi thở cuộc sống ấy đã để lại dấu ấn đậm sâu trong lòng cán bộ, người dân Tân Hải suốt 20 năm qua.

Chị khiêm tốn chứ thời điểm đó, bài viết như một “cú sốc” lớn của tỉnh, vì ngoài “5 không” kể trên, xã Tân Hải còn không ít cái thiếu khác. Sau đó, nhiều tờ báo của cả Trung ương, địa phương, ngành tiếp tục phản ánh những khó khăn, bất cập của xã Tân Hải; cả hệ thống chính trị huyện Phú Tân và lãnh đạo tỉnh Cà Mau tức tốc vào cuộc. Chính tác giả cũng phải giải trình, các đoàn công tác xác minh những nội dung nêu trong bài báo cũng khẩn trương thành lập. 

Hôm về Tân Hải công tác được biết xã gặp khó công tác vận động bà con tham gia BHYT, chúng tôi gọi Nhà báo Phương Lài vì chị hiện đang đảm trách chuyên mục này mảng media báo điện tử, chị quả quyết liền: “Rồi, mình hẹn tuần sau về Tân Hải làm phóng sự để góp phần tuyên truyền bà con tham gia nghen! Ai gặp khó thì tìm nguồn giúp đỡ luôn. Mong là bà con còn thương mình!”.

Sâu sát thực tế, lăn xả với nghề, chị là tác giả có rất nhiều bài viết về công tác giảm nghèo, hễ thấy hoàn cảnh nào khốn khó là chị kêu gọi, vận động mọi nguồn lực hỗ trợ kịp thời. 

Về Tân Hải còn có một cái tên được nhắc nhớ nhiều và gọi thân thương là “Hải mái ấm an cư” - Nhà báo Nguyễn Chí Hải, Biên tập viên Đài PT-TH Cà Mau. Theo lời kể của bà Võ Hồng Hoài, Phó chủ tịch UBND xã, anh Chí Hải đã kết nối, vận động rất nhiều chương trình an sinh xã hội tại xã nói riêng và huyện Phú Tân nói chung, trong đó điểm nhấn là chương trình “Mái ấm an cư” và đã trao tặng 2 căn tại xã. 

“Mọi người gọi mình như vậy là niềm hạnh phúc khi việc mình làm góp sức cho địa phương trong công tác giảm nghèo bền vững. Khi viết format cho chương trình (năm 2020) tôi không nghĩ hiệu ứng lan toả đến vậy. Đến nay, chương trình đã mang đến mái ấm cho 23 gia đình, 1 căn đang xây dựng sắp hoàn thành. Với mỗi căn nhà khi trao tặng đều được mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm tiền, vật dụng, đặc biệt là kế mưu sinh nên qua rà soát, tất thảy các hộ đều đã an cư lạc nghiệp”, anh Chí Hải chia sẻ. 

Anh nói vui rằng: “Tôi nhiều con lắm, gần chục đứa đâu ít. Có đứa hỗ trợ từ lớp 9 nay đã học cao đẳng; đứa đang du học Đài Loan…”.

Trường hợp em Trần Thị Huệ, ngụ xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển là điển hình trong số đó. Thời điểm gặp Huệ là lúc anh Chí Hải còn là Bí thư Đoàn cơ sở Đài PT-TH Cà Mau. Khi được chia sẻ về hoàn cảnh bản thân, em Huệ viết hẳn một lá thư cảm ơn anh Nguyễn Chí Hải và Đài PT-TH Cà Mau đã giúp đỡ em có được tương lai tươi sáng hơn. Vì em sinh ra trong một gia đình vô cùng khó khăn. Không cha, mẹ thì không đủ khả năng nuôi dưỡng em (là người khiếm thính và khuyết tật ngôn ngữ). 

 “Lúc sắp lên lớp 10, em đã lưỡng lự khi đưa ra quyết định học tiếp hay dừng lại. Và em may mắn khi được cô chú ở Đài PT-TH Cà Mau động viên, quan tâm, trao học bổng để tiếp tục theo đuổi học tập và ước mơ của mình là trở thành giáo viên. Trong suốt 3 năm học cấp 3, mỗi năm em đều được nhận học bổng và được cô chú Đài PT-TH Cà Mau hỗ trợ; rồi khi lên cao đẳng, em vẫn được cô chú ở Đài định hướng học Sư phạm mầm non và tiếp tục hỗ trợ chi phí học tập, nay em đã là sinh viên năm cuối với thành tích học tập tốt”, Huệ bộc bạch với lòng biết ơn sâu sắc. 

Với anh, những phóng viên, biên tập viên, nhà báo may mắn có cơ hội đi sâu vào thực tiễn, có cơ hội kết nối với các doanh nghiệp, địa phương làm tốt về công tác giảm nghèo bền vững để làm cầu nối kịp thời giúp nhiều hoàn cảnh vực dậy kinh tế thoát nghèo bền vững; động viên cổ vũ và khơi dậy lòng nhân ái; từ đó giúp các địa phương tích cực thực hiện giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều.

Nhà báo Chí Hải bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn không chỉ cho người nghèo cần câu, con cá mà còn cho họ tương lai. Còn có duyên sẽ còn nỗ lực giúp họ”.

Anh chia sẻ: “Đằng sau những công trình ấy là những nụ cười, ánh mắt ngời sáng của trẻ nhỏ, những cái bắt tay thật chặt của cô chú cao niên nơi bàn giao công trình đã thôi thúc tôi tiếp tục hành trình thiện nguyện, kết nối yêu thương. Việc làm tuy nhỏ, nhưng tôi tâm nguyện góp chút sức mình để mong bà con có cuộc sống tốt hơn, quê hương mình ngày thêm giàu, mạnh!”.

Có thể thấy, những người làm báo ở Cà Mau, bằng trách nhiệm và vinh dự nghề nghiệp đã tác động và huy động được nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng vào công tác giảm nghèo; phổ biến những mô hình giảm nghèo thành công, nêu những gương những hộ nghèo, người nghèo tự lực thoát nghèo để khích lệ tinh thần tham gia của những người chưa thoát nghèo, tạo nên phong trào thi đua đăng ký thoát nghèo.

Vai trò của người làm báo còn được nêu bật thông qua những bài viết phản biện, lên án, phê phán những tư duy trì trệ trong thực hiện giảm nghèo, những cách làm chưa đúng, những hành động sai trái để giúp chính quyền cơ sở điều chỉnh, uốn nắn, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước./.

Vị thế, nội lực và sự phát triển của tỉnh Cà Mau đã có sự thăng tiến vượt bậc so với thời điểm tái lập tỉnh cách đây 26 năm. Giảm nghèo là một trong những thành tựu biểu hiện rõ ràng nhất, sinh động nhất cho hành trình ấy, từ tỷ lệ 30% hộ nghèo thời điểm năm 1997 (đơn chiều), nay chỉ còn 2,94% (đa chiều, số liệu cập nhật đến hết năm 2022).

Trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai tại địa phương (Nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số), giảm nghèo bền vững luôn là một nội dung xuyên suốt, quan trọng. Truyền thông giảm nghèo, mà nòng cốt là vai trò của các cơ quan báo chí Cà Mau luôn đồng hành xuyên suốt cùng quê hương trong chặng đường đã qua, và phía trước là những mục tiêu mới, kỳ vọng mới.          

Công tác giảm nghèo bền vững không thể thiếu vai trò của báo chí. Cà Mau đã sớm chuyển đổi từ cơ chế giao nhiệm vụ, cấp kinh phí sang cơ chế đặt hàng thông tin tuyên truyền. Theo đó, các cơ quan báo chí đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ và tích cực, trong đó có chuyển đổi số báo chí, lấy người dân làm trung tâm.  

Báo Cà Mau không chỉ có báo thường kỳ, ấn phẩm Đất Mũi và ấn phẩm song ngữ Việt – Khmer mà còn có báo Cà Mau điện tử với giao diện mới, theo xu hướng báo chí hiện đại với nội dung chuyên sâu, trình bày ấn tượng, thu hút độc giả.

Nếu như báo điện tử phát triển theo hướng báo chí đa phương tiện - đa nền tảng, là trung tâm tin tức, bám sát hơi thở cuộc sống thì ấn phẩm báo in được chuyển đổi theo hướng báo chí dữ liệu với nhiều đổi mới. Tòa soạn chú trọng sản xuất các chuyên đề dài kỳ, các bài viết chuyên sâu; đồng thời thường xuyên đổi mới cách trình bày, mạnh dạn phá cách đối với những ấn phẩm đặc biệt tạo ấn tượng, có điểm nhấn.

Đặc biệt, hiện nay các cơ quan báo chí tập trung đào tạo bồi dưỡng lực lượng cán bộ, phóng viên, biên tập viên để bắt kịp xu thế chuyển đổi số báo chí. Bên cạnh đó tập trung đầu tư các nguồn lực tranh thủ sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, đầu tư về kinh phí để thực hiện chiến lược chuyển đổi số báo chí hiện nay.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã nhấn mạnh rằng: “Đối với công tác giảm nghèo, vai trò truyền thông là hết sức quan trọng. Truyền thông giảm nghèo phải đa dạng, toàn diện, sinh động. Với các cơ quan báo chí, vấn đề này cần phải được quán triệt thông suốt, thấu đáo. Truyền thông phải đi trước, phải hiệu quả, phải tiếp cận và được tiếp nhận trực tiếp từ người dân, nhất là những đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, có nguy cơ tái nghèo”.

Trong bối cảnh mới, báo chí cũng cần đổi mới, nỗ lực hơn để hoàn thành sứ mệnh được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Ông Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh từng lưu ý rằng: “Báo chí phải làm sao gần gũi, cụ thể, sinh động, tránh sa vào tuyên truyền chung chung, khô cứng, nhàm chán. Nhất là những vấn đề trăn trở, bức xúc của Nhân dân, báo chí phải dũng cảm, trách nhiệm để lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng, đó là kênh thông tin quan trọng để các cấp, các ngành nắm bắt, vào cuộc, có giải pháp kịp thời để tháo gỡ, không để xảy ra những “điểm nóng” về dư luận xã hội”.

Nhà báo Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau đã có những gởi gắm tâm huyết: “Gắn với mục tiêu đưa tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, bền vững, báo chí cần đổi mới, đội ngũ người làm báo cần thể hiện tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm và sứ mệnh nghề nghiệp. Trong đó, những đối tượng yếu thế trong xã hội cần lắm một nơi để gởi gắm, chia sẻ,… Không ai khác, chính người làm báo, cơ quan báo chí cần “ghé vai” để đảm nhận công việc ấy!”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm lớn lao đến công tác xoá đói, giảm nghèo, Người coi đó là một loại “giặc”, cả cuộc đời Bác phụng sự cho mục đích duy nhất: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Bác nhấn mạnh rằng: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì”. Trong bối cảnh “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay” (Lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), bản chất Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân càng được khẳng định, toả sáng, hiện thực hoá mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành đất nước của hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng với thông điệp bất biến “không một ai bị bỏ lại phía sau”. Báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó có báo chí Cà Mau với “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” đã, đang và luôn sẵn sàng phụng sự, đóng góp sức mình vì Đảng, vì Nhân dân./.

 

Hải Nguyên – Băng Thanh - Đồ hoạ: Lê Tuấn