ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 24-5-25 11:20:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Thánh địa” cải lương

Báo Cà Mau (CMO) Thời hoàng kim của cải lương, sân bãi Bưu Điện, nay là Công viên Hùng Vương, trở thành “thánh địa” của các đoàn cải lương danh tiếng đến từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh. Không chỉ sáng đèn trong mùa khô mà sang cả mùa mưa, hoạt động lưu diễn của các đoàn cải lương vẫn không ngơi nghỉ.

Thời kỳ cao điểm của cải lương tại thị xã Cà Mau là khoảng giữa thập niên 80, khi ông Kỳ - một bầu sô ở Sài Gòn xuống Cà Mau mở các gian hàng “hội chợ” tại sân bãi Bưu Điện. Sau thời gian hoạt động, nhận thấy nhu cầu thưởng thức cải lương của người dân Cà Mau rất lớn, nên ông Kỳ hợp đồng với các đoàn cải lương ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh về biểu diễn. Sân bãi được bao ví bằng mê bồ. Trước cửa ra vào trưng biển hiệu đoàn cải lương, hai bên treo ảnh các nghệ sĩ và băng rôn giới thiệu tuồng hát. Hàng ngày, ông Kỳ cho xe chạy quanh thị xã phát tờ rơi để quảng cáo vở tuồng biểu diễn trong đêm. Pa-nô tuồng bự tổ chảng, máng hai bên lườn xe, một người cầm micrô đọc quảng cáo, một người tung tờ rơi, xe chạy chầm chậm, bọn con nít rượt theo xe vừa nhặt tờ quảng cáo vừa reo hò, hả hê với chiến lợi phẩm. Trên tờ rơi, những cái tên nghe quen đến ghiền; chưa coi diễn, chỉ đọc tên đào kép thôi dân ghiền cải lương đã thấy lòng dạ xôn xao.

Xế chiều, tiếng loa quảng cáo liên tục lặp đi lặp lại nội dung giới thiệu, thỉnh thoảng chen phát các bài tân cổ giao duyên làm cho dân ghiền cải lương đứng ngồi không yên. Thời điểm này cũng là lúc hàng rong tụ họp trước cửa sân bãi, nào là cóc ổi, mía ghim, khô nướng, kẹo kéo... Xa xa cửa ra vào là các quán cóc bán bún riêu, bún nước lèo, hột vịt lộn, cháo lòng... Tất cả tạo nên không khí vô cùng nhộn nhịp. Khi trời vừa sụp tối, bà già và trẻ em là những khán giả đầu tiên có mặt tại sân bãi với chiếc chiếu, nếu trong mùa mưa còn có cả tấm cao su che mưa trên tay. Họ đến sớm để xí chỗ hạng “Vip”, xem cho đã mắt.

Mùa khô đến, đêm nào sân bãi Bưu Điện cũng có suất diễn cải lương đầy ắp khán giả. Đoàn này diễn đêm cuối chưa vãn tuồng thì xe chở đạo cụ của đoàn khác đã đến. Mỗi đoàn diễn từ năm đến bảy đêm. Hầu như không có đoàn cải lương nổi tiếng nào của TP Hồ Chí Minh thời kỳ này mà không lưu diễn tại sân bãi Bưu Điện. Từ Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ, Huỳnh Long cho đến Sài Gòn 1, 2, 3, Trần Hữu Trang, Đoàn Nghệ thuật 2-84, Thanh Minh - Thanh Nga... với nhiều danh ca cải lương như Minh Vương, Minh Phụng, Lệ Thuỷ, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Phượng Liên, Tấn Tài, Minh Cảnh, Thanh Tuấn…, hề thì có Văn Chung, Kim Quang, Phi Thoàn, Khả Năng, Tùng Lâm, Thanh Hoài, Bảo Quốc, Duy Phương..., đủ mặt anh hào, nối tiếp nhau xuất hiện trên sân khấu sân bãi Bưu Điện. Thời kỳ này còn thịnh hành phong trào ca hơi dài, nên đoàn nào có nghệ sĩ ca hơi dài là vé bán đắt như tôm tươi. Có rất nhiều giọng ca hơi dài ngày đó được khán giả hâm mộ, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là đôi nghệ sĩ Châu Thanh - Phượng Hằng. Một câu vọng cổ dài có thể lên đến một trăm chữ nên người ta thường gọi là “hơi dài trăm chữ”. Có xem hát ở sân bãi mới cảm nhận được độ ghiền cải lương của người dân Cà Mau. Giữa bãi đất trống thênh thang với khoảng vài ngàn con người im thin thít, vắng lặng đến nỗi nghe tiếng muỗi kêu khi một nghệ sĩ vô vọng cổ, để rồi không gian tĩnh lặng đó bị phá vỡ bằng một tràng pháo tay và những tiếng huýt sáo cuồng nhiệt khi câu vọng cổ vừa dứt.

Xem cải lương riết rồi cũng “tẩu hoả”, để thay đổi bầu không khí, thỉnh thoảng ông Kỳ còn hợp đồng với các đoàn, nhóm ca múa nhạc tạp kỹ đến biểu diễn, có thể kể như Đoàn ca nhạc Bông Sen, Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hoà), Đoàn ảo thuật - xiếc Duy Ngọc (đoàn xiếc gia đình ở TP Hồ Chí Minh)… Theo đó, các danh ca cũng đến trình diễn tại Cà Mau như ca sĩ Duy Khánh, Giang Tử, Thái Châu, Cẩm Vân, Nhã Phương, Bảo Yến…

Cải lương một thời là món ăn tinh thần quan trọng của người dân.                Ảnh tư liệu

Biểu diễn sân bãi chỉ được có mùa khô, đến mưa xuống coi như ngồi ngáp gió. Thế nhưng, khi chưa đến mưa sòng, ông Kỳ cũng làm liều hợp đồng đoàn hát “được ăn cả, ngã về không”. Mưa thì thôi, buồn thúi ruột. Có những lúc ban ngày mưa, ban đêm tạnh, đoàn hát vẫn trình diễn nhưng sân bãi ế nhệ, có khi phải trả vé lại cho khán giả, huỷ buổi diễn. Chị bán vé ngồi sau quầy đếm cùi vé xong liệng cái phạch, xách giỏ đi ngủ sớm. Các quán cóc xung quanh sân bãi thì cố gắng nán lại vớt vát được đồng nào hay đồng nấy, để sáng mai còn có tiền đi chợ.

Xem ca nhạc, cải lương ở sân bãi thích một điều là không khí mát mẻ, tới lui thoải mái. Có hẵn một đội quân bán thuốc hút, hột dưa, nước giải khát phục vụ tận tình. Giới trẻ bây giờ yêu nhau có rất nhiều nơi để hẹn hò tâm sự, nhưng ngày xưa khi yêu nhau đi xem cải lương là lý tưởng nhất. Một cặp tình nhân khi vào sân bãi không cần vào ngồi giữa sân, mà chỉ cần đứng ở vòng ngoài, mua bịch hột dưa vừa cắn tí tách vừa tâm sự là đã mãn nguyện rồi. Chỉ tội bà già, trẻ con ngồi giữa sân, khi tới đoạn gây cấn thường đứng lên xem cho rõ, phía sau không thấy được nên hốt cát vãi lên. Đi xem hát mà cứ như đang gặp bão cát ở sa mạc. Đêm diễn nào tuồng hát cũng bị gián đoạn do dừng lại để sắp xếp trật tự. Vất vả, khổ cực là vậy nhưng bù lại là tất cả diễn ra trên sân khấu đều là “người thật, việc thật”, người xem được tận mắt ngắm nhìn thần tượng mà mình hâm mộ.

Có thịnh ắt có suy. Thời sân khấu cải lương sáng đèn hàng đêm rồi cũng qua. Đến thập niên 90, khi cải lương video xuất hiện quay ngoại cảnh với hiệu ứng kỹ xảo tạo nên những cảnh đánh kiếm hấp dẫn, những màn thi triển phép thuật hoành tráng làm mê mẩn dân ghiền cải lương, thì các đoàn hát cũng bắt đầu xếp trang phục vào tủ, cất đạo cụ cảnh trí vào kho. Thời kỳ này, chỉ cần tốn một hai ngàn đã thuê được tuồng cải lương video về xem cả nhà, khỏi phải lặn lội ban đêm ban hôm. Kể từ đây, cải lương bắt đầu thoái trào, khán giả chuyển sang xem các hình thức giải trí tân thời khác. Nhiều đoàn giải thể, trong đó có cả những đoàn danh tiếng, một số đoàn còn lại chỉ hoạt động cầm chừng. Nhớ về thời hoàng kim của cải lương cũng là dịp để “ôn cố tri tân” để biết thêm đã có một thời, cải lương là món ăn văn hoá tinh thần quan trọng đối với người dân cả nông thôn lẫn thành thị./.

Hoàng Hải

THÔNG CÁO ĐẶC BIỆT VỀ LỄ QUỐC TANG NGUYÊN CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐỨC LƯƠNG

Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ đồng chí Trần Đức Lương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức Lễ tang Đồng chí với nghi thức Lễ Quốc tang.

Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau

Ngày 22/5, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu Tòa nhà Quốc hội lấy ý kiến về các đề án sắp xếp hệ thống chính trị, cũng như các kịch bản tăng trưởng kinh tế và hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của tỉnh Cà Mau (sau hợp nhất) giai đoạn 2026-2030.

Đấu tranh, triệt phá thành công 242 chuyên án, vụ án

Sáng 22/5, Đại hội Đảng bộ Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm (PCTP) ma túy số 4 lần thứ V, nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra với sự có mặt của 37/38 đảng viên của 4/4 chi bộ trực thuộc.

Kiến nghị thiết thực, góp phần hoàn thiện chính sách

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận Tổ 17 vào chiều 22/5, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đã tích cực đóng góp ý kiến, nêu lên nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra tại địa phương và trên cả nước, đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị xác đáng nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh cho người dân.

Đàm phán vòng 2 Hiệp định về thương mại đối ứng Việt Nam-Mỹ đạt kết quả tích cực

Đại sứ Mỹ đánh giá cao những thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong việc xử lý những vấn đề mà Mỹ quan tâm, và mong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh trao đổi nhằm đạt kết quả trong thời gian sớm nhất.

Miễn học phí cho học sinh công lập cả nước, học sinh tư thục được hỗ trợ

Việc quy định hỗ trợ cho cả người học tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để thể hiện đầy đủ sự ưu việt của chế độ, đảm bảo tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.

Đồng chí Trần Đức Lương - nhà lãnh đạo hết lòng phục vụ sự nghiệp cách mạng

Suốt cuộc đời hoạt động của mình, trong bất kỳ hoàn cảnh, cương vị công tác nào, đồng chí Trần Đức Lương cũng luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần lúc 22h51 ngày 20/5/2025 tại nhà riêng do tuổi cao, sức yếu, hưởng thọ 88 tuổi.

Cần quy định cụ thể trong nghị quyết giảm thuế VAT

Chiều 21/5, tại Tổ thảo luận số 17 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) đã có những kiến nghị xác đáng, sát với thực tiễn về nội dung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Phát huy giá trị thực tiễn của các cơ chế thí điểm, thúc đẩy phát triển bền vững

Ngày 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở tổ về 3 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.