Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024, vào sáng ngày 21/6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh, các cấp, các ngành cùng nhau nỗ lực hơn, quyết tâm hơn thì mới có thể giảm nhẹ được thiệt hại của thiên tai vốn được dự báo ngày một khốc liệt hơn, phấn đấu “vì một xã hội an toàn trước thiên tai”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Dưới tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết và thiên tai diễn biến ngày càng bất thường và cực đoan, gây thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất, đời sống dân sinh của người dân trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, cho biết, trong năm 2023, thiên tai đã làm 1 người chết, 1 người mất tích, 6 người bị thương; chìm 14 phương tiện thủy; thiệt hại, hư hỏng 1.181 căn nhà và các công trình dân sinh, công trình sản xuất; sạt lở ven sông 261 vị trí với chiều dài 6,4 km, sạt lở bờ biển 29 km. Có 30.752 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là lúa, cây lâm nghiệp, rau màu, chuối, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng,... Tổng thiệt hại về tài sản ước tính gần 52 tỷ đồng. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ biển.
Riêng từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 1 người mất tích, chìm 2 phương tiện, 16 căn nhà bị sập, hư hỏng, 52 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 1,59 km. Đặc biệt, trong đợt hạn hán đã làm sạt lở, sụt lún 730 vị trí với tổng chiều dài hơn 19 km. Ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng 30,8 tỷ đồng. Ngoài ra, hạn hán còn khiến khoảng 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt,...
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, cho biết, tỉnh Cà Mau 2 năm liền là một trong 10 tỉnh có kết quả tốt nhất công tác phòng chống thiên tai theo bộ chỉ số năm 2021, 2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.
U Minh là một trong những địa phương có mức độ thiệt hại khá nghiêm trọng. Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết, trong năm 2023, diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện bị thiệt hại hơn 520 ha, chủ yếu là diện tích sản xuất lúa với hơn 420 ha; toàn huyện có 227 căn nhà của người dân bị ảnh hưởng. Bước sang năm 2024, tình hình thời tiết có phần khắc nghiệt hơn khi đến nay đã có 1.100 ha tôm bị thiệt hại và hơn 1.000 hộ dân bị thiếu nước,…
“Đề nghị các ngành tỉnh sớm nạo vét cửa biển Khánh Hội, cũng như sớm đưa khu neo đậu tránh trú bão và bến cá Khánh Hội vào sử dụng. Đồng thời, sớm đầu tư đoạn đê biển Tây từ Hương Mai đến Khánh Hội”, ông Thịnh kiến nghị.
Trong mùa mưa bão, cư dân ven biển là nhóm đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao.
Theo dự báo, trong năm 2024 số cơn bão, áp thấp nhiệt đới ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và có khoảng 10-12 cơn trên biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Ông Trịnh Xuân Hưng, Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, thông tin, dự báo bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông sẽ kéo theo gió Tây Nam mạnh gây ra thời tiết xấu. Dông, lốc, sét, gió giật mạnh,... xuất hiện với cường độ mạnh. Khả năng xuất hiện những đợt gió mùa Tây Nam mạnh gây ra thời tiết nguy hiểm trên biển, nước biển Tây dâng cao bất thường và mưa lớn diện rộng trên đất liền,...
Trước dự báo trên, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cũng như giải pháp để giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai. Theo ông Tùng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đầu tư củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê điều, các công trình phòng, chống thiên tai (PCTT) nhằm nâng cao năng lực ứng phó thiên tai, từng bước xử lý dứt điểm trọng điểm đê biển Tây; nâng cấp các công trình cảng cá, kết hợp làm nơi neo đậu tránh, trú bão.
Ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách và các nguồn lực hợp pháp cho các hoạt động thông tin, truyền thông, nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và phục hồi tái thiết sau thiên tai.
Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCTT, hướng dẫn các biện pháp PCTT, đặc biệt là về việc đóng Quỹ PCTT để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ, đồng thuận, tự giác thực hiện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác PCTT.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai, công tác vận động hỗ trợ cung cấp nước sạch mùa khô 2023-2024.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo, các sở, ngành và chính quyền địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh kế hoạch PCTT&TKCN cụ thể, sát với thực tế theo từng cấp cũng như từng loại hình thiên tai. Sau khi có kế hoạch phải triển khai thực hiện ngay, thường xuyên kiểm tra để hoàn thành sớm nhất với tinh thần khẩn trương nhất. Đồng thời, cần tiến hành nhân rộng các cách làm hay trong công tác PCTT.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 23 tập thể và 37 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT năm 2023 và những tháng đầu năm 2024; tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác vận động hỗ trợ cung cấp nước sạch mùa khô 2023-2024./.
Nguyễn Phú