Chiều 9/4, Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cùng đoàn công tác có buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đấu giá tài sản.
Tiếp đoàn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi cùng đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Uỷ Ban Kinh tế Quốc hội, phát biểu tại buổi làm việc.
Báo cáo với đoàn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Trần Công Khanh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thông tin: Năm 2023, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả khả quan. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,83%; GRDP/người đạt hơn 68 triệu đồng; thu ngân sách vượt 18,9% dự toán; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 95,8% kế hoạch vốn, cao hơn tỷ lệ giải ngân chung cả nước (93%), cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2022 (91%); tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,8%... Từ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Riêng quý 1/2024, theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) quý I năm 2024 ước tăng 6,09% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,71%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 9,71%; khu vực dịch vụ tăng 6,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10,04%; một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt khá so với kế hoạch, tăng so cùng kỳ.
Ông Trần Công Khanh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 và quý 1/2024.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Công Khanh, tỉnh Cà Mau còn gặp nhiều khó khăn như: bị tác động, ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún đất; hoạt động xuất khẩu, thị trường xuất khẩu đứng trước nhiều rủi ro và yêu cầu ngày càng khắc khe; một số doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn về vốn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chưa tạo động lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư; các công trình thuỷ lợi chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Tình trạng sụt lún, sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng. Tỉnh Cà Mau kiến nghị Uỷ ban Kinh tế Quốc hội ủng hộ, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn để khắc phục.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh kiến nghị Uỷ ban Kinh tế Quốc hội ủng hộ, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn để tỉnh Cà Mau giải quyết tình trạng sạt lở, sụt lún đang diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh; sớm hỗ trợ triển khai đầu tư dự án cấp nước ngọt từ sông Hậu cho khu vực bán đảo Cà Mau, thực hiện đề án xuất khẩu điện, quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Cà Mau, đầu tư Cảng Hòn Khoai...
Ngoài ra, kiến nghị Trung ương ban hành thí điểm các quy định và một số chính sách đặc thù cho tỉnh Cà Mau xuất khẩu điện, sản xuất hydrogen đối với các dự án điện gió, điện mặt trời không nối lưới. Đồng thời, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí... Xem xét, bổ sung một số cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù riêng đối với vùng Đất Mũi - Cà Mau trong chính sách đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long
Về đóng góp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại diện UBND tỉnh, ông Trần Hoàng Lộc, Phó giám đốc Sở Tư pháp, chia sẻ: Về cơ bản, dự thảo Luật đã giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong hoạt động đấu giá tài sản thời gian qua, UBND tỉnh Cà Mau cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể “Bước giá” để người có tài sản dễ thực hiện. Thực tiễn thời gian qua, các cơ quan, tổ chức (người có tài sản) thực hiện quy định “bước giá” không thống nhất. Ông Trần Hoàng Lộc, Phó giám đốc Sở Tư pháp, đóng góp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Đồng thời, xem xét, bổ sung trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá đối với trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản giải thể, phá sản và đấu giá viên không tham gia hành nghề theo các hình thức quy định; bổ sung quy định về quyền của người có tài sản đấu giá trong việc tạm dừng việc đấu giá các loại tài sản…
Đánh giá cao những nỗ của địa phương trước nhiều thách thức, tác động kinh tế của thế giới, tình hình thiên tai nhưng đã đạt nhiều kết quả khả quan, đoàn công tác cũng đặt ra nhiều vấn đề cần làm rõ về nguyên nhân tụt hạng chỉ số PCI, chậm giải ngân vốn ODA, tình hình cân đối thu chi ngân sách tỉnh còn thấp, cần có sự gắn kết trong phát triển để vực dậy kinh tế địa phương, phát huy lợi thế phát triển thuỷ sản… Theo đó, đại diện lãnh đạo sở, ngành tỉnh đã giải trình nhiều vấn đề đặt ra trên từng lĩnh vực với đoàn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi mong muốn Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và Trung ương chia sẻ với những thách thức Cà Mau đang gặp phải.
Nêu lên nhiều khó khăn, thách thức của tỉnh về địa lý, hạ tầng giao thông còn yếu, quy mô ngân sách phụ thuộc lớn vào cụm Khí - Điện - Đạm, con tôm là chủ lực của tỉnh nhưng chịu sự cạnh tranh lớn; đầu tư xây dựng nông mới gặp nhiều khó khăn do thu nhập người dân còn thấp, đầu tư hạ tầng nông thôn đòi hỏi chi phí cao, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi mong muốn Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Trung ương chia sẻ với những thách thức mà địa phương đang gặp phải. Đồng thời, mong muốn có nhiều hơn nữa sự hỗ trợ tập trung nguồn lực đầu tư cho địa phương, nhất là về hạ tầng; đẩy nhanh các dự án được đầu tư; kiểm soát tổng thể quy hoạch ngành nông nghiệp, hướng đầu ra sản phẩm của ngành bền vững; ưu tiên phát triển hợp lý nguồn điện từ năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen và xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Uỷ Ban Kinh tế Quốc hội đề nghị tỉnh Cà Mau cần rà soát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Tỉnh cần phát triển nhanh và bền vững hơn dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tập trung vào những động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, khai thác lợi thế khác biệt, tiềm năng của tỉnh. Tập trung quyết liệt xây dựng huyện Ngọc Hiển đạt chuẩn nông thôn mới theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Ngoài ra, tỉnh cần chú trọng bảo đảm sự hài hoà trong phát triển kinh tế, tăng cường phân cấp, phân quyền, gắn với phân bổ nguồn lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính ngân sách Nhà nước, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn các giải pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó nắng nóng, hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sụt lún, sạt lở./.
Hồng Nhung