(CMO) Sáng nay (28/2), tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau đã diễn ra Ngày hội việc làm với phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023.
Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023 đã quy tụ hơn 800 lao động đến từ 40 xã, phường, thị trấn của các huyện, Tp. Cà Mau.
Các đối tượng lao động tham gia phiên giao dịch việc làm lần này chủ yếu là bộ đội vừa xuất ngũ trở về địa phương; lao động đang hưởng chính sách thất nghiệp, đặc biệt là lao động mất việc về địa phương trước Tết… Đây là lực lượng lao động thực sự có nhu cầu tìm kiếm việc làm, nên có ý thức cao tìm hiểu thông tin cơ hội việc làm tại các thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.
Giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội, ông Nguyễn Quốc Thanh trò chuyện để nắm tâm tư nguyện vọng của người lao động tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Minh
Bên cạnh sự hỗ trợ của các chuyên viên tư vấn tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau, các lao động còn được trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng. Có 6 doanh nghiệp tham gia, bao gồm 2 doanh nghiệp trong tỉnh và 4 doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại Tp. Hồ Chí Minh đến dự. Mỗi doanh nghiệp sẽ đưa đơn đăng ký để các lao động điền đầy đủ thông tin nhằm lưu trữ lại để khi có vị trí việc làm phù hợp sẽ chủ động liên hệ mời làm việc.
Ngoài sàn giao dịch việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau còn tổ chức thêm buổi Toạ đàm hướng nghiệp, tư vấn du học và giới thiệu việc làm trong và ngoài nước đến các lao động trẻ.
Chuyên viên tư vấn tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau tư vấn cho các lao động cơ hội tìm việc phù hợp. Ảnh: Nhật Minh
Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau, bà Quách Thanh Thoảng cho biết sẽ có thêm nhiều phiên giao dịch được mở ra liên tục nhằm giải quyết nhu cầu cho người lao động trong tỉnh nhà.
“Theo kế hoạch năm 2023, Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ tổ chức khoảng 24 phiên giao dịch việc làm tại trung tâm với quy mô từ 100 -500 lao động. 50 phiên giao dịch việc làm nhỏ tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh 6 phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khu vực phía Nam, đặc biệt là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… là các tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn”. Bà Thoảng cho biết thêm.
Người lao động được hướng dẫn điền thông tin vào các mẫu đơn tìm việc làm. Ảnh: Nhật Minh
Phó giám đốc Sở LĐTB&XH, ông Từ Hoàng Ân cho biết: “Sàn giao dịch việc làm có hai nhóm đối tượng chính. Thứ nhất, là nhóm lao động bị mất việc làm ở địa phương, hiện chưa tìm được việc làm. Thứ hai, là nhóm bộ đội vừa xuất ngũ vừa trở về địa phương sinh sống và làm việc. Sở chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức sàn giao dịch ngày hôm nay là để kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Chúng tôi đã mời nhiều doanh nghiệp đến tham gia sàn giao dịch này. Từ cơ sở đó, hy vọng sẽ giải quyết việc làm ổn định cho nhiều người lao động hơn nữa thời điểm hiện tại và trong tương lai”. /.
Lam Khánh