(CMO) Bà Thầy, Nổng Cạn, nay thuộc thị trấn U Minh và xã Khánh Lâm, 2 căn cứ quân sự hùng mạnh mang tên Hoà Bình, Lâm Dương trực thuộc Sở Chỉ huy Trung đoàn 33 và 32, Sư đoàn 21 nguỵ trong chiến dịch Nhổ cỏ U Minh (1970-1974). Chiến thắng Bà Thầy, Nổng Cạn, quân dân ta tiêu diệt hàng ngàn tên địch, thu nhiều vũ khí, góp phần đánh bại chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Cuối năm 1968, Mỹ - nguỵ tiến hành chiến dịch Nhổ cỏ U Minh, quyết tiêu diệt lực lượng ta. Từ tháng 12/1968 đến tháng 10/1970, với 7 lần địch cho máy bay B-52 rải thảm khu vực U Minh rồi tái chiếm và đóng mới nhiều căn cứ, đồn bót các xã thuộc huyện U Minh ngày nay. Cuối năm 1968, huyện Trần Văn Thời cũ chỉ còn 3 đồn: Vàm Cái Tàu, Trại Trú và vàm sông Ông Đốc. Từ 1969-1972, địch tái chiếm, đóng mới đến 64 đồn và căn cứ quân sự, trong đó chiếm đóng khu vực U Minh đến 25 đồn bót, căn cứ quân sự: Khánh An 8 đồn; Nguyễn Phích 8 đồn, Khánh Lâm 9 đồn.
Tháng 11/1970, bọn Sư đoàn 21 đổ quân chiếm đóng Bà Thầy, Nổng Cạn rồi lần lượt tái chiếm Biện Nhị, Cây Khô (1/1971), Tuần Thắm (2/1971), Bà Chằm Nón (3/1971), Mười Quân (4/1971), Xã Thìn (8/1971) và đóng thêm: Rạch Mới (6/1971), Rạch Dinh (1/1972).
Cuối năm 1970, Huyện uỷ Trần Văn Thời (nay là Trần Văn Thời và U Minh) triển khai chỉ thị của Trung ương Cục, chuyển hướng đánh bại bình định của địch là trung tâm công tác của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nhằm đánh bại chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của Mỹ để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược cách mạng miền Nam. Sự chuyển hướng này có ý nghĩa quyết định cho việc tập trung toàn lực giải phóng quê hương.
Tháng 9/1971, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định tập trung 3 trung đoàn chủ lực của Quân khu mở chiến dịch phản công địch tại U Minh, tiêu diệt sinh lực Sư đoàn 21 địch, chặn đứng kế hoạch lấn chiếm Nam Cà Mau của chúng.
Trung đoàn 10 (Đ10) - Trung đoàn Đặc công - Bộ binh Quân khu 9 được giao nhiệm vụ tiến công căn cứ hành quân của Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 nguỵ tại Nổng Cạn, xã Khánh Lâm. Tiểu đoàn 7 của Trung đoàn 10, do đồng chí Nguyễn Xuân Thư, Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Giang Văn Phượng, Chính trị viên tiểu đoàn chỉ huy, tổ chức triển khai chiếm lĩnh trận địa với chiến thuật “Đặc công - Nở hoa trong lòng địch”: luồn sâu, ém sẵn trong căn cứ nhưng địch không phát hiện được. Lúc 0 giờ 30 ngày 17/9/1971, thủ pháo, lựu đạn, B40, tiểu liên AK của ta đồng loạt phát hoả. Sau 30 phút, Tiểu đoàn 7 diệt gọn toàn bộ địch trong căn cứ Nổng Cạn, loại ngoài vòng chiến đấu 500 tên địch, thu trên 100 súng các loại. Khi ta nổ súng, địch có đoàn xe thiết giáp từ hướng đồn Mười Quân theo kênh Hội chạy lên can viện quyết liệt. Trong trận này ta hy sinh 18 chiến sĩ. Địch tái chiếm Nổng Cạn. Cũng trong đêm này, lực lượng ta tiến công đồn Biện Nhị, tiêu diệt nhiều tên địch. Ngày 13/10/1971, lực lượng Đ10 tiến công đồn Rạch Mới, nay thuộc xã Khánh Thuận, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Ngày 19/5/1970, đồng bào xã Khánh Lâm, huyện U Minh tập trung, xây dựng xã chiến đấu để bảo vệ xóm làng và trả thù cho đồng bào ta đã bị địch sát hại. Ảnh tư liệu |
Trung tuần tháng 1/1972, Quân khu uỷ Khu 9 chủ trương tập trung lực lượng chủ lực của Quân khu trên địa bàn trọng điểm U Minh, tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực địch, làm thất bại kế hoạch lấn chiếm U Minh của chúng… Tháng 2/1972, Trung đoàn 10 được Quân khu giao nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Bà Thầy và Nổng Cạn (lần 2), đánh quỵ Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 bộ binh nguỵ, hiệp đồng chặt chẽ với Trung đoàn 20 của ta đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm U Minh của địch.
Tiểu đoàn 7 được nhận nhiệm vụ tiến công căn cứ Bà Thầy. Nơi đây có sở chỉ huy của Trung đoàn 33, Tiểu đoàn 3 bộ binh, 2 đại đội thuộc Tiểu đoàn 4 bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh hỗn hợp (2 khầu 155 mm, 6 khẩu 105 mm, 2 khẩu cối 106,7 mm, 6 khẩu cối 81 mm), 1 đại đội trợ chiến, 1 đại đội công binh, 1 đại đội trinh sát thám báo. Địch dựa vào vật cản sông rạch, kênh mương, liếp vườn để tổ chức phòng ngự. Chiều dài căn cứ khoảng 600 m, rộng khoảng 300 m… Phía bờ Đông sông Cái Tàu, đối diện với căn cứ Bà Thầy là đồn tam giác tại vàm rạch Cây Khô, do 1 đại đội bảo an chiếm đóng.
Đêm mùng 6/4/1972, dưới sự chỉ huy của đồng chí Bùi Lưu, Trung đoàn phó và đồng chí Nguyễn Xuân Thư, Tiểu đoàn trưởng, các mũi tiến công của Tiểu đoàn 7 áp sát căn cứ Bà Thầy và đồn bảo an Cây Khô. Lúc 0 giờ 5 phút ngày 7/4/1972, toàn lực lượng ta phát hoả. Sau hơn 1 giờ chiến đấu ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 600 tên địch, đánh thiệt hại nặng sở chỉ huy Trung đoàn 33 địch, thu 96 súng các loại, 6 máy thông tin, nhiều quân trang, quân dụng; phá huỷ 1 khẩu 155 mm, 5 khẩu 105 mm, 2 khẩu 106,7 mm… Ta hy sinh 38 chiến sĩ.
Tại căn cứ Nổng Cạn, Tiểu đoàn 8 do đồng chí Phạm Thanh Mười, Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Lê Văn Khả, Chính trị viên tiểu đoàn chỉ huy. Sau gần 1 giờ chiến đấu ta đã diệt cơ bản Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 33 địch, loại khỏi vòng chiến đấu trên 200 tên, bắt 2 tù binh, thu 33 súng, 3 máy thông tin và nhiều quân trang, quân dụng; phá huỷ 1 khẩu cối 106,7 mm và 2 khẩu cối 81 mm.
Bằng chiến thuật đánh đặc công, bí mật, luồn sâu, lót sẵn, đồng loạt phát hoả, đánh “nở hoa trong lòng địch”, với tinh thần dũng cảm tuyệt vời, các chiến sĩ Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 10 đã tiêu diệt cơ bản quân địch ở 2 căn cứ Bà Thầy và Nổng Cạn, đánh quỵ Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 nguỵ. Chiến thắng Bà Thầy, Nổng Cạn đã tạo nên cơn địa chấn làm rúng động toàn bộ hệ thống căn cứ, đồn bót của địch ở U Minh.
Với chiến công xuất sắc đánh quỵ Trung đoàn 33 địch, Trung đoàn 10 và 2 tiểu đoàn, 7 và 8, được tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba.
Sau thất bại nặng nề, ngày 10/4/1972, bọn Quân đoàn 4 địch buộc phải đưa sở chỉ huy Trung đoàn 16, Sư đoàn 9 và 1 tiểu đoàn tái chiếm Bà Thầy, thay cho Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 và sử dụng 1 tiểu đoàn bảo an của Tiểu khu An Xuyên về đóng tại căn cứ Nổng Cạn. Chớp thời cơ khi Trung đoàn 16, Sư đoàn 9 tái chiếm Bà Thầy, đêm 20/4/1972, ta tập trung lực lượng Tiểu đoàn 7 và 8 tiến công căn cứ Bà Thầy lần thứ 2. Kết quả, sau hơn 1 giờ chiến đấu, ta đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn và sở chỉ huy Trung đoàn 16, loại khỏi vòng chiến đấu trên 100 tên địch, thu 46 súng. Trong khi đó Tiểu đoàn 9 của ta đánh tàu địch từ Cà Mau chi viện làm cháy 4 chiếc trên sông Cái Tàu. Ngày 23/4/1972, địch rút bỏ căn cứ Nổng Cạn, đưa tiểu đoàn bảo an ở đây về giữ căn cứ Bà Thầy thay cho Trung đoàn 16 rút về hậu cứ củng cố. Ngày 27/4/1972, đồn Xã Thìn tháo chạy. Từ tháng 6-7/1972, Trung đoàn 10 chuyển sang tiến công Chi khu Thới Bình và Chi khu Vĩnh Thuận. Ngày 26/10 đến 14/11/1972, du kích xã Khánh Lâm và Đại đội bảo vệ cơ quan Xưởng Quân giới 201 bao vây, tiêu diệt đồn kênh Mười Quân. Các đồn bót còn lại đều bị lực lượng ta bao vây bức rút, bức hàng.
Quân địch ở U Minh bị tiến công dồn dập, tổn thất nặng nề; mặt khác lại bị căng kéo, đối phó khắp nơi, bọn Vùng 4 không còn đủ sức “Nhổ cỏ U Minh” buộc phải rút bỏ hàng loạt căn cứ, đồn bót, lui về phòng thủ khu vực Chương Thiện và TP Cần Thơ. Cuối tháng 2/1974, đồn Biện Nhị tháo chạy. Đêm 21/9/1974, căn cứ Bà Thầy tháo chạy.
Đồng chí Bùi Lưu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 (1973-1974) năm nay 95 tuổi (sinh năm 1925) nhưng vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn, không bao giờ quên những năm tháng oanh liệt, đặc biệt là trận đánh quỵ sở chỉ huy Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 nguỵ tại căn cứ Bà Thầy. Kể làm sao hết được những khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 10. Nhiều lần đồng chí hy vọng được trở lại chiến trường xưa cũng như bao nhiêu đồng bào, đồng chí U Minh. Chiến thắng Bà Thầy, Nổng Cạn mãi mãi là bản anh hùng ca, sáng ngời thiên sử U Minh! Nơi đó sẽ được công nhận Di tích lịch sử bởi tính chất và tầm cỡ quyết định của những trận đánh mà mãi đến hôm nay người U Minh, người Cà Mau mới có dịp tiếp cận khá đầy đủ.
Nếu chúng ta biết được có đến 576 chiến sĩ Trung đoàn 10 hy sinh ở Cà Mau, trong đó U Minh có đến 160 người, chúng ta không những yêu mến, tiếc thương mà còn mãi mãi tri ân như 2 câu liễng đối tại Nghĩa trang Liệt sĩ U Minh:
“Rừng U Minh muôn đời ghi nghĩa lớn
Sông Cái Tàu vạn thuở nhớ ơn sâu!”./.
Trường Sơn Đông
(*) Bài viết có tham khảo tư liệu Lịch sử Trung đoàn Bộ binh 10, Sư đoàn 4, Quân khu 9 (1945-2015) - Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân.