(CMO) Ðể đạt được các mục tiêu theo Ðề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Ðề án 06), tỉnh Cà Mau đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Chuẩn hoá dữ liệu trẻ em góp phần thực hiện thành công Ðề án 06. |
Để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Ðề án 06, UBND tỉnh đã thành lập các tổ công tác để triển khai đề án, gồm 1 tổ công tác cấp tỉnh, 1 tổ công tác của Công an tỉnh, 9 tổ công tác cấp huyện, 101 tổ công tác cấp xã, 883 tổ công tác ấp, khóm. Ngoài hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với Trường Ðại học Bình Dương (Phân hiệu Cà Mau) thực hiện tuyên truyền trực tiếp về lợi ích của căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, tài khoản định danh điện tử và ứng dụng VNeID; hướng dẫn thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cho giáo viên, sinh viên đang công tác và học tập tại trường. Bên cạnh đó, các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố tổ chức in ấn, treo các băng rôn, pa nô, áp phích... về Ðề án 06, lợi ích của dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, lợi ích của CCCD gắn chíp và ứng dụng VNeID... phục vụ tuyên truyền để người dân hiểu, nhận thức đầy đủ về lợi ích, hiệu quả việc thực hiện các TTHC công qua dịch vụ công trực tuyến.
Riêng đối với công tác chuẩn hoá và làm sạch dữ liệu trẻ em của các huyện, TP Cà Mau, tính đến ngày 10/1/2023, kết quả thực hiện cập nhật dữ liệu trẻ em trên phần mềm nhập liệu trẻ em, chuẩn hoá và làm sạch dữ liệu theo quy trình là 140.096/188.584 trẻ, đạt 74% (trong đó, số trẻ em chưa cấp mã định danh cá nhân là 66.589 trẻ). TP Cà Mau có trên 12.400 trẻ chưa cấp mã định danh cá nhân, huyện Ðầm Dơi có trên 10.700 trẻ, huyện Trần Văn Thời có trên 10.200 trẻ.
Theo ông Phạm Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, huyện có 16 xã, thị trấn, diện tích lớn, dân số đông nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện việc chuẩn hoá và làm sạch dữ liệu trẻ em. Hiện nay có rất nhiều trẻ em đã rời khỏi địa phương để theo gia đình đi làm việc ngoài tỉnh, nhưng hộ khẩu vẫn còn tại địa phương. Một số gia đình thiếu sự hợp tác khi được thông báo nhiều lần nhưng không liên hệ để thực hiện các thủ tục cấp mã định danh cho trẻ em, trong khi đó nguồn lực ngành công an cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ nên thực hiện còn chậm. Bên cạnh đó, do yêu cầu công tác cán bộ nên cán bộ làm công tác trẻ em thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến tiến độ công tác nhập liệu trẻ em.
“Ðể Ðề án 06 được triển khai thực hiện đạt mục tiêu đề ra, huyện Ðầm Dơi tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện. Ðối với các đơn vị có tỷ lệ nhập liệu thấp, huyện sẽ cử cán bộ chuyên môn của huyện, các xã đến hỗ trợ; với các hộ gia đình khó khăn trong đi lại, đơn chiếc, sẽ cử cán bộ trực tiếp đến hộ để lấy thông tin, làm thủ tục nhập liệu. Bằng những giải pháp đồng bộ, tính đến nay, toàn huyện đã nhập liệu 32.462/40.737 trẻ, đạt 79,69%, còn 8.275 trẻ em chưa nhập liệu, chủ yếu là trẻ em đã rời khỏi địa phương cùng gia đình đi làm việc ngoài tỉnh”, ông Liêm cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH, đề xuất, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn, đơn vị có liên quan tăng cường phối hợp, rà soát, thu thập và nhập liệu đầy đủ thông tin trẻ em vào phần mềm nhập liệu trẻ em. Ðối với các trường hợp trẻ em chưa có mã định danh cá nhân, nhập liệu trẻ em gặp khó khăn, đề nghị đơn vị có báo cáo nêu rõ nguyên nhân khó khăn, vướng mắc, đề xuất gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp giải quyết, trường hợp vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo./.
Thanh Phương