ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 26-12-24 12:49:46
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cử tri các địa phương đều bức xúc về xử lý rác thải

Báo Cà Mau (CMO) Như tin đã đưa, trong ngày 9/11, ngoài tổ đại biểu HĐND tỉnh do Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi dẫn đầu tiếp xúc cử tri xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân còn có nhiều tổ tiếp xúc cử tri tại các địa bàn khác. Nhiều ý kiến được nêu lên nhưng địa phương nào cũng bức xúc với vấn đề rác tồn đọng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đại biểu HĐND tỉnh, huyện, xã đã tiếp xúc cử tri tại: xã Phú Tân (huyện Phú Tân); xã Khánh Bình Tây, xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời); xã Tân Trung (huyện Đầm Dơi); xã Biển Bạch Đông, Tân Bằng và Biển Bạch (huyện Thới Bình); xã Tân Hưng (huyện Cái Nước); xã Tân Ân Tây, xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển) và phường Tân Xuyên (TP. Cà Mau)

Cử tri Triệu Kim Nhung, ấp Cái Rô, xã Phú Tân, huyện Phú Tân nêu ý kiến bức xúc. Ảnh: Ngọc Trầm

Tại xã Phú Tân, huyện Phú Tân có hơn 70 cử tri tham dự với 39 ý kiến phản ánh, kiến nghị xoay quanh vấn đề tranh chấp đất đai, các chính sách hỗ trợ người có công, nạo vét kinh thủy lợi, giao thông vận tải, điện... 

Trong đó, vấn đề nổi bật là cử tri Triệu Kim Nhung, ấp Cái Rô, xã Phú Tân, huyện Phú Tân kiến nghị, đoạn đường từ cầu Chợ Mới đến cây xăng Chí Thiện kém chất lượng. Mặc dù đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Tranh luận dân chủ

Ông Lê Công Quẩn, Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Tân cho biết, vấn đề này chị Nhung đã kiến nghị qua các lần tiếp xúc cử tri trước đây và đã đồng ý với câu trả lời của đại biểu. Nhưng hôm nay, chị vẫn tiếp tục kiến nghị lên HĐND tỉnh. Nếu như còn nghi ngờ đoạn đường kém chất lượng thì có thể viết đơn gởi Phòng Kinh tế hạ tầng, phòng sẽ cử đoàn xuống kiểm tra. 

Không đồng tình với câu trả lời trên, chị Nhung kiến nghị, chị sinh sống trên tuyến đường này nên phản ánh trực tiếp và cần giải đáp. “Nếu vấn đề nào cũng viết đơn thì rất phiền hà cho người dân. Vậy kính mong các ngành chức năng hãy chỉ đạo trực tiếp để nhanh chóng làm rõ vấn đề”, cử tri Triệu Kim Nhung bức xúc. 

Tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, có 19 ý kiến bức xúc của trên 100 cử tri tham dự gửi đến tổ đại biểu.

Theo cử tri Võ Thị Bảnh, ấp Cơi Sáu, trên đoạn đường dài khoảng 500 m với khoảng 20 hộ dân sinh sống nhưng có trên 10 người bệnh ung thư. Cử tri này kiến nghị, Nhà nước cần có cuộc điều tra, khảo sát về địa chất và nguồn nước sinh hoạt của người dân nơi đây xem có nhiễm độc tố hay không. 

Đặc biệt, nhiều cử tri ấp Đá Bạc kiến nghị đề án quy hoạch xây dựng chợ Đá Bạc được phê duyệt đã lâu nhưng đến nay chưa triển khai. Chợ nhà lồng được xây dựng cách đây trên 15 năm đang đang đứng trước nguy cơ sập đổ. Lộ thường xuyên ngập nước, buôn bán ế ẩm, ảnh hưởng đến đời sống nhiều hộ dân. 

Ngoài ra, nhiều cử tri kiến nghị, bãi chứa rác tạm của khu chợ Đá Bạc đang quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Nguyễn Cảnh Hạnh cho biết, từ khi Nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau nghỉ bảo trì thiết bị, việc thu gom rác gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù địa phương đã tăng cường lực lượng thu gom, xử lý nhưng vẫn không thể xử lý triệt để và đang báo cáo về trên.

Nhiều cử tri quan tâm đến chất lượng, tiến độ thi công tuyến lộ từ Tắc Thủ đến Đá Bạc; mưa nhiều, thủy triều dâng cao, ngập lụt, gây khó khăn cho sản xuất; ngập nhiều tuyến lộ, sân trường Tiểu học A xã Khánh Bình Tây luôn trong tình trạng ngập nước kéo dài.

Hơn 60 cử tri xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời có 16 lượt ý kiến, trong đó đề cập nhiều nhất là vấn đề nâng cấp cầu giao thông, mở rộng lộ nông thôn, giải phóng mặt bằng trên tuyến tỉnh lộ Tắc Thủ – Sông Đốc.

Cử tri ấp Kinh Hãng B, xã Khánh Hưng bức xúc việc lộ giao thông nông thôn bị xe tải làm hư hỏng. Ảnh: Mã Phi

“2 cây cầu ở ấp Nhà Máy B trước đây được xây dựng theo hình thức xã hội hoá và thời điểm xây dựng thì phù hợp, nhưng hiện nay đã xuống cấp và nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ cao hơn nên độ thông thuyền của cầu cũng không đảm bảo. Việc này UBND xã đã biết và đang tập trung vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ để nâng cấp…”, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hưng trả lời ý kiến cử tri về tình trạng cầu xuống cấp.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Dương Huỳnh Khải nhận định, hầu hết ý kiến cử tri đặt ra chính là nỗi lòng của người dân, sự mong muốn có được đời sống tốt hơn với góc nhìn tiến bộ hướng tới sự phát triển. Nhìn chung, lần này ý kiến của cử tri không mới, nên việc phân công trách nhiệm thuộc xã, huyện, tỉnh đã cơ bản giải đáp được thắc mắc, tạo không khí trao đổi bình đẳng, dân chủ.

Nóng chuyện sáp nhập trường điểm lẻ và rác tồn đọng

Tại xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, ô nhiễm môi trường do xí nghiệp xả thải và tập kết rác; tình trạng sử dụng điện chia hơi mất an toàn; lộ nông thôn xuống cấp, hư hỏng; chế độ chính sách cho người có công; xóa điểm lẻ gây khó khăn cho con em đi học; chi phí sinh hoạt cho cộng tác viên dân số… là những vấn đề được nhiều cử tri nêu lên tại buổi tiếp xúc.

Cử tri Phan Hoàng Nên, ấp Thành Vọng, xã Tân Trung kiến nghị: “Nhà máy xử lý rác ngưng hoạt động nên mấy tháng qua lượng rác tồn ngày càng nhiều, gây ô nhiễm, bốc mùi hôi, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cần xử lý dứt điểm. Về lộ giao thông nông thôn, các tuyến lộ cũ 1 m, 1,5 m đã xuống cấp trầm trọng, bà con đi lại vô cùng khó khăn, cần có kế hoạch duy tu để đảm bảo an toàn giao thông”.

Cử tri Hồng Văn Tình, ấp Công Điền, xã Tân Trung cho biết, việc xóa các điểm lẻ gom về 1 điểm trung tâm đã gây trở ngại việc học tập cho con em. Đặc biệt đối với cấp mẫu giáo và tiểu học, do các cháu còn rất nhỏ nhưng phải đi học quãng đường xa, phụ huynh phải bỏ công ăn việc làm đưa con đi học cả ngày. Nhiều học sinh bỏ học vì trường xa, kiến nghị nên có sự sắp xếp hợp lý hơn, tạo thuận lợi để con em vùng nông thôn được đến trường.

Cũng là vấn đề về môi trường, cử tri Nguyễn Văn Nhiều, ấp Thành Vọng, xã Tân Trung bức xúc: “Thời gian qua, các xí nghiệp liên tục xả thải gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến nuôi tôm và sức khỏe người dân. Ngành chức năng cần kiên quyết và mạnh tay hơn nữa trong kiểm tra và xử lý những xí nghiệp vi phạm”.

Ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho hay, việc kiểm tra, thanh tra được xây dựng kế hoạch từ đầu năm và gửi trước cho đơn vị được kiểm tra. Theo quy định hiện hành, trên địa bàn tỉnh không được phép kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch quá 1 lần/năm. Các ngành chức năng có quyền kiểm tra, thanh tra đột xuất nhưng phải phát hiện được sai phạm. Đây là một vấn đề khó khăn trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Do đó, thời gian qua, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp với UBND các huyện xây dựng các tổ tự quản gần xí nghiệp, thông tin cho các hội liên ngành, đoàn kiểm tra liên ngành xuống kiểm tra khi phát hiện xả thải, sai phạm.

Còn vấn đề rác tồn gây ô nhiễm là do Nhà máy xử lý rác TP. Cà Mau ngưng hoạt động. Các bãi tập kết rác hiện nay ở xã chỉ là tạm thời, không phải là bãi rác cố định. Khi nào nhà máy xử lý rác sửa chữa xong sẽ chuyển số rác ở bãi tạm này về nhà máy xử lý rác. Để hạn chế ô nhiễm, Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo địa phương thực hiện đào hố theo kỹ thuật, hướng dẫn xử lý.

Về giao thông nông thôn, ông Tạ Thanh Vũ, Phó chủ tịch huyện Đầm Dơi cho biết: “Trong điều kiện kinh phí còn khó khăn nên việc đầu tư xây dựng lộ phải xem xét ưu tiên điểm có nhu cầu bức thiết trước, những tuyến còn thiếu đã có kế hoạch đầu tư vào những năm tiếp theo. Đối với vấn đề ngập lộ, tràn bờ, UBND xã  cần có có giải pháp cụ thể từng tuyến một. Huy động sức dân, bà con cùng nhà nước quan tâm be bờ, bảo vệ vuông tôm, lộ để sử dụng lâu dài”.

Về vấn đề xóa điểm lẻ, ông Tạ Thanh Vũ cho biết: “Xóa điểm lẻ trường học là một chủ trương lớn của tỉnh nhằm góp phần chấn chỉnh công tác giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học này, huyện Đầm Dơi đã xóa 44 điểm lẻ. Khó khăn ở một số địa phương là có. Tuy nhiên, việc xóa và sắp xếp trường lớp này hằng năm đều có sự xem xét và điều chỉnh để có sự phù hợp. Đề nghị UBND xã rà soát lại thực tế khó khăn ở địa phương. Những học sinh nghèo, khó khăn, UBND xã huy động xã hội hóa, sớm hỗ trợ để các em có điều kiện đến trường. 

Cần tuyến xe buýt lộ Xuyên Á

Tại xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, 95 cử tri của 3 xã Biển Bạch Đông, Tân Bằng và Biển Bạch nêu 19 lượt ý kiến về tình hình phát triển KT-XH, an ninh trật tự và hạ tầng giao thông nông thôn ở địa phương. 

Cử tri Lê Kiều An, ấp Kinh 9, xã Tân Bằng bức xúc việc đến nay chưa bố trí xây dựng tuyến lộ đấu nối vào nhà máy cấp nước của khu vực Kinh 9. Mặt khác, tuyến lộ Kinh 9 (từ Sông Trẹm đến lộ Xuyên Á) đã hư hỏng không còn sử dụng được, còn các cầu trên tuyến cũng đã gãy, bà con phải đi vòng hoặc đi bằng đường thủy.

“Trên tuyến lộ ở ấp Nguyễn Huế hiện đã sụp và hư hỏng nặng, bà còn đi lại khó khăn. Từng có tai nạn xảy ra, nguy hiểm nhất là khi mưa. Người dân rất cần sửa chữa, khắc phục con lộ này”, cử tri Châu Thị Đèo, ấp Nguyễn Huế bức xúc.

Cử tri Lê Việt Hồng, ấp Lê Hoàng Thá thông tin: ấp còn 1 tuyến 4 km người dân chưa có điện sử dụng, họ phải chia hơi, mất an toàn. Trên tuyến Kinh 4 nối với Kinh 3 vẫn còn 500 m lộ chưa đấu nối, trong khi tuyến lộ này dân cư sinh sống rất đông.

Nội dung này được ông Lê Tuấn An, Phó chủ tịch UBND xã Tân Bằng giải đáp: tuyến Kinh 9 và một số tuyến đấu nối giữa Tân Bằng với các xã chưa xây dựng thông tuyến, xã đã đưa vào danh mục xây dựng năm 2019 bằng nguồn vốn duy tu và kinh phí thi đua khen thưởng của xã.

Ngoài ra, cử tri còn bày tỏ bức xúc về tuyến lộ Xuyên Á đi qua địa bàn huyện Thới Bình dài đến 41 km, qua 38 nhánh sông và có trên 115 nhánh lộ gom vào tuyến. Điều đó chứng tỏ con đường này gắn liền với cuộc sống người dân các địa phương, và nối với tỉnh Kiên Giang. Đường vắng, xe chạy tốc độ cao mất an toàn. Đã qua, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra.

Vấn đề này, Đại tá Nguyễn Hồng Quân, Trưởng Công an huyện Thới Bình cho biết, Công an huyện cũng đã cử lực lượng CSGT luôn túc trực trên tuyến nhằm kìm giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ của ngành chức năng, bà con khi tham gia giao thông trên tuyến này cần lưu tâm về mức độ an toàn.

Cử tri Trần Văn Tân, ấp Nguyễn Huế bức xúc: đã 2 năm qua, nhiều lần TXCT, người dân đã đề đạt cần có tuyến xe buýt trên tuyến lộ Xuyên Á để thuận tiện khi có nhu cầu đi huyện, ra tỉnh, vừa an toàn, vừa giảm chi phí. Vấn đề này đã được Sở GT-VT tiếp nhận và trình xin ý kiến UBND tỉnh xem xét.

Người dân cần chung tay cùng chính quyền địa phương ngăn triều cường 

Tại xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, buổi tiếp xúc ghi nhận 13 lượt ý kiến cử tri.

Các vấn đề chính sách người có công chưa thỏa đáng được cử tri xã Tân Hưng quan tâm, kiến nghị. Ảnh: Băng Thanh

Cử tri Lê Hồng Thắm phản ánh, vấn đề triều cường dâng cao dẫn đến lộ ngập sâu, nhanh xuống cấp và xuống cấp trầm trọng dẫn đến việc đi lại của bà con, nhất là học sinh khó khăn, nguy hiểm nhưng địa phương chưa sửa chữa kịp thời. Cụ thể, tuyến kinh Lung Mướp, kế hoạch 5 năm tỉnh nạo vét một lần, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, dẫn đến lộ ngập sâu khi triều cường. Ông Thắm bức xúc về chế độ bồi dưỡng cho hội viên Người cao tuổi ở kỳ họp trước của HĐND tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Cử tri Phạm Tuấn Anh, ấp Phong Lưu phản ánh, việc nhân viên trạm y tế xã ứng xử không tốt đối với người dân khi đến khám, tiêm chủng.

Cử tri Nguyễn Văn Út, ấp Cái Giếng, quan tâm vấn đề dôi dư giáo viên mà dư luận xã hội đang quan tâm. Ông bức xúc việc các trường học ghép lại dẫn đến quá tải. Cụ thể là trường Tiểu học Tân Hưng 1, hiện thiếu giáo viên, đặc biệt là bộ môn Tiếng Anh, phụ huynh phải thuê giáo viên bên ngoài dạy thêm cho học sinh trong khi tỉnh đang thừa. Việc dạy hai buổi/ngày cũng gây khó khăn cho phụ huynh đưa rước khi trường được ghép xa nhà.

Cử tri ấp Tân Biên đề nghị huyện cần có biện pháp cắm ranh đất, xử lý triệt để các vụ việc tranh chấp đất đai trong dân. 

Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Hằng cho biết, sẽ cử cán bộ nông nghiệp khảo sát tuyến kinh Lung Mướp để sớm nạo vét theo yêu cầu bà con. Về vấn đề triều cường ngập sâu, đặc biệt là năm 2018 này triều cường sớm, xã vận động bà con nhân dân tích cực phối hợp chính quyền địa phương đắp đất khu vực ven sông chống tràn, chủ động sửa chữa lộ trên các tuyến có đoạn lộ ngập sâu. 

Về vấn đề giáo dục, ông Nguyễn Văn Hằng lý giải, việc ghép trường lớp theo chủ trương của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập tốt hơn, bởi các điểm lẻ hầu hết đã xuống cấp. Vấn đề nhân viên trạm y tế ứng xử chưa đúng, xã ghi nhận phản ánh và mong rằng bà con kịp thời thông tin nếu việc này còn tái diễn. 

Chủ tịch UBND huyện Cái Nước Phạm Phúc Giang lưu ý, chính quyền sở tại cần quan tâm, sớm giải quyết các bức xúc, kiến nghị của cử tri. Các vấn đề khác sẽ được ghi nhận và trả lời thỏa đáng trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt về vấn đề y đức; việc quá tải, thiếu giáo viên trong giáo dục, huyện ghi nhận thông tin phản ánh và sẽ xử lý kịp thời, thỏa đáng. 

Huyện Ngọc Hiển không mở rộng nuôi tôm công nghiệp

Buổi tiếp xúc cử tri xã Tân Ân Tây và Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển ghi nhận nhiều ý kiến của cử tri quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các tuyến lộ và mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp. 

Cử tri Trương Thanh Nhân, ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây kiến nghị, tỉnh cần cho chủ trương cụ thể về nuôi tôm công nghiệp. Tình trạng tôm chết trên diện rộng cần tìm rõ nguyên nhân và có chính sách hỗ trợ kỹ thuật sản xuất. Nhà nước cần nghiên cứu mô hình hiệu quả để Nhân dân học hỏi, vận dụng. 

Cử tri Tiết Văn Quyên, ấp Ông Như bức xúc, hiện tuyến đường Hồ Chí Minh xuống cấp, xuất hiện nhiều đoạn hư hỏng nặng, khi mùa nước dâng gây khó khăn cho việc lưu thông của bà con, dễ xảy ra tai nạn. 

Cử tri Nguyễn Văn Tính, ấp Duyên Hải, xã Tân Ân Tây, đồng ý kiến với cử tri Lê Việt Khởi, xã Viên An Đông: Hiện nay, lộ giao thông trên địa bàn xã nhiều đoạn lộ bị ngập sâu trong nước vào mùa nước dâng, gây khó khăn cho các em học sinh đến trường, ảnh hưởng đến sản xuất của Nhân dân, ngành chức năng cần nâng cấp, sửa chữa.

Ngoài ra, cử tri Lê Việt Khởi, ấp Nhưng Miên kiến nghị về việc giao đất cho dân chưa được các cấp thẩm quyền thực hiện. Công trình phúc lợi thi công còn chậm, các loại phí do học sinh đóng quá nhiều cần xem xét lại; tình hình khai thác cây rừng còn nhiều bất cập và giá cây rừng quá thấp, kiến nghị cho dân tự lo trồng rừng, khai thác và lựa chọn nhà thầu…

Kỹ sư Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, Cà Mau đang thực hiện chặt chẽ quy hoạch phát triển nuôi tôm công nghiệp. Riêng huyện Ngọc Hiển khuyến khích nuôi sinh thái, không phát triển nuôi công nghiệp. Những nơi nuôi công nghiệp trước đây thì giữ nguyên hiện trạng, không cho phát sinh. Tỉnh sẽ có chủ trương chuyển dần những diện tích nuôi công nghiệp sang những mô hình nuôi sinh thái khác. UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục giao đất cho Nhân dân có thời hạn sử dụng. Nhất là đất lâm nghiệp, sẽ thực hiện theo từng bước, lộ trình để đảm bảo cơ chế quản lý.

Ô nhiễm môi trường – vấn đề “khỗ lắm nói mãi”

Cử tri phường Tân Xuyên, TP. Cà Mau có 10 ý kiến xoay quanh các vấn đề về lộ giao thông nông thôn xuống cấp; đất có giấy chủ quyền nhưng không vay được tiền ngân hàng; hỗ trợ kinh phí cho công tác viên dân số phường, đội dân phòng đi trực đêm… Đặc biệt, cử tri bức xúc vấn nạn ô nhiễm môi trường từ bãi rác của nhà máy xử lý rác.

Cử tri Lê Văn Thống, Khóm 2 và cử tri Cao Chí Phước, Khóm 3 cùng bức xúc việc nước thải từ bãi tập kết rác của Nhà máy xử lý rác tràn ra các kinh mương xung quanh, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Cử tri Huỳnh Thị Thao phản ánh, con lộ ngang Cống Cà Mau xuống cấp đã lâu, do xe quá tải chạy nhiều; nuôi heo trong khu dân cư gây mùi hôi thối. Về vấn đề nuôi heo trong khu dân cư, Phó chủ tịch UBND phường Tân Xuyên Nguyễn Hiền Năng cho biết mới nghe người dân phản ánh, sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra, rà soát đồng thời vận động người nuôi heo khắc phục. Việc xử lý xe quá tải chạy vào ban đêm sẽ bàn với Công an TP. Cà Mau lên kế hoạch hỗ trợ.

Nhiều cử tri phản ánh lộ giao thông nông thôn xuống cấp, Phó chủ tịch UBND TP. Cà Mau Lê Tuấn Hải mong bà con chia sẻ với thành phố. Lãnh đạo thành phố đã nhận thấy điều đó nhưng ngân sách rất khó khăn, hiện không đủ nguồn kinh phí để sửa chữa.

Việc cử tri Nguyễn Thị Tiến, Khóm 3 phản ánh về đất của gia đình có giấy chủ quyền nhưng không được vay vốn ngân hàng. Ông Lê Tuấn Hải nhìn nhận và thay mặt UBND TP. Cà Mau xin lỗi vì sự tắc trách này. Ông Hải cho biết, đất của gia đình bà Tiến nằm trong quy hoạch nghĩa địa thành phố. Thành phố đã có quy hoạch trình Sở Xây dựng từ đầu năm đến nay nhưng chưa có sự phản hồi. Ông Hải hứa sẽ liên lạc với Sở Xây dựng để sớm có thông tin cụ thể với gia đình bà Tiến.

Ngọc Trầm – Trung Đỉnh – Mã Phi – Kim Chi – Phong Phú – Băng Thanh – Chí Hiểu – Huỳnh Tứ - Hồng Phượng

Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Cà Mau trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết số 57-NQ/TW:

Thủ tướng Chính phủ phân công xử lý kiến nghị của Tỉnh ủy Cà Mau

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 9457/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của Tỉnh ủy Cà Mau.

Đồng loạt kiểm tra các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện

Nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phiền hà của người dân khi đến giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai, ngày 24/12, đoàn kiểm tra CCHC tỉnh do bà Lê Thị Kim Chung, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh, làm trưởng đoàn đến kiểm tra việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC lĩnh vực đất đai tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đầm Dơi.

Thủ tướng chỉ đạo giải pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 23/12/2024 về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025.

Giảm lãi suất cho vay tại Ngân hàng Chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của bão số 3

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 23/12/2024 về việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội bị ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).

Lựa chọn các tác phẩm thật sự xuất sắc để trao Giải Diên Hồng lần thứ ba-năm 2025

Giải Diên Hồng lần thứ ba đã có sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; trong đó, số lượng các cơ quan báo chí địa phương tích cực tham gia giải đã tăng hơn mùa trước; chất lượng tác phẩm được thu hẹp khoảng cách giữa Trung ương và địa phương ở loại báo hình, báo điện tử, báo in rất rõ nét. Qua đó, cho thấy sự quan tâm của báo giới nói riêng cũng như dư luận nói chung đối với hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Sáng 23/12, Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố Nam Sông Hậu hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 tại tỉnh Cà Mau. Dự hội nghị có Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam Trần Trọng Dũng.

Xây dựng cơ chế để xử lý khó khăn, vướng mắc

“Xây dựng cơ chế để xử lý khó khăn, vướng mắc một cách liên tục, kịp thời, không để tồn đọng quá lâu, kéo dài”, đó là ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổ chức ngày 22/12.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

Tiếp tục chương trình kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024), sáng 22/12, Đảng bộ, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức về nguồn, ôn lại truyền thống tại Khu Căn cứ Tỉnh đội, ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước.

Xây dựng lực lượng vũ trang tinh - gọn - mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh tại buổi họp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Buổi họp mặt do Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức vào sáng 21/12.