Ngày 2/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ chín của Kỳ họp thứ 6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về: Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương).
Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội để cử tri, nhân dân cả nước cùng theo dõi.
Thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết về ngân sách nhà nước, tài chính quốc gia, an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo nguồn lực ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, tại phiên thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, tập trung vào các nội dung: công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa; việc thực hiện chính sách tài khóa giai đoạn 2021-2023; vai trò của thành phần kinh tế nhà nước đối với các dự án hạ tầng giao thông chiến lược; sử dụng các công cụ tài khóa vĩ mô; kết quả và bất cập, hạn chế trong công tác đầu tư công; giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư công xây dựng hệ thống cảng cạn; thu ngân sách; vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; bội chi; phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; cơ cấu vốn trong việc đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; nguồn vốn đầu tư; hoàn thuế giá trị gia tăng; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; liên kết vùng; vốn đầu tư về công trình y tế; hệ thống đường sắt quốc gia; chế độ cho các lực lượng ở cấp cơ sở…
Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị cụ thể. Trong đó, đề xuất Chính phủ cần có giải pháp đột phá để phát huy vai trò của thành phần kinh tế nhà nước là nhà đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác các dự án hạ tầng giao thông chiến lược; rà soát, đánh giá tiến độ, khả năng thực hiện các dự án giai đoạn 2021-2025; ngoài hoàn thành hệ thống giao thông đường bộ, cần sớm tập trung quy hoạch, hoàn thiện hệ thống đường sắt quốc gia.
Chính phủ cần sớm hoàn thành việc nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, thí điểm tách công tác bồi thường, bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để thực hiện ở một số địa phương; hoàn thiện cơ chế hỗ trợ, bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án giao thông, ảnh hưởng bởi thiên tai…
Tăng cường hơn nữa công tác giải ngân vốn đầu tư công; cho phép kéo dài nguồn tăng thu tiết kiệm chi để đầu tư cho xây dựng, tu bổ các tuyến đường cao tốc; việc lập kế hoạch đầu tư công cần sát với thực tiễn; tăng bội chi để thực hiện các dự án đầu tư công có tác động lớn đến đầu tư chung của nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) đề nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu bố trí ngân sách đảm bảo ổn định chế độ cho các lực lượng ở cấp cơ sở.
Hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là hỗ trợ hạ tầng sản xuất; nhanh chóng triển khai áp dụng việc lập kế hoạch ngân sách theo đầu ra, đặc biệt là đối với nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch bệnh; khẩn trương rà soát, cải cách, tinh gọn các thủ tục hành chính liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng.
Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả; cân đối hài hòa nguồn thu cho chính quyền địa phương; quản lý chặt chẽ nợ công, ưu tiên bố trí chi trả nợ lãi, gốc đúng hạn; cần có giải pháp, chính sách nâng cao năng lực theo dõi, đánh giá về công tác lập dự toán; quan tâm các giải pháp tăng thu ngân sách những tháng cuối năm và những năm tới.
Xây dựng chính sách tổng thể nâng cao năng suất lao động quốc gia gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có giá trị cao, sử dụng cộng nghệ cao; kéo dài nguồn tăng thu vốn đầu tư công một số công trình giao thông trọng điểm; tiếp tục miễn giảm thuế, phí với liều lượng cao hơn, đối tượng mở rộng hơn…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, một nền tài chính vững mạnh phải dựa trên một nền kinh tế phát triển. Tại Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong 9 tháng đầu năm nay, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách cơ bản được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Bộ trưởng cho rằng, có thể nói điều này đã được tổng kết chính xác trong 9 tháng đầu năm nay.
Về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có nghĩa là chính sách tài khóa thâm hụt thì phải giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách. Trong 3 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội giảm thuế đối với các loại thuế, dự kiến năm nay giảm khoảng 200 ngàn tỷ đồng, đây là nỗ lực rất lớn. Sau khi giảm thuế, để tiếp tục giữ cán cân tài khóa, phải đưa vào nền kinh tế 347 ngàn tỷ đồng theo Nghị quyết 43 năm 2022.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, về dự toán tình hình ngân sách năm 2023, đến ngày 30/10 thu ngân sách đã đạt 85%. Về vấn đề giải ngân đầu tư công, đến nay mới giải ngân đạt được 57% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, còn nếu theo cả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương thì chỉ giải ngân được 52%.
Vấn đề đặt ra là tại sao giải ngân thấp như vậy trong khi nền kinh tế đã đáp ứng vốn? Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân có phải do vướng mắc từ đầu tư công trong Luật Đầu tư công hay không? Nếu không sửa Luật này thì chúng ta vẫn tiếp tục vướng mắc trong giải ngân đầu tư công. Do đó, đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật.
Tại phiên họp, Quốc hội đồng thời nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp được điều chỉnh. Theo Chương trình được điều chỉnh, Kỳ họp sẽ bế mạc vào sáng ngày 29/11/2023 (tăng 0,5 ngày làm việc); bổ sung 2 nội dung, gồm: trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; trình Quốc hội xem xét quyết định việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Trong phiên làm việc buổi chiều, sưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), sau đó Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật này./.
T. Bình (tổng hợp)
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội