(CMO) Thời gian qua, chương trình phối hợp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh được triển khai, thực hiện đồng bộ, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của DN. Từ đó giúp DN kinh doanh hiệu quả, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh, góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật đối với DN trên địa bàn tỉnh.
Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau Trần Hoàng Lộc cho biết, hiện toàn tỉnh có 108 người của 35 đơn vị được cử thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DN.
Đầu năm 2019, Sở Tư pháp tham mưu xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chương trình số 01/CTr-UBND về hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào 7 nhóm giải pháp thực hiện với 15 mục tiêu cụ thể cho 2 nhóm đối tượng chính là cơ quan quản lý Nhà nước và DN. Theo đó, Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện chương trình đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức hội nghị triển khai văn bản pháp luật mới cho 230 đại biểu, trong đó có đội ngũ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN. Song song đó, sở phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các hội và Hiệp hội DN tỉnh tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa.
Nhận thức vai trò và tầm quan trọng của công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, nhiều cơ quan, đơn vị chủ động ban hành chương trình, kế hoạch hoặc công văn chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DN thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực cơ quan, đơn vị mình quản lý. Trong đó, công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN được nhiều cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện.
Đại diện DN phản ánh những khó khăn, vướng mắc về chính sách vay vốn tín dụng tại hội nghị kết nối ngân hàng - DN. |
Trong năm 2019, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức đại diện của DN xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho nhiều lượt DN tại địa phương. Các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN được thực hiện đa dạng với nhiều hình thức như hội nghị đối thoại với người dân, DN; Mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Tập huấn về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hội nghị triển khai văn bản quy phạm pháp luật; Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền và hoà giải ở cơ sở…
Ông Trần Hoàng Lộc cho biết, hoạt động thông tin pháp lý cho DN ngày càng nâng cao cả về số lượng và chất lượng cũng như hình thức thực hiện. Nhiều đơn vị đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục pháp luật về DN trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình, như Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Công thương, Cục Thuế... Trên cơ sở đó, thường xuyên cập nhật và đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của Trung ương, của địa phương, các tin, bài có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Việc xây dựng và vận hành các chuyên trang, chuyên mục pháp luật về DN trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị góp phần cung cấp thông tin về các văn bản pháp luật đến DN, nâng cao vai trò các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN. Ngoài ra, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch... phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến DN, những mô hình, hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong DN góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN thời gian tới.
Để công tác hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt trong năm 2020, thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, pháp luật về kinh doanh nói riêng cho các chủ DN và người lao động trong các DN. Làm được việc này sẽ góp phần nâng cao nhận về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật cũng như công tác hỗ trợ pháp lý cho DN đối với sản xuất kinh doanh và sự tồn tại, phát triển của DN./.
Hồng Phượng