ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 13-12-24 00:54:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Để Du lịch Cà Mau cất cánh​ - Bài cuối: Cơ hội "vàng"

Báo Cà Mau (CMO) Đại dịch Covid-19 hoá ra không phải là thảm hoạ với du lịch Cà Mau, để thích ứng, ngành du lịch đã chuyển hướng, xác định được chiến thuật và chiến lược phát triển, đó là tập trung vào thị trường khách hàng nội địa.

Cùng với sự xuất hiện của những đơn vị du lịch lữ hành chuyên nghiệp, các mô hình du lịch và sản phẩm du lịch Cà Mau chỉ trong thời gian ngắn đã nở rộ như “nấm mọc sau mưa”. Phải khẳng định rằng, thời cơ bứt phá của du lịch Cà Mau đang mở ra. 

Sự hồi sinh ngoạn mục

Trải nghiệm hệ sinh thái rừng tràm Cà Mau.

Điểm du lịch sinh thái Mười Ngọt, Khánh Bình Tây Bắc, Trần Văn Thời là một thí dụ điển hình cho sự hồi sinh của du lịch Cà Mau. Suốt thời gian dài đóng cửa vì ảnh hưởng dịch bệnh, điểm du lịch này dần xuống cấp về cơ sở vật chất, nói như anh Phạm Duy Khanh, người quản lý trực tiếp của điểm du lịch này thì: “Mình yêu rừng tràm, mê làm du lịch, nhưng dịch bệnh tới thì mọi thứ tê liệt hết. Sau đó, cũng chán, định bỏ du lịch luôn”. Với sự hỗ trợ, động viên của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Cà Mau (iPEC), anh Khanh được tham gia chuyến học tập 4 ngày qua các tỉnh, thành thuộc khu vực ĐBSCL. Quay trở về với ngọn lửa đam mê bùng cháy, anh Khanh bắt tay ngay vào việc hồi sinh điểm du lịch của mình.

Theo anh Khanh, chỉ riêng sản lượng mật ong, gia đình anh thu bình quân khoảng 5.000 lít/năm. Rừng tràm với diện tích 100 ha, thu hoạch gỗ luân phiên. Ngoài ra còn có các sản vật khác như chuối, cá đồng, cây ăn trái… Cho nên, chưa cần tới du lịch thì kinh tế là một vấn đề không phải quá bận tâm với gia đình anh Khanh. Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của anh Khanh là “làm sao để đưa những hình ảnh, sản phẩm đặc trưng này đến với bạn bè khắp nơi. Làm sao để những người nông dân bám rừng như anh phải làm giàu được từ du lịch”. Anh Khanh dự định dồn một số vốn lớn để xây dựng lại hạ tầng du lịch của điểm Mười Ngọt, tiếp tục làm du lịch, và lần này là phải làm tới nơi, tới chốn, chuyên nghiệp.

Anh Giang Hoàng Hon, chủ nhân của một điểm du lịch sinh thái khác ở Khánh An (U Minh) đang hoàn thiện những bước cuối cùng để khai trương khu du lịch được ấp ủ từ gan ruột, tâm huyết của mình. Anh Hon cho biết: “Tôi xuất thân từ du lịch, rồi về làm nông dân, nhưng sẽ là nông dân du lịch”. Điểm du lịch sinh thái hàng chục héc-ta, được đầu tư xây dựng bài bản, có những trải nghiệm du lịch đặc sắc đáng lẽ ra đã được trình làng sớm hơn. Thế nhưng, vì đại dịch Covid-19, mọi thứ tạm dừng lại. Anh Hon khẳng định: “Sau dịch, lượng khách du lịch nội địa tăng đột biến. Trong khi đó, sự phục hồi của du lịch Cà Mau là rất nhanh chóng. Đây là thời cơ cho tất cả những người làm du lịch”.

Ghé thăm điểm du lịch cộng đồng Hoàng Hôn, xã Đất Mũi, Ngọc Hiển, lượng khách nội địa đến đây trong dịp hè quả thật vô cùng ấn tượng. Anh Nguyễn Văn Hôn, chủ điểm du lịch, chia sẻ: “Chỉ trong buổi sáng, điểm đón trên 500 khách, số lượng khách đặt cho thời gian tới cũng kín hết”. Dù khách đông, anh Hôn vẫn khẳng định quan điểm du lịch của mình: “Phải tận tâm, tận tuỵ và có trách nhiệm với khách hàng. Phục vụ khách hàng là điều mà du lịch Hoàng Hôn hướng đến. Tôi tin rằng, Cà Mau mình sẽ làm du lịch tốt, và sẽ tốt hơn nữa trong tương lai”.

Cơ hội “vàng” cho du lịch

Giám đốc iPEC Cà Mau Quách Văn Ấn khẳng định: “Đã đến lúc, du lịch Cà Mau bước ra đàng hoàng, trở thành một trong những thế mạnh đột phá phát triển của địa phương”. Ông Ấn thông tin hàng loạt những đổi thay lớn liên quan đến du lịch Cà Mau. Đó là Cà Mau đã kết nối được tour tuyến với Nam Du - Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang bằng đường biển. Đó là trong 5 năm tới, Cà Mau sẽ có cao tốc nối liền từ Cần Thơ về, cảng hàng không được mở rộng, một số huyết mạch giao thông đường bộ cũng sẽ hình thành. Ngoài ra, các dự án liên quan đến Hòn Khoai, đầm Thị Tường… đang hoàn tất và sẽ sớm triển khai trên thực tế. Đó sẽ là những lời giải tháo gỡ các nút thắt mà Cà Mau đang đối mặt.

Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ Lê Văn Dũng ví von: “Du lịch Mũi Cà Mau thời gian qua như một gia đình có cô con gái đẹp, tuy nhiên, vì nhiều lý do chưa thể gả chồng”. Ông Dũng khẳng định, với Mũi Cà Mau, sức hút đối với du khách là vô cùng lớn. Vấn đề là phải làm sao để du lịch Cà Mau thực sự chuyên nghiệp, du lịch gắn với dân sinh, du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái. Ông Dũng lưu ý: “Phát triển du lịch là cần, nhưng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học mới là vấn đề cốt lõi. Du lịch vì thế cùng cần được tính toán sao cho phù hợp để hài hoà giữa các giá trị”.

Đánh giá về thị trường du lịch Cà Mau, Phó tổng giám đốc Tổng Lữ hành - Sài Gòn Tourist Vũ Duy Vũ nhấn mạnh: “Cà Mau đúng là quá hấp dẫn, có sức hút. Vấn đề là phải đầu tư về sản phẩm, mô hình, nhân lực. Phải đầu tư cả về tiền bạc lẫn chất xám, phải học và làm du lịch một cách thực sự chuyên nghiệp”. Đánh giá thị trường nội địa sẽ là trọng tâm của du lịch Cà Mau trong chiến lược phát triển ngắn hạn, ông Vũ cho rằng: “Thị trường du lịch đang cần những nhân tố mới, và Cà Mau là điểm đến đang được chú ý. Cà Mau cần chuyển hướng, tiếp cận trọng tâm vào du khách nội địa, phải tạo ra mô hình và sản phẩm du lịch riêng biệt, không trùng lắp với các tỉnh khác trong khu vực, như thế thì du khách về không chỉ tăng, mà sẽ là tăng với mức độ rất lớn”.

Với sự tham gia của các đơn vị du lịch lữ hành chuyên nghiệp, du lịch Cà Mau cho thấy sức hút của một thị trường mới nổi. Với kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về du lịch nội địa, ông Vũ Duy Vũ khi về khảo sát thực tế mô hình bánh phồng tôm tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn của chị Lê Kiều Phương đã nhận xét: “Mô hình hay nhưng chưa đủ. Không thể làm du lịch khi chỉ có một vài gia đình ở đây làm nghề này. Cần phải nhiều sản phẩm hơn nữa, nhiều gia đình hơn nữa và xây dựng thành một làng nghề hẳn hoi. Như thế thì sẽ hình thành farmstay, du lịch gắn với đời sống sản xuất của người nông dân”. Ông Vũ nhận định: “Cà Mau nếu theo hướng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm thì cần tập trung nguồn lực để hỗ trợ nông dân làm du lịch, như thế mới là hướng đi đúng đắn, bền vững”.

Sự hồi sinh, chuyển hướng và sinh khí tươi tắn của lĩnh vực du lịch trong thời gian gần đây đã khẳng định được sức hút, vị trí riêng có của Cà Mau trong bản đồ du lịch chung. Thời điểm này, được đánh giá là cơ hội vàng để du lịch Cà Mau đàng hoàng bước vào một sân chơi du lịch chuyên nghiệp, với sự chuẩn bị chu đáo, bài bản và tâm thế sẵn sàng của những người trong cuộc. Du lịch Cà Mau nếu không bứt phá, vượt qua thách thức được bây giờ thì sẽ bao giờ?./.

Du lịch Cà Mau chuyển hướng vào du khách nội địa, đây là nội dung được đề xuất tại buổi làm việc của Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân với đoàn công tác của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Sài Gòn Tourist vào ngày 2/7. 
Sài Gòn Tourist là đơn vị lữ hành du lịch hàng đầu của Việt Nam, xác định Cà Mau là thị trường du lịch mới và đầy triển vọng. Sài Gòn Tourist cũng sẽ nỗ lực để hỗ trợ xây dựng các sản phẩm đặc trưng cho Cà Mau. Xúc tiến để kết nối và đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại chỗ cho Cà Mau. Đề xuất của đoàn chuyên gia là phải xây dựng thêm các điểm dừng chân để tránh nhàm chán cho du khách. Làm du lịch nhưng phải tập trung bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Cần bổ sung ngay nguồn nhân du lịch lực có kỹ năng, có kiến thức phục vụ du khách. Phải làm sao để Cà Mau thoát khỏi tình trạng “du lịch 1 đêm”, có nghĩa là gia tăng thời gian lưu trú của du khách bằng sản phẩm du lịch, cơ sở lưu trú, liên kết điểm đến.

Phạm Hải Nguyên

Liên kết hữu ích

Đến tháng 8/2025, Cà Mau sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát

Sáng nay 12/12, Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Tiến Hải, UV BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịchHĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Hiển; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Trưởng Ban dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTVN tỉnh Lê Thanh Triều chủ trì cuộc họp.

Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao 68 suất học bổng cho học sinh lớp 12 tại Cà Mau

Sáng nay (12/12), chương trình “Tặng 68 suất học bổng cho các em học sinh các trường THPT” đã diễn ra tại hội trường Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Cà Mau.

Phát động ủng hộ quỹ Vì người nghèo

Hưởng ứng lời kêu gọi cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, sáng nay 12/12, Trường Chính trị tỉnh phát động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn.

Hơn 35 tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam

Trong năm 2024, bằng nhiều hình thức phù hợp, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Cà Mau đã chủ động xây dựng kế hoạch, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đã tập trung vận động tiền và vật chất để trợ giúp cho nạn nhân chất độc da (NNCDDC) hơn 35 tỷ đồng. Thông tin trên được Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Cà Mau tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, vào sáng 12/12.

Quốc hội sẽ họp bất thường để sửa các luật phục vụ triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong tháng 2/2025, dự kiến sẽ diễn ra Kỳ họp bất thường lần thứ chín để sửa đổi các luật liên quan, phục vụ triển khai chủ trương sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy.

Hoàn thành toàn bộ chương trình Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khoá X

Trong ngày 11/12, các nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khoá X tiếp tục diễn ra. Đúng với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả, kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra theo đúng tiến độ, yêu cầu đề ra.

Bổ sung 04 dự án luật, 01 dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Sáng 11/12, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Phấn đấu đến 2030, mở rộng diện tích, thành lập mới, quản lý hiệu quả 27 khu bảo tồn biển

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1539/QĐ-TTg ngày 10/12/2024 phê duyệt Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.

Thảo luận sôi nổi, trách nhiệm

Sáng nay (11/12), Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khoá X bước vào phiên thảo luận, tranh luận với không khí sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và đúng trọng tâm; hàng loạt vấn đề “nóng” được đại biểu tham gia và chủ toạ kỳ họp trao đổi, thông tin, định hướng các nội dung.

Cử tri được thông tin nhiều vấn đề quan trọng của địa phương

Ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khoá X (10/12) tập trung cho các báo cáo trình kỳ họp: 7 báo cáo của UBND tỉnh; nhóm báo cáo của cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự; báo cáo của HĐND tỉnh và thông báo công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền đã thông tin nhiều vấn đề quan trọng, toàn diện của địa phương đang được cử tri, Nhân dân hết sức quan tâm.