(CMO) Mấy ngày qua, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi khiến người dân cả nước lo lắng. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 28/7. Toàn quốc tái khởi động các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm chống dịch như chống giặc và không cho đại dịch Covid-19 có cơ hội quay trở lại đe doạ sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân.
Dù tình hình dịch bệnh có chiều hướng khá phức tạp, tuy nhiên, với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Điều đáng quan ngại nhất lại nằm ở một loại dịch khác, đó là dịch tin giả, tin đồn, tin gây hoang mang dư luận (mà thuật ngữ gọi là fake news) đang lan tràn trên các diễn đàn mạng xã hội, thậm chí lan truyền theo kiểu truyền thống là truyền miệng, tạo tâm lý bất an, gây nhiễu loạn xã hội.
Sáng 27/7, sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, ngoài các tờ báo chính thống đăng tải thông tin, các trang web tin tức trôi nổi cũng ngay lập tức vào cuộc. Thông tin đăng tải trên các trang này với nội dung được cắt xén, gây hiểu nhầm, giật tít gây sốc với nội dung “Thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 28/7”. Thông tin này lập tức được các tài khoản mạng xã hội dẫn lại đường link, lan truyền, phát tán với tốc độ chóng mặt, gây hoang mang trong xã hội với thông điệp sai lệch: cả nước thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội như thời điểm nửa đầu tháng 4/2020.
Sau khi kiểm tra lại nguồn tin, người viết phát hiện, các trang thông tin trôi nổi đang là vấn nạn nhức nhối không chỉ ở thời điểm hiện tại. Các trang này dẫn lại nội dung của các tờ báo chính thống về vấn đề nào đó. Sau đó sẽ có thủ thuật thêm thắt, cắt xén nội dung, gây hiểu lầm, hiểu không đầy đủ về sự kiện, câu chuyện, nhân vật. Các trang này chủ ý giật tít sốc, câu view đối với những ai hiếu kỳ, tò mò, thích tiếp cận với các vấn đề giật gân. Mục đích cuối cùng của các trang thông tin này là lượng người truy cập, sau đó thu lợi từ các nguồn quảng cáo online. Miếng mồi béo bở của các trang này không ai khác chính là các tài khoản mạng xã hội, thích chia sẻ, bình luận mà không cần kiểm chứng, không cần biết hậu quả.
Một số liệu từ ngày 15/3 trên báo Tuổi Trẻ online cho biết, có hơn 650 người bị xử lý vì tung tin thất thiệt về Covid-19. Con số đó chắc chắn sẽ tăng lên nếu dồn luỹ kế cho đến thời điểm hiện tại, trong khi đó, số ca nhiễm bệnh của cả nước ghi nhận ở thời điểm cập nhật là 420 trường hợp. Như vậy, dịch tin giả, tin thất thiệt, tin bịa đặt về Covid-19 và các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống bệnh mới thật sự là loại dịch có tốc độ lây lan và bùng nổ còn hơn cả đại dịch Covid-19. Điều đáng nói là nguồn gốc phát tán các thông tin này đa phần nằm ở các trang thông tin được gọi chung với tên “Trang thông tin điện tử tổng hợp” hoặc các trang web “lậu” nhái lại các trang web uy tín, chính thống.
Ảnh chụp màn hình một trang web trôi nổi nhái tên miền là Người Làm Báo. |
Đặc điểm của các trang tin này thường là dẫn lại các sự kiện, thông tin có thật, tuy nhiên văn bản thường bị chèn bởi các dấu (.) ở giữa các chữ. Tên trang tin xuất hiện với biểu tượng một tia sét ở phía trước. Các đoạn văn bản bị cách bởi những quảng cáo hoặc đường link dẫn sang các trang khác. Các vấn đề mà những trang web này lựa chọn thường là vấn đề nóng, thời sự, được nhiều người quan tâm. Trong đó các vụ scandal về đời tư cá nhân, diễn biến dịch bệnh, câu chuyện về các vụ thảm án... có tần suất xuất hiện dày đặc.
Các trang này xuất hiện và bằng nhiều cách thức khác nhau liên kết, lôi kéo sự chú ý với các tài khoản mạng xã hội, từ đó mỗi thông tin mới đều được phát tán với tốc độ nhanh, khó kiểm soát. Có một thực tế là chính những người dùng mạng xã hội đang bị những trang thông tin trôi nổi lợi dụng để phát tán tin xấu, tin giả, tin bịa đặt… và phục vụ cho mục đích kiếm tiền của những người lập ra trang web ấy mà hầu như không có ý thức cảnh giác, kiểm chứng. Chỉ đến khi bị xử lý thì người dùng mạng xã hội mới đưa ra lý giải ngô nghê là “vì kém hiểu biết”, “thấy người ta đăng tưởng là báo chí chính thống”, “thông tin cũng đúng chớ đâu có tổn hại gì ai”…
Nhiều trang tin trôi nổi sau thời gian tồn tại không thể truy cập được, nhưng cũng có những trang tin vẫn được truy cập và chia sẻ thông tin một cách rộng rãi trên không gian mạng xã hội, dù rằng các thông tin đó là không chính thống, thậm chí sai lệch, bịa đặt. Nhiều người bị xử lý vì lan truyền thông tin thất thiệt, nhưng có rất nhiều người vẫn vô tư chia sẻ, lan truyền các thông tin chưa được kiểm chứng với tốc độ còn nhanh hơn cả vi-rút. Đặc biệt là các tin tức về diễn biến của đại dịch Covid-19. Thậm chí, từ không gian mạng, các tin tức dần chuyển qua trạng thái tin đồn truyền miệng với các nội dung thông tin không có thật, bịa đặt, gây xáo trộn đời sống, hoang mang tinh thần của không ít người.
Để dịch tin giả không còn đất sống, đòi hỏi người dùng mạng xã hội, người tiếp nhận thông tin cần phải có đủ bản lĩnh, kiến thức, kỹ năng. Báo chí chính thống Việt Nam được vinh danh là một trong những nước tốp đầu thế giới về công tác truyền thông trong đại dịch Covid-19, vậy thì tại sao phải chia sẻ, lan truyền những thông tin không chắc chắn, chưa được kiểm chứng từ những trang web trôi nổi? Tất nhiên, sự vào cuộc của các ngành, đơn vị chức năng nhằm chặn đứng các trang thông tin trôi nổi là điều cần thiết, việc xử lý người lan truyền thông tin thất thiệt cần mạnh tay, không thể để kiểu vì “thiếu hiểu biết” mà nương nhẹ, hoặc xử lý chiếu lệ. Chống dịch tin giả, tin thất thiệt, bịa đặt cũng là một mặt trận trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đừng để các thông tin không chính thống, trôi nổi chi phối cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà và cộng đồng theo hướng tiêu cực, để rồi rơi vào cảnh dở cười, dở khóc./.
Phạm Quốc Rin