ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 2-7-25 10:50:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đời chị như những cánh sen

Báo Cà Mau (CMO) “Hơn 28 năm gắn bó với công tác xã hội, từ công tác dân số đến công tác phụ nữ tại địa phương, làm riết thấy yêu nghề. Lúc đầu đi vận động kế hoạch hoá gia đình phải đi bộ chứ không thuận tiện như bây giờ. Đi nhiều mới thấy chị em nghèo khổ, thiếu kiến thức mà còn bị chồng bạo hành, mình thì có chút kiến thức hơn chị em nên mình vận động rồi bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chị em. Như một cái duyên nên nhiều chị em nghe rồi làm theo cùng nhau phát triển, vậy là tấn tới luôn”.

Đó là tâm tình của chị Nguyễn Hồng Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Chà Là, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân. Chị Hạnh không chỉ gắn bó với công tác hội từ những ngày đầu khó khăn mà còn nổi bật với thành tích 10 năm giúp đỡ 10 hộ thoát nghèo bền vững.

Đến nhà chị Hạnh phải qua mấy chặng đường quanh co, chị ngại ngần khi có người viết bài về mình. Ở chị toát lên vẻ phúc hậu, tươi trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi ngưỡng 60.

Chà Là ban đầu được biết đến là ấp nghèo nhất xã Phú Mỹ lúc bấy giờ, nay chia tách thuộc xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, với tỷ lệ hộ dân tộc Khmer cao. Vào năm 2010, khi được Đảng uỷ phân công đảng viên giúp đỡ hội viên nghèo, nhìn hộ nghèo không nghề nghiệp, không đất đai, chị mất ngủ mấy đêm vì không biết phải làm sao để giúp.

Nhưng câu chuyện giúp người không phải bắt đầu từ đó, mà được bắt đầu từ trước đó rất lâu. Gia đình chị Hạnh từng được mệnh danh là gan dạ khi cho người nghèo, không họ hàng mượn đất cất nhà. Bởi lẽ ai cũng lo sợ thói đời ở lâu cắm rễ khó đòi. Năm 1994, chị Hạnh đã đưa gia đình ông Nguyễn Văn Nhanh về cất nhà trên phần đất gia đình để sinh sống, làm ăn. Ông Nhanh được mệnh danh là "Chí Phèo" bởi nhậu nhẹt, chửi bới xóm làng. Sống trong cái khổ, cái bần cùng con người như muốn chống đối với cả thế giới, vậy mà từ sự mềm mỏng, cùng sự vận động, hỗ trợ của chị Hạnh, ông Nhanh đã chí thú làm ăn.

Cảm hoá được người chồng, chị Hạnh vận động vợ ông Nhanh, là bà Nguyễn Thị Hoá vào sinh hoạt hội, tham gia kế hoạch hoá gia đình, vì khi ấy gia đình ông Nhanh có đến 5 người con. Từ nguồn vốn xoay vòng của chị em phụ nữ, chị Hạnh hướng dẫn mô hình cho vợ chồng ông Nhanh. Nhờ đó, vợ chồng chịu khó buôn bán nhỏ rồi nuôi ba ba, nuôi rắn…, dạo ấy còn giăng thêm lú bên đầm Thị Tường để kiếm thêm, rồi ai thuê gì làm nấy để tích góp vươn lên. Bà Hoá rưng rưng xúc động khi nhớ về khoảng thời gian cơ cực: "Hồi đó, nghĩ là bỏ xứ đi luôn nhưng không được, vì quá thương con, thương mẹ. Rồi nhờ bà Hạnh động viên, giúp đỡ, cho mình lá để cất nhà, rồi giúp tiền, gạo cho con mình ăn, rồi giúp mình vay vốn mần ăn nên mới có được ngày hôm nay".

 Đến năm 2003, chị Hạnh xin hỗ trợ được căn nhà cho gia đình ông Nhanh. Một lần nữa, chị Hạnh lại đến nhà cha mẹ của bà Hoá vận động hỗ trợ cho nền nhà để gia đình an cư. Nhờ tiết kiệm chi tiêu, chịu khó làm ăn và con cái dần lớn khôn, phụ giúp kinh tế, đến nay gia đình ông Nhanh đã có cơ ngơi vững chãi. Hiện tại, mỗi năm gia đình ông Nhanh luôn mua gạo tặng lại những hộ khó khăn khác. Ông Nhanh "Chí Phèo" ngày nào đã chí thú mần ăn bởi lạt mềm buộc chặt của chị Hạnh. Ông Nhanh cười hiền, phân trần: "Nhờ lời khuyên của bà Hạnh nên vững tinh thần mình lắm, nếu không lời khuyên chắc mình lún tới luôn. Bà Hạnh không ruột thịt mà giúp đỡ mình cỡ đó thì mình phải phấn đấu lo làm ăn thì mới coi được. Giờ khấm khá, mình mang ơn gia đình bà Hạnh, coi bà như dòng họ".

Chị Nguyễn Hồng Hạnh (bên trái) hướng dẫn chị em phụ nữ thủ tục vay vốn phát triển kinh tế.

Đó là 1 trong 3 hộ dân được mượn đất nhà chị Hạnh để ở. Bà Nguyễn Thị Bé cũng là một hoàn cảnh được mượn đất. Năm 1999, bà Nguyễn Thị Bé một mình phải nuôi 4 con thơ, không nghề nghiệp ổn định nên chị Hạnh lại cưu mang cho ở nhờ trên phần đất nhà mình. Rồi chị Hạnh cho mượn đất làm ruộng nuôi con, giúp vốn liếng rồi hỗ trợ con cái học hành. Giờ đây 4 người con của bà Nguyễn Thị Bé đã có việc làm ổn định, mua lại nền nhà trên đất chị Hạnh cho bà Bé dưỡng già.

Tận tâm với chị em nghèo

Có một câu chuyện mà bà Bé cứ làm chị Hạnh nhớ mãi, đó là ngày hay tin chị Hạnh bị tai nạn xe máy gãy xương đòn phải nhập viện mê man, bà Bé tất tả lên bệnh viện, vào đến giường bệnh bà cầm bàn tay chị Hạnh rồi nước mắt ngắn dài thút thít: “Bà Út ơi, bà đừng chết nghen. Bà chết chắc tụi tui khóc dữ lắm”. Trong cơn nửa tỉnh nửa mê, lời lẽ nức nở, chân chất của bà Bé - một người không thân thích, ruột thịt lại làm chị không thể nào quên. Bởi một người phụ nữ quê cục mịch, ít nói, hôm nay lại bày tỏ cảm xúc nhiều đến vậy thì sự yêu thương từ chị đã thật sự đơm hoa.

Hiện tại, Chi hội Phụ nữ ấp Chà Là có 224 hội viện, nhưng chỉ còn 4 hội viên nghèo. Và từ năm 1993 đến nay không hội viên phụ nữ nào xin ra khỏi tổ chức hội.

Không biết có là so sánh quá khi ví chị như một hoa sen, lần giở những câu chuyện cuộc đời chị như những cánh sen, nơi đó luôn có sự yêu thương toả hương ngào ngạt bởi những việc làm đầy ý nghĩa. Vì tận tâm với công tác xã hội là thế nhưng ít ai biết chị Hạnh oằn nặng gánh gia đình, bổn phận dâu út chăm lo cho cha mẹ chồng ốm đau không tự sinh hoạt được. 11 năm, hành trình mà mọi sinh hoạt của cha mẹ chồng phần lớn dựa vào đôi vai của người con dâu thảo hiền ấy. Thế nhưng chị Hạnh luôn sắp xếp thời gian để trọn đạo dâu con, không nề hà vất vả. Chị Hạnh tâm tình: "Sáng mình dậy sớm một chút để nấu ăn sáng cho cha mẹ, lo cho cha mẹ ăn xong thì nhờ cháu qua trông nom rồi đi công tác. Tranh thủ tối đa xong việc để về kịp lo cơm trưa cho cha mẹ ở nhà".

4 người con của chị Hạnh rất mực hiếu thảo và đều được học hành, có việc làm ổn định. Một gia đình với 3 thế hệ luôn mẫu mực, thuận hoà để cho nhiều hộ gia đình noi theo.

10 năm giúp đỡ cho 10 hộ nghèo thì đã có 9 hộ thoát nghèo vươn lên. Đó không chỉ là những con số nổi bật trong bảng thành tích cá nhân mà còn là cả một chặng hành trình, dốc tâm, dốc sức của chị Hạnh cùng với công tác giảm nghèo ở địa phương. Chuyện chị Hạnh làm được không chỉ là uy tín, trách nhiệm, tình thương mà còn được nhiều người nể trọng vì cách sống nhân nghĩa của chính gia đình chị./.

Như Nguyễn

Liên kết hữu ích

Khánh thành, bàn giao 300 căn nhà tại xã Phan Ngọc Hiển

Chiều nay (30/6), tại xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển), nay là xã …, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau phối hợp với địa phương tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao 300 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Bàn giao 126 căn nhà cho hộ nghèo huyện Ngọc Hiển

Sáng 28/6, UBND huyện Ngọc Hiển phối hợp với VietinBank Chi nhánh Cà Mau tổ chức lễ bàn giao 126 căn nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn.

9 năm kết nối chuyến đò ý nghĩa

Từ lần tình cờ tác nghiệp tại xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi, câu chuyện về những cô, cậu học trò không học hết tiểu học do gánh nặng chi phí đến trường vì cầu lộ cách trở, đã thành động lực để Chi đoàn Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau (nay là Báo và Ðài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Cà Mau) duy trì hoạt động hỗ trợ. Kết thúc năm học 2024-2025, hành trình lần thứ 9 của chương trình “Chuyến đò an toàn cho học sinh cửa biển” hoàn thành thêm 1 năm kết nối; trẻ em tại cửa biển Giá Lồng Ðèn (xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi) có thêm một năm cố gắng đến trường.

Những trang viết, cánh sóng gieo mầm tri thức

Không ồn ào, không phô trương, nhưng báo chí vẫn lặng lẽ trở thành người bạn đồng hành trên hành trình chạm đến ước mơ của biết bao học sinh, sinh viên nghèo. Những bài viết, phóng sự truyền hình không chỉ khắc hoạ chân thực hoàn cảnh, mà còn là nhịp cầu kết nối yêu thương, là ngọn lửa truyền cảm hứng, tiếp sức cho những đôi chân bé nhỏ vượt lên số phận.

Khánh thành lộ giao thông nông thôn và trao nhà tình thương tại xã Khánh Bình Đông

Sáng 21/6, huyện Trần Văn Thời tổ chức lễ khánh thành tuyến lộ giao thông nông thôn bờ Tây kênh Tham Trơi, đoạn đi qua ấp Tham Trơi và Tham Trơi B, xã Khánh Bình Đông. Đồng thời tổ chức bàn giao nhà tình thương cho hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn xã.

Báo chí Cà Mau nối nhịp an sinh

“Nếu không có mấy cháu đến ghi hình, đưa thông tin, thì chắc đến chết tôi cũng không có tiền cất được nhà. Rồi các con tôi, không biết sống sao trong căn nhà mục, dột nát này”. Ðó là câu nói chạm trái tim tôi trong ngày mang niềm vui đến cho gia đình bà Phạm Thị Ðịnh, 74 tuổi, Ấp 1/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời.

Khởi động “Hành trình đỏ”

Xuất phát từ tình trạng khan hiếm máu cho điều trị vào mỗi dịp hè, Chương trình “Hành trình đỏ” ra đời và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các địa phương trong cả nước. Từ lần đầu tiên vào năm 2013 với sự tham gia của 15 tỉnh, thành phố, đến nay đã có 58 tỉnh, thành phố tham gia tổ chức “Hành trình đỏ”, trong đó có tỉnh Cà Mau. Theo đó, đã thực hiện thành công 2.653 điểm hiến máu, thu được hơn 810 ngàn đơn vị máu.

Không chỉ chủ trương mà còn là trách nhiệm

Xã Tân Lộc, huyện Thới Bình hiện có 285 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống. Đa phần bà con làm nghề nông hoặc lao động phổ thông, cuộc sống còn nhiều khó khăn khi thiếu đất sản xuất, việc làm bấp bênh, điều kiện nhà ở xuống cấp. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều chính sách thiết thực, mang lại chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Kết nối những tấm lòng

Với thông điệp “Lan toả yêu thương, sẻ chia khó khăn”, trong những ngày đầu tháng 6, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Cà Mau phối hợp với Hội Phụ nữ Từ thiện TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hoạt động giàu ý nghĩa nhân văn, mang đến niềm vui, tiếp thêm động lực cho các nạn nhân chất độc da cam (NNCÐDC) và người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Báo Thanh Niên khởi công cầu tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời

Sáng 8/6, Báo Thanh Niên cùng các nhà tài trợ tổ chức khởi công cầu kênh Cơi Ba tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Cây cầu này là niềm mơ ước, chờ đợi nhiều năm qua của các hộ dân địa phương.