(CMO) Ngày 24/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020 với 63 điểm cầu. Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì hội nghị.
Năm 2019, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành đã tích cực hoàn thiện, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 18 dự án luật và nhiều nghị quyết; cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác. Đồng thời xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 881 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), giảm 108 văn bản so với năm 2018; các địa phương ban hành 3.556 văn bản cấp tỉnh (tăng 6,3%), 1.074 văn bản cấp huyện (giảm gần 34%) và 3.524 văn bản cấp xã (giảm 57%). Số lượng VBQPPL được ban hành tiếp tục giảm mạnh so với những năm trước, nhất là ở cấp huyện và cấp xã, phù hợp với quy định của Luật Ban hành VPQPPL. Chất lượng VBQPPL do các cơ quan ở trung ương và địa phương ban hành được đảm bảo hơn.
Các công tác tư pháp khác như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, con nuôi, lý lịch tư pháp; bổ trợ pháp lý, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hòa giải ở cơ sở… tiếp tục có những chuyển biến rõ nét, đóng góp tích cực vào quá trình cải cách tư pháp, mang lại nhiều lợi ích cho người dân hơn.
Năm 2020, Bộ Tư pháp đã đề ra một số nhiệm vụ trong tâm như: nâng cao hiệu quả tham mưu của Bộ Tư pháp để giúp Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn liền tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp; nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, chú trọng xây dựng các Phòng công chứng, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành các đơn vị tự chủ làm đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ…
Công tác tư pháp có những chuyển biến rõ nét, đóng góp tích cực vào quá trình cải cách tư pháp, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2019, Bộ Tư pháp đã khẳng định được vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của mình trong công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013. Bộ Tư pháp đã nỗ lực tham mưu Chính phủ thực hiện các giải pháp hiệu quả nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật được nâng lên 17 bậc so với năm 2018, góp phần nâng cao tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ, ngành Tư pháp tập trung chỉ đạo, lãnh đạo tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, tạo chuyển biến cơ bản, bền vững về mọi mặt trong tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong đó cần tập trung chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, chú trọng cải cách thủ tục hành chính và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực này; Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế; Chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, xây dựng Ngành, đào tạo cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của đất nước.
Phương Lài