(CMO) LTS: Những năm gần đây, việc xuất hiện và phát triển của các mô hình liên kết giữa các Ngân hàng thương mại (NHTM) với doanh nghiệp bảo hiểm nhằm phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (BHNT) qua ngân hàng ngày càng mở rộng và phát triển. Sự liên kết này mang đến cho khách hàng một hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng, giúp cho ngân hàng có thêm khoản hoa hồng khi bán bảo hiểm, đối với khách hàng cũng nhận được một loạt các dịch vụ tài chính ưu đãi. Tuy nhiên, việc ngân hàng bán bảo hiểm nhưng không quan tâm đến nhu cầu thực sự của khách sẽ để lại nhiều hệ luỵ.
Bài 1: Khốn khổ với hợp đồng bảo hiểm đi kèm khoản vay
Bán bảo hiểm được xem như chỉ tiêu giống các sản phẩm chính: Huy động, tín dụng, phát hành thẻ... Một số nhân viên ngân hàng không thẩm định dựa trên năng lực khách hàng, mà dùng lãi suất ưu đãi và giải ngân nhanh gọn để “gợi ý” mua BHNT là câu chuyện phổ biến trong ngành ngân hàng hiện nay. Để được dễ dàng xét duyệt khoản vay, khách hàng “tự nguyện” ký vào hợp đồng BHNT với mức phí hàng chục triệu đồng mỗi năm, nếu khách hàng bỏ ngang trong 1-3 năm đầu thì gần như sẽ mất trắng tiền gốc đã nộp.
Bị "ép" trên khoản vay
Bà N.H.T, huyện Đầm Dơi cho biết, năm 2022 do có nhu cầu dùng vốn để đầu tư tái sản xuất nên bà T dùng sổ đỏ (quyền sử dụng đất) vay thế chấp ở Phòng giao dịch ngân hàng TMCP trên địa bàn tỉnh cà Mau, tài sản của bà được thẩm định vay tối đa là 1,5 tỷ đồng, giải ngân theo nhiều kỳ, với số tiền 200 triệu đồng/kỳ.
Trong quá trình xét duyệt hồ sơ, bà T được nhân viên tín dụng yêu cầu mua gói BHNT của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt liên kết với ngân hàng, phí phải đóng định kỳ là 35 triệu đồng/năm, thời hạn kết thúc bảo hiểm lên tới năm 2050. Bà T trình bày gia đình đang gặp khó khăn không đủ điều kiện đóng nên từ chối mua. Tuy nhiên, nhân viên tín dụng thuyết phục, giải thích, mua BHNT để đầu tư sẽ có lợi sau này, nếu chẳng may khách hàng gặp biến cố sức khoẻ, không trả nợ được thì công ty bảo hiểm sẽ thay khách hàng đứng ra trả nợ cho ngân hàng. Cứ mua trước, những năm sau không đóng nổi thì bỏ, sẽ không ảnh hưởng gì hết. Theo sau là lời khẳng định có gói bảo hiểm này thì “sếp” mới duyệt giải ngân khoản vay nhanh.
Tranh: Minh Tấn
“Số tiền vay càng lớn đồng nghĩa với gói BHNT kèm theo cũng phải cao. Để được vay số tiền trên nên tôi đã cố gắng “bấm bụng” ký hợp đồng mua bảo hiểm dù không hề tự nguyện như ngân hàng nói. Coi như là khoản phí phải trả khi được vay vốn” bà T. buồn bã.
Cũng rơi vào thế tương tự, cô N.T.K, một giáo viên Mầm non tại Cà Mau, cô vay vốn tín chấp với gói vay dành cho giáo viên lên đến 150 triệu đồng, trong vòng 5 năm với lãi suất 16%/năm tại Ngân hàng TMCP chi nhánh Cà Mau, để được giải ngân toàn bộ số tiền nhân viên tín dụng của ngân hàng này đề nghị chị phải mua gói BHNT của Công ty bảo hiểm Dai– ichi Life Việt Nam liên kết với ngân hàng phí định kì 6 triệu đồng và cam kết trong suốt thời gian vay sẽ được hỗ trợ, ưu đãi các chính sách khác của ngân hàng. “Nhân viên ngân hàng giải thích nếu không mua BHNT thì ngân hàng giải ngân ít, có khi không được duyệt”- cô K bức xúc.
Khi khách hàng đi vay vốn thì ngân hàng khẳng định là không mua BHNT vẫn được vay vì không có điều khoản nào bắt buộc trong hợp đồng. Nhưng thực chất, không mua thì nhân viên ngân hàng làm khó, kéo thời gian duyệt hồ sơ lâu, số tiền giải ngân ít. “Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấm hình thức ép khách hàng mua BHNT, nhưng nhân viên ngân hàng vẫn dùng nhiều cách để bán được bảo hiểm, dù khách hàng không có nhu cầu” - Chị N.T.M, nhân viên một ngân hàng TMCP tại Cà Mau cho biết.
Ở trường hợp chị N.V.T (Phường 8, TP Cà Mau) trước đây gia đình chị có mua 5 gói BHNT, trong đó 3 lần vay thế chấp ngân hàng nên đã mua 3 gói BHNT và 2 gói bảo hiểm tự nguyện phù hợp với điều kiện của gia đình.
Chị T chia sẻ: “Do trước đây tôi đã nhiều lần đi vay và được biết nếu không mua BHNT thì hồ sơ bị "treo" rất lâu mới được giải quyết. Vào đầu năm 2023, gia đình tôi tiếp tục vay thế chấp tại một ngân hàng trên địa bàn phường 5, TP Cà Mau để mua đất trong Khu đô thị Happy Home thông qua một Công ty bất động sản (BĐS) ở Cà Mau. Khi gửi hồ sơ vay qua ngân hàng thì nhân viên ngân hàng gọi hỏi tôi có nhu cầu mua thêm gói BHNT không? Khi tôi không đồng ý mua thì ngân hàng trao đổi lại với bên Công ty BĐS và công ty đã đồng ý chi trả 1 năm đầu cho gia đình tôi với gói BHNT Bảo vệ sức khoẻ của Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential liên kết với ngân hàng có phí định kỳ hơn 20 triệu đồng/năm”.
Áp lực chỉ tiêu
Các gói bảo hiểm hoàn toàn mang tính tự nguyện, nhiều ngân hàng cũng khẳng định không có chuyện “ép” khách hàng mua BHNT khi vay vốn, nhưng ngân hàng cần phải có sự đảm bảo để tránh rủi ro. Lý thuyết là vậy, khi vay vốn ngân hàng vẫn khuyến khích mua gói hiểm khoản vay 3-8%/tổng số tiền vay, giúp cung cấp cho ngân hàng công cụ bảo vệ hữu hiệu trong trường hợp khách hàng không may xảy ra rủi ro, mất khả năng trả nợ. Còn “gợi ý” mua thêm gói BHNT thì có phải xuất phát từ nhu cầu của khách hàng?.
Đem thắc mắc hỏi một nhân viên L.T.L đang làm việc tại một ngân hàng TMCP trên địa bàn tỉnh thì được chị L cho hay: “Cứ đặt ra điều kiện để khách hàng mua BHNT kèm theo khoản vay, chỉ cần đủ doanh số thôi, mình khuyên khách có thể đóng bảo hiểm năm đầu xong rồi bỏ để được giải ngân”.
Có nhiều lần bà Trần Ngọc Trình, Giám đốc Văn phòng Bất động sản (BĐS) Ngọc Trình Cà Mau đến các ngân hàng vay thế chấp BĐS cho khách, bà Trình chia sẻ: Nhân viên tín dụng giờ có nhiều chiêu trò, mình vào trực tiếp ngân hàng nhờ tư vấn vay thì họ không đề cập đến việc mua BHNT, vì hiện nay NHNN quy định cấm ép khách hàng mua BHNT, do vậy họ thận trọng, khi hồ sơ thẩm định xong hết, nhân viên phụ trách mới hẹn mình ra quán cà phê thì lúc đấy mới đề cập đến mua BHNT với đủ lý do: “Tiếc quá, hiện ngân hàng em hết hạn room (mức tăng trưởng tín dụng) rồi ạ”. Khi thấy tôi tỏ vẻ mong muốn được giải ngân nhanh thì nhân viên ngân hàng đã gợi ý “Ngân hàng em giờ cũng còn một ít room do sếp quản lý, nhưng nếu chị mua giúp em cái BHNT thì hồ sơ chị mới được sếp em chấp nhận duyệt”.
“Dù không ép mua bảo hiểm, nhưng việc gợi ý kèm theo gói vay cũng khiến cho khách hàng khó có thể từ chối. Khách hàng cá nhân nếu đi vay gói bảo hiểm phải mua cũng từ 30 đến 40 triệu/năm, còn doanh nghiệp mua BHNT lên cả trăm triệu” - bà Trình nói.
Như vậy, khách hàng không tránh được việc bị chỉ định mệnh giá hợp đồng và mức phí đóng bảo hiểm cũng như hoàn toàn không được lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm mình mong muốn, việc tham gia bảo hiểm không đúng với nguyện vọng của khách hàng.
Đa số khách hàng để vay được tiền, sẵn sàng bỏ ra mấy chục triệu mua bảo hiểm theo lời nhân viên tư vấn rồi bỏ ngang hợp đồng, coi như mất trắng số tiền đó, vì không đóng nổi là chuyện bình thường ở ngân hàng. “Khách hàng khó khăn nên dễ ép người ta vào thế. Giờ ngân hàng nào cũng nói, khi khách hàng đến vay thì nhân viên ngân hàng sẽ giải thích điều khoản của bảo hiểm cũng như tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, để khách hàng hiểu đúng hơn quyền và lợi ích gói bảo hiểm. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết, chủ yếu nhân viên ngân hàng chào bán bảo hiểm để hồ sơ duyệt nhanh, vay được số tiền cao, cho sếp duyệt sớm, rồi sẽ được giảm lãi 1 – 3 tháng đầu và nhấn mạnh chỉ giảm cho khách hàng khi khách hàng mua BHNT” - Chị N.T.M cho biết thêm.
Ông Trần Huỳnh Luân, Trưởng Văn phòng Tổng Đại lý Dai – ichi Life Việt Nam tại Cà Mau chia sẻ: Tôi đã từng qua ngân hàng tìm hiểu về vấn đề này, ngân hàng liên kết bảo hiểm thì có chỉ tiêu từng ngân hàng, khi có chỉ tiêu như vậy các bạn nhân viên “đẩy” làm sao đạt được chỉ tiêu thì thôi. Ví dụ, tháng này chỉ tiêu của một nhân viên ngân hàng từ 1-2 hợp đồng, nếu nhân viên đạt đủ sẽ được nhận trọn lương. “Các ngân hàng đang thực hiện hình thức từ chi nhánh phân bổ xuống áp lực nhân viên, để nhận được đủ lương thì các bạn nhân viên phải tìm mọi cách để triển khai bán ra bảo hiểm”- Ông Trần Huỳnh Luân cho biết thêm.
Không chỉ người vay bị ép, chính các nhân viên ngân hàng cũng phải chịu sức ép khi bị giao chỉ tiêu bán bảo hiểm. Chị N.T.H là nhân viên của một ngân hàng TMCP tại Cà Mau ngao ngán: Ở trên giao chỉ tiêu xuống chia theo quý xuống cho mỗi phòng. Tuỳ chức năng và nhiệm vụ của từng phòng mà chỉ tiêu được giao ít hay nhiều. Tại ngân hàng tôi, ở quầy thì mỗi giao dịch viên phải bán được 8 - 15 triệu đồng/tháng; chuyên viên khách hàng là 30-40 triệu/tháng doanh số BHNT…đây là tiêu chí để xét thưởng, xét thi đua hằng quý, hằng năm. Ngoài ra, còn nhiều chỉ tiêu từ sản phẩm khác của ngân hàng phải đạt nữa, thực sự quá sức.
Bản chất BHNT rất tốt, nhưng sự kết hợp của bảo hiểm và ngân hàng đi kèm với sức ép chỉ tiêu đã làm cho hình ảnh của cả bảo hiểm và ngân hàng xấu đi. Bởi nhiều khách hàng thật sự khó khăn, cần tiền mới tìm đến ngân hàng, nhưng lợi dụng điều đó để chạy doanh số bảo hiểm. Vậy liệu nhân viên nhân hàng bán bảo hiểm có chất lượng và thực sự mang lại hiệu quả tốt nhất đến người dùng hay chưa?.
Hồng Phượng - Việt Mỹ
Bài cuối: Làm sao để "khơi thông" quy trình vay vốn?