(CMO) Qua hơn 7 năm triển khai thực hiện Luật Hoà giải cơ sở, công tác hoà giải đạt nhiều kết quả tích cực. Các vụ việc hoà giải thành đạt cao, mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư được giải quyết kịp thời, góp phần giảm thiểu các vụ việc khiếu nại, vượt cấp kéo dài, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt.
Tỷ lệ các vụ hoà giải thành cao
Thời gian qua, công tác hoà giải ở cơ sở góp phần giải quyết hiệu quả các vụ tranh chấp, mâu thuẫn, giảm bớt khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện vượt cấp của người dân. Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Ngô Minh Toại cho biết, trong xã hội hiện nay, việc xảy ra mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp là điều không tránh khỏi. Đặc biệt, sự phát triển của nền kinh tế thị trường làm phát sinh nhiều mặt trái tác động đến cuộc sống, xảy ra nhiều mâu thuẫn, gây mất đoàn kết, ngay cả những người ruột thịt trong gia đình.
Hiện nay, toàn huyện Ngọc Hiển có 88 tổ hoà giải với 524 hoà giải viên ở tất cả các ấp, khóm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn thành lập 7 hội đồng hoà giải cấp xã, thị trấn với 84 thành viên. Tính từ ngày 1/1/2016-30/6/2020 toàn huyện tiếp nhận 701 vụ việc, đã đưa ra hoà giải 688 vụ, đạt trên 98%. Trong đó, hoà giải thành 508 vụ, đạt 73,8%, hoà giải không thành 170 đơn, chiếm 25,5%.
Là người có thâm niên nhiều năm trong công tác hoà giải, ông Đặng Xuân Việt, Tổ trưởng Tổ hoà giải ấp Đường Kéo, xã Tam Giang Đông, huyện Ngọc Hiển, cho biết, đa phần các vụ việc hoà giải tập trung vào lĩnh vực đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình và nhiều tranh chấp khác trong sinh hoạt cộng đồng. Các vụ việc hoà giải thành các đương sự đều tán thành và thống nhất cao.
Các thành viên Ban Pháp chế, HĐND tỉnh làm việc với lãnh đạo huyện Ngọc Hiển về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật hoà giải ở cơ sở. |
Kịp thời hoà giải tranh chấp
Phó trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Nguyễn Hùng Cường cho biết, công tác hoà giải ở cơ sở cơ bản giải quyết tận gốc vấn đề, góp phần duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải ở cơ sở sẽ không có bên thắng, bên thua, mà cả hai bên đều thắng, đều tự nguyện nhượng bộ một phần lợi ích để đạt được thoả thuận (hoà giải thành).
Theo ông Cường, điều này khác với trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn được giải quyết thông qua quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như toà án, sẽ có bên thắng, bên thua, bên không hài lòng, thoả mãn với kết quả giải quyết, gây khó khăn cho việc hàn gắn mối quan hệ tình làng nghĩa xóm. Hơn nữa, hoà giải viên là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư nên nắm bắt được nội dung mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, rất thuận lợi trong quá trình hoà giải. Thực tiễn hoạt động hoà giải ở cơ sở cho thấy, có những vụ việc nếu không được phát hiện sớm, hoà giải kịp thời, thì chỉ từ những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp hết sức nhỏ sẽ trở thành phức tạp, làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng, gây mất trật tự công cộng, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc ta.
Ông Đặng Xuân Việt cho biết thêm, đối với các vụ việc hoà giải không thành phải đưa ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nội dung tranh chấp, mâu thuẫn, tâm tư nguyện vọng của các bên được thể hiện rõ trong biên bản hoà giải không thành, sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc xác định phương hướng, đường lối giải quyết vụ việc đúng đắn, thấu tình đạt lý. Tuy nhiên, hiện nay kinh phí cấp cho tổ hoà giải 100.000 đồng/tháng, 200.000 đồng/vụ hoà giải thành và 150.000 đồng đối với vụ hoà giải không thành là quá thấp. Trong khi đó, điều kiện sông nước đi lại khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hoà giải ở cơ sở.
Tại cuộc giám sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về hoà giải ở cơ sở, Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Sơn Ca khẳng định: "Công tác hoà giải ở cơ sở góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Để hoạt động hoà giải ở cơ sở đạt hiệu quả hơn nữa đòi hỏi phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư".
Công tác hoà giải ở cơ sở ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của mình. Bên cạnh những giá trị vật chất xác định được, hoà giải ở cơ sở còn mang lại những giá trị vô giá, là niềm vui, niềm hạnh phúc của mọi người, mọi nhà. Khi đó, trật tự an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư được bảo đảm./.
Trung Đỉnh