(CMO) Nhằm hỗ trợ về thủ tục, pháp lý trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tránh những rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp (DN) và tăng tính sẵn sàng hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã có nhiều chương trình, hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Hỗ trợ bằng nhiều hình thức
Từ khi thực hiện Nghị định 55/2019 về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ đã tổ chức triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, từng bước đem lại kết quả trên nhiều lĩnh vực, như tư pháp, thuế, công thương, kế hoạch và đầu tư, bảo hiểm xã hội (BHXH)… Năm 2020 đã hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý 1.110 hồ sơ đăng ký DN, đăng ký đầu tư của DN có hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nhiều văn bản giải đáp, trả lời các chính sách, pháp luật được gửi đến các DN, nhận được sự đồng tình cao.
Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã tổ chức 4 cuộc họp, đối thoại với các DN nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong quá trình thực hiện các điều kiện, thủ tục hành chính (TTHC), các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là về thuế do dịch Covid-19.
Ngoài ra, đã thành lập tổ công tác, đi trực tiếp đến 122 DN để tuyên truyền, tư vấn, giải đáp vướng mắc, quy định của pháp luật liên quan chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Ðáng ghi nhận là ngành BHXH tỉnh Cà Mau đã tích cực hỗ trợ DN thực hiện giao dịch điện tử, kê khai biểu mẫu điện tử về lĩnh vực thu và chi trả BHXH; tiếp nhận và giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc thực hiện TTHC, pháp lý liên quan đến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN.
Cùng với đó, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, TP Cà Mau thường xuyên cập nhật thông tin pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh của DNNVV. Các chính sách, cơ chế của tỉnh dành cho DNNVV được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Ðồng thời, hỗ trợ pháp lý cho DN thông qua thực hiện cải cách hành chính, đối thoại trực tiếp, tư vấn pháp luật, tập huấn triển khai, tuyên truyền pháp luật liên quan hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh. Việc làm này đã góp phần cung cấp thông tin, các văn bản pháp luật, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận thông tin nhanh và chính xác về các chính sách, pháp luật có liên quan. Qua đây, hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh, hạn chế vi phạm pháp luật; đồng thời nâng cao vai trò quản lý Nhà nước ở địa phương trong công tác này.
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là kênh thông tin quan trọng góp phần giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động. |
100% đề nghị tư vấn của DN
Thời gian qua, tuy hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Phó giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Ngọc cho biết, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp làm đầu mối thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; các sở, ban, ngành tỉnh bố trí công chức pháp chế hoặc cán bộ chuyên môn tham mưu thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DNNVV tại cơ quan, đơn vị.
Ðối với UBND các huyện, TP Cà Mau phân công Phòng Tư pháp làm đầu mối phối hợp Phòng Tài chính, Chi cục Thuế, Phòng Hạ tầng - Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DNNVV tại địa phương. Toàn tỉnh có 35 cơ quan, đơn vị phân công 108 cán bộ, công chức, viên chức làm đầu mối thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, tất cả đều hoạt động kiêm nhiệm. Từ việc kiêm nhiệm dẫn đến chất lượng công việc hiệu quả không cao.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19 diễn biến kéo dài nên không thể tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DNNVV, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV cũng như cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật trên địa bàn.
“Cùng với đó, kinh phí hoạt động cũng là một rào cản đối với công tác này. Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo thông tư để thay thế Thông tư liên tịch số 157/2010 giữa Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp. Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DN của các bộ, ngành, địa phương và chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN. Do đó, nội dung chi theo thông tư này không thể áp dụng chi cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV theo quy định tại Nghị định 55/2019. Do chưa có văn bản thay thế Thông tư liên tịch số 157/2010, nên HÐND tỉnh chưa ban hành nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn tỉnh”, bà Phạm Thị Ngọc cho biết thêm.
Hiểu biết, nắm vững, cập nhật kịp thời các quy định, kiến thức về pháp lý là một trong những điều kiện quan trọng quyết định thành công của DN. Ðể giúp DN tránh những rủi ro về pháp lý trong quá trình hoạt động, công tác hỗ trợ pháp lý đóng vai trò quan trọng. Theo bà Phạm Thị Ngọc, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV bằng nhiều hình thức khác nhau. Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh dành cho người quản lý DN và kỹ năng, nghiệp vụ cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý.
Cùng với đó, cung cấp thông tin pháp lý cho DNNVV, đặc biệt trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hướng tới xây dựng và phát sóng chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, trên các phương tiện thông tin đại chúng để từ đó tuyên truyền rộng rãi, thông tin kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến DN.
"Bên cạnh đó cần huy động, khuyến khích mọi nguồn lực của tỉnh để hình thành và phát triển lực lượng tư vấn viên pháp luật. Tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật từ tư vấn trực tiếp đến tư vấn thông qua diễn đàn, đối thoại và các hoạt động tư vấn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đảm bảo 100% đề nghị tư vấn của DNNVV đều được giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết thoả đáng", bà Ngọc cho biết thêm./.
Văn Ðum