(CMO) Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực năm 2013, qua hơn 7 năm đi vào cuộc sống, đến nay nhiều quy định vẫn còn "nằm" trên giấy. Biểu hiện rõ nhất là vi phạm bán lẻ thuốc lá.
Vi phạm tràn lan
Luật PCTHTL năm 2013 đã thể chế hoá quan điểm của Ðảng và Nhà nước về PCTHTL, tạo hành lang pháp lý cho công tác PCTHTL giai đoạn hiện nay. Phạm vi điều chỉnh của luật quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để PCTHTL. Nhằm hạn chế tác hại thuốc lá trong cộng đồng, nhiều quy định khá chặt chẽ đã được cụ thể hoá, từ việc hút thuốc đến buôn bán thuốc lá. Ðáng quan tâm là đối với người bán thuốc lá lẻ, quy định đề cập cụ thể từ những việc được làm, không được làm, cùng với đó là hình thức chế tài theo từng hành vi vi phạm.
Theo đó, người chịu trách nhiệm tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá 1 bao, 1 tút hoặc 1 hộp của một nhãn hiệu thuốc lá.
Không được bán thuốc lá ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS, THPT, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.
Quy định đã có, song, với cái nhìn tổng thể thì tình trạng vi phạm, không tuân thủ các quy định của luật khá phổ biến.
Có mặt tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Cà Mau, một địa điểm mà chúng tôi nghĩ là không nên có sự hiện diện của thuốc lá. Tuy nhiên, không phải thế, việc bán thuốc lá lại diễn ra công khai, bất chấp các quy định của luật.
Căn tin, quầy tạp hoá trong khuôn viên Bệnh viện Sản - Nhi luôn có sẵn thuốc để bán cho khách khi có nhu cầu. |
Trong vai người nuôi bệnh, chúng tôi tìm đến quầy tạp hoá nằm trong khuôn viên Bệnh viện Sản - Nhi. Với lý do ngại ra ngoài vì đường xa, thêm vào đó việc đi ra vào rất bất tiện vì qua nhiều thủ tục trong công tác phòng chống dịch. Tôi hỏi một người phụ nữ đang đứng ở quầy có thuốc lá hay không. Không ngần ngại, người phụ nữ trả lời nhanh rằng ở đây lâu nay chỉ có bán thuốc bảy hột thôi. Vừa cầm gói thuốc lá trên tay, người phụ nữ này nói tiếp, "chú còn ở đây lâu không, khi nào có nhu cầu xuống đây ủng hộ nhé".
Rời quầy tạp hoá, chúng tôi tiến lên phía trên. Ðây là căn tin của bệnh viện, ngồi xuống ghế kêu 1 chai nước. Tôi hỏi cô gái phục vụ nơi đây có bán thuốc lá không? Cô gái đáp: Ở đây có bảy hột và con mèo, anh dùng loại nào?
Vậy là, một nơi theo chúng tôi nghĩ phải đi đầu trong công tác PCTHTL lại là nơi cung cấp thuốc, là điều không thể chấp nhận được.
Bệnh viện và nơi cách bệnh viện 100 m là một trong những nơi cấm bán thuốc lá. Việc này đã được quy định cụ thể trong luật. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm diễn ra rất phổ biến. Theo ghi nhận của phóng viên, đa số các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, nơi nào có căn tin trong khuôn viên thì nơi đó có bán thuốc lá. Còn phía xung quanh các bệnh viện thì vẫn tồn tại khói thuốc lá. Ðơn cử, tại Bệnh viện Ða khoa TP Cà Mau, giáp với bệnh viện là quán nước giải khát và đương nhiên thuốc lá cũng hiện diện nơi đây để cung cấp cho khách khi có nhu cầu.
Ðó là biểu hiện của việc bán thuốc lá tại khu vực cấm, còn đối với quy định khác như bán cho người dưới 18 tuổi, trưng bày thuốc lá... là khái niệm đầy mới mẻ đối với người bán, mặc dù quy định đã có hơn 7 năm qua.
Trên đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP Cà Mau, có khá nhiều điểm bán thuốc lá nằm xen lẫn với các hàng hoá khác. Khi được hỏi về quy định trên, nhiều chủ cơ sở khá lạ lẫm. Anh T, chủ tiệm tạp hoá, cho biết: "Tôi chưa nắm quy định về việc trưng bày thuốc lá. Tôi nghĩ mình chỉ không được bán các loại thuốc lá lậu thôi".
Chị H, chủ tiệm tạp hoá có địa chỉ đường Nguyễn Công Trứ, Phường 8, cho biết: "Tôi bán tạp hoá hơn 5 năm nay, có ai nói đến việc này đâu. Có bao nhiêu thuốc lá tôi trưng bày hết trong tủ. Khách có nhu cầu sử dụng loại thuốc nào thì lấy loại thuốc đó, chứ để riêng thì ai biết mà mua!".
"Khi bán thuốc lá có ai hỏi tuổi tác gì đâu, mà có hỏi chắc gì người mua đã nói thật. Tôi bán thuốc lá cho rất nhiều khách, chuyện tuổi tác tôi cũng không quan tâm lắm", chị H chia sẻ.
Từ nhận thức và sự hiểu biết về luật nên quy định gắn bảng "Cấm bán cho người dưới 18 tuổi" tại các nơi bán thuốc lá hầu như không được thực thi.
Không tạo được sự răn đe
Nghị định số 117/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020. Nghị định quy định tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm, như bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi; ép buộc, vận động người khác sử dụng thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi đi mua thuốc lá. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; trưng bày quá 1 bao, 1 tút hoặc 1 hộp của nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khoẻ trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không có bảng thông báo bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại địa điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá. Hình phạt bổ sung đối với những vi phạm này là đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến vi phạm trong thời hạn từ 1-3 tháng.
Ở một chế tài khác, Nghị định số 98/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có quy định mức xử phạt từ 3-5 triệu đồng vi phạm khu vực cấm bán thuốc lá (phía ngoài cổng các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS, THPT, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường trong phạm vi 100 m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó).
Mặc dù chế tài đã có, song trên thực tế rất hiếm có trường hợp vi phạm nào bị xử phạt trong thời gian qua. Lực lượng chức năng trên địa bàn chỉ dừng ở việc tuyên truyền, nhắc nhở là chính.
Phó chánh Thanh tra Sở Y tế Cà Mau Nguyễn Minh Sơn cho biết, thời gian qua, phía ngành chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra độc lập các vấn đề liên quan đến việc bán thuốc lá theo trách nhiệm và quyền hạn của ngành. Vấn đề này chỉ dừng ở việc tuyên truyền người dân chấp hành theo các quy định của luật là chính. Lý do được ông Sơn đưa ra là do nguồn nhân lực còn hạn chế, thêm vào đó là nguồn kinh phí dành cho công tác này không có nên chưa thể thực hiện được.
Còn đối với trách nhiệm của ngành quản lý thị trường, theo tìm hiểu của phóng viên cũng chỉ thực hiện ở việc đấu tranh với các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu. Còn đối với các hành vi vi phạm khác theo Nghị định số 98/2020 cũng chỉ dừng ở việc tuyên tuyền, nhắc nhở.
Thiết nghĩ, để tạo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh, để luật đi vào cuộc sống, thể hiện sự tôn nghiêm của pháp luật, đã đến lúc công tác kiểm tra, xử lý tạo sự răn đe cần được quan tâm đúng mức./.
Văn Ðum