(CMO) Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Cà Mau đang triển khai thực hiện khá quyết liệt việc giải toả đáy cá, vật chướng ngại trên sông. Tuy nhiên, việc giải toả các hàng đáy sông cố định gặp nhiều khó khăn, bất cập, bởi lẽ đề án thành lập các làng nghề thuỷ sản vẫn còn dang dở.
Điển hình như địa bàn huyện Ngọc Hiển, địa phương tồn tại hàng đáy cố định có lịch sử lâu đời vào bậc nhất trong toàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có 1.177 vật chướng ngại trên sông. Trong đó, có tới 256 hàng đáy cố định trên sông, với 440 miệng đáy; 737 vật chướng ngại là đáy đăng con giống thuỷ sản của 401 hộ gia đình, với 1.590 nhân khẩu sinh sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản. Đây là con số không hề nhỏ. Để họ ổn định cuộc sống sau giải toả và không tái lấn chiếm luồng, hành lang bảo vệ đường thuỷ nội địa là vấn đề nan giải.
Các địa phương trong tỉnh đang gặp khó trong giải toả các hàng đáy sông có lịch sử lâu đời. |
Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ngọc Hiển Nguyễn Thanh Sử cho biết: “Băn khoăn lớn nhất của địa phương vẫn là vấn đề chuyển đổi ngành nghề cho những hộ dân này, nhất là những hộ có hàng đáy cố định, bởi đa phần họ không có đất sản xuất, nghề nghiệp chủ yếu là đánh bắt thuỷ sản trên sông. Họ đều mong có nghề ổn định phù hợp điều kiện thực tế, chứ không phải là việc hỗ trợ bằng tiền. Hiện việc xây dựng phương án thực hiện chuyển đổi ngành nghề rất chậm. Chính vì vậy việc giải toả vẫn đang gặp khó, bởi nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các hộ dân đang sinh sống bằng nghề này”.
Việc giải toả các loại đáy, hàng đáy trên sông lấn chiếm luồng, hành lang bảo vệ luồng đường thuỷ nội địa gây mất an toàn giao thông là việc làm cần thiết, mang tính cấp bách nhưng phải đem lại hiệu quả lâu dài. Để làm được điều này, bên cạnh sự vào cuộc phối hợp quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng thuận của người dân sinh sống trên các tuyến sông. Mà muốn nhận được sự đồng thuận của người dân thì cần nghiên cứu giải pháp, các chính sách hỗ trợ nhằm chuyển đổi ngành nghề sản xuất cho họ. Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề thực hiện đề án chuyển đổi ngành nghề vẫn chỉ dừng lại ở những cuộc bàn thảo trong các cuộc họp.
Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Bằng nêu quan điểm: “Việc giải toả đáy cá trên sông, nhất là các loại đáy có lịch sử lâu đời trên địa bàn tỉnh sẽ khó thành công bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó cơ bản nhất vẫn là đề án chuyển đổi nghề đối với các hộ này liên quan đến kinh phí rất nhiều. Nếu chúng ta không điều tra đến nơi đến chốn thì sẽ không thuyết phục được chuyện kinh phí phục vụ đề án. Việc điều tra số liệu đầu vào tại các địa phương bao gồm: Thống kê rõ ràng lịch sử từng giai đoạn hình thành của đáy cá, số nhân khẩu, nghề nghiệp, đất sản xuất…, có bao nhiêu hộ muốn đào tạo nghề, đào tạo nghề gì cho phù hợp...”.
Việc giải toả vật chướng ngại trên các tuyến sông tại các địa phương đã là khó, thế nhưng giải toả các loại đáy, hàng đáy có lịch sử lâu đời lại càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Do đó, để chủ trương này sớm trở thành hiện thực, nhất thiết phải có một lộ trình, kế hoạch cụ thể, mà ở đó, vấn đề tạo việc làm, giải quyết chuyện mưu sinh của người dân phải được tính toán căn cơ./.
Song Khuê