(CMO) Theo đánh giá của UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, công tác xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp, các vụ việc xảy ra nhìn chung được phát hiện kịp thời. Cùng với đó, trình tự, thủ tục xử phạt thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước tại địa phương.
Thông qua việc thực hiện có hiệu quả pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo việc lập lại trật tự pháp luật, thiết lập kỷ cương, ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai địa phương cũng ghi nhận khá nhiều hạn chế.
Lực lượng Công an TP Cà Mau tuần tra xử lý vi phạm trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. |
Ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, cho biết: "Nhìn nhận ở góc độ các quy định pháp luật thì có nhiều điều cần lưu ý. Ðơn cử như tại Khoản 1, Ðiều 122, Luật Xử lý VPHC năm 2012, quy định việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ có 2 loại hành vi, là gây rối trật tự công cộng và gây thương tích cho người khác. Từ đó, gây khó khăn cho công tác xác minh, xử phạt VPHC và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả".
Theo quy định tại Ðiều 66, Luật Xử lý VPHC: “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính….”, thời gian này là quá ngắn.
Thực tế đã qua cũng ghi nhận việc bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Khi tạm giữ tang vật, cơ quan xử phạt không có phương tiện, trang thiết bị, bến bãi, kho tạm giữ tang vật phương tiện VPHC. Nếu giao cho đơn vị vi phạm bảo quản sẽ không hợp lý vì có thể dẫn đến tẩu tán hàng hoá vi phạm, gây khó khăn cho công tác xử phạt...
Cùng với đó, đội ngũ công chức làm công tác xử lý VPHC ở địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm. Nguồn nhân lực còn thiếu so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức còn hạn chế, nhất là ở cấp xã, do đó cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác xử lý VPHC.
"Xét ở góc độ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đã qua tuy được địa phương quan tâm, nhưng các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa thật sự đa dạng, phong phú, chủ yếu dựa vào các hình thức tuyên truyền truyền thống. Ðội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vẫn còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, tuy được bồi dưỡng nghiệp vụ nhưng chưa chuyên sâu. Chưa có cơ chế phù hợp để thu hút các lực lượng xã hội khác tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật", ông Sử cho biết thêm.
Ông Phạm Quốc Sử cho biết, một trong những khó khăn cũng được ghi nhận khá phổ biến trong thời gian qua là việc chấp hành quyết định xử phạt VPHC chưa triệt để, vẫn còn quyết định xử phạt chưa được chấp hành. UBND một số xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm có lúc chưa kịp thời, triệt để và thiếu quyết liệt nên còn để xảy ra nhiều hành vi vi phạm.
Một số đối tượng VPHC trên địa bàn nhưng không có hộ khẩu thường trú (sống lang thang) không có phương tiện, tang vật để tạm giữ đảm bảo cho việc xử phạt VPHC nên còn nhiều trường hợp không thu được tiền phạt. Trong một số trường hợp, việc gửi quyết định xử phạt VPHC gặp khó khăn do người vi phạm không ở trên địa bàn, không xác định được cụ thể địa chỉ nơi cư trú.
Có trường hợp vi phạm đã thực hiện nộp phạt tiền phạt nhưng không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Việc cưỡng chế buộc thực hiện trong một số trường hợp là rất khó khăn.
"Ðể Luật Xử lý VPHC được triển khai thực hiện hiệu quả trên thực tế, việc cần thiết phải làm là quan tâm hơn nữa việc đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành pháp luật về xử phạt VPHC. Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của người dân. Chính quyền địa phương cần bám sát và chủ động hơn trong quản lý địa bàn để kịp thời xử lý các vụ việc xảy ra", ông Phạm Quốc Sử cho biết thêm./.
Văn Ðum