(CMO) Với không gian sắp xếp hài hoà, tựa như khu vườn mini, một bức tranh nghệ thuật thiên nhiên sống động, hệ sinh thái thu nhỏ, tiểu cảnh Terrarium được nhiều người yêu thích, bởi cây kiểng và các tiểu cảnh trang trí không chỉ được trồng ở chậu cây mà nay còn xuất hiện ở các bể, bình thuỷ tinh trong suốt.
Trào lưu Terrarium đang được những người chơi kiểng ưu ái, vô cùng thích hợp với những không gian nhỏ, thành thị. Ðộc đáo và tinh tế, ở mỗi tiểu cảnh sẽ tìm thấy những nét chấm phá độc đáo, ẩn sau đó là những câu chuyện đi kèm khi sáng tạo.
Biết đến Terrarium khoảng 2 năm trước, nhân lúc xã hội giãn cách do dịch Covid-19, anh Nguyễn Sơn Tiền (chủ shop Mê Cây, Phường 9, TP Cà Mau) lên mạng lướt xem và tìm thấy niềm đam mê sáng tạo cây kiểng với phạm vi hoàn toàn mới.
Sẵn đã có kinh nghiệm về trồng cây kiểng, cây mọng nước từ trước nên việc học hỏi cách bày trí, tiếp cận với tiểu cảnh khá nhanh. Chỉ sau 2 tháng, anh Tiền cho ra đời tác phẩm nghệ thuật Terrarium đầu tay, trưng bày thu hút nhiều người quan tâm. Tính đến nay, từ bàn tay khéo léo, anh Tiền đã sắp xếp trang trí hơn 30 tiểu cảnh Terrarium kích thước lớn và hàng trăm chậu, bể, lọ nhỏ đơn giản.
Anh Tiền chia sẻ: “Riêng với Terrarium có 2 dạng kín và hở, tôi cũng đã học hỏi rất nhiều từ những người bạn có cùng sở thích tại TP Hồ Chí Minh. Ban đầu do chưa quen tay, để bày trí không gian tiểu cảnh, tôi mất hơn 5 tiếng đồng hồ chỉ để trang trí và tạo tầng”.
![]() |
Ðể sáng tạo ra một tiểu cảnh, anh Sơn Tiền thường tìm nguồn cảm hứng từ những góc ảnh thực bên ngoài cuộc sống hoặc mô phỏng lại một góc thiên nhiên tuỳ thích. |
Không đất, không phân bón nhưng cây vẫn có thể sống và phát triển trong không gian giới hạn, đó là điểm đặc biệt để tạo nên tiểu cảnh Terrarium. Theo đó, để có thể tạo nên một tiểu cảnh, trước hết cần có bể, lọ, hồ, chậu thuỷ tinh trong suốt, tuỳ hình dáng để làm vật thể chứa, sau đó, tuỳ sở thích người chơi mà sắp xếp từng lớp theo chiều từ trên xuống, tuần tự cần có đá đen Gia Lai (đẹp và nhẹ), đá lava (lọc nước), Akadama (đá mịn, nhuyễn thay thế lớp đất, ít vi khuẩn) trộn với ít xơ dừa, đất kết dính đính phần tường, lũa (rễ cây khô).
Thông thường với không gian hẹp, kín như trên, các cây được ưu tiên chọn phải chịu được điều kiện sống tương đối khắc nghiệt như: ẩm, thiếu ánh sáng, chậm lớn, có sức sống mãnh liệt như cau tiểu trâm, cây may mắn, rêu các loại, dương xỉ… “Khâu khó nhất và mất thời gian nhất vẫn là gắn đá và làm phần tường. Làm sao cho độ chân thật gần như ngoài đời thực và các mảng rêu bám lâu dài. Ðối với nghệ thuật tiểu cảnh Terrarium vẫn có hy hữu các trường hợp bị mốc, lúc đó phải tháo bỏ tất cả làm lại từ đầu”, anh Tiền cho biết thêm.
Vì môi trường sống của cây khá khép kín và thiếu sáng nên khi chơi bộ môn Terrarium cũng đòi hỏi khâu chăm sóc hoàn toàn khác biệt với trồng cây trong môi trường thông thường. Nên đặt tiểu cảnh nơi có ánh sáng nhẹ, 1 tuần tưới 1 lần kiểu phun sương thoáng qua để tránh cây bị ứ nước. Ngoài ra, từ 3-4 tuần nên xịt bổ sung phân nước 1 lần (phun sương) để duy trì chất dinh dưỡng cho cây.
Thực tế, đối với tiểu cảnh, tuổi thọ có thể hơn 1 năm hoặc hơn, tuỳ người chăm sóc. Hiện tại, một số mẫu mã yêu thích và được người chơi ưu ái đặt nhiều vẫn là tiểu cảnh kèm tượng Phật, trông huyền bí và cổ kính, tiểu cảnh bố trí dạng khu vườn nhỏ xinh xắn…
Chị Nguyễn Tiểu Ly, Phường 1, TP Cà Mau, chia sẻ: “Thật sự mình bị thu hút bởi tiểu cảnh Terrarium, nhìn rất sống động, vì nhỏ gọn, có thể đặt bất kỳ nơi nào thích như: góc kệ, phòng khách, bàn trang điểm, góc làm việc, học tập, hoặc phòng máy lạnh… Cảm giác khi có một góc nhỏ thiên nhiên trong nhà rất thư giãn đầu óc sau một ngày mệt mỏi, cũng giúp mình có động lực để sống xanh, sống hoà mình với thiên nhiên mỗi ngày”.
Thông thường, tuỳ bố cục và câu chuyện được bày trí sau tiểu cảnh mà mang một sắc thái câu chuyện khác nhau, nhưng phần lớn người chơi tiểu cảnh đều đồng ý rằng có cảm giác giải trí và thư giãn khi ngắm nhìn, đặc biệt khi tiểu cảnh kết hợp cùng tượng Phật còn mang tầng ý nghĩa phong thuỷ may mắn, nguồn năng lượng tích cực cho gia chủ./.
Nhi Ngô