(CMO) Kỳ họp thứ Bảy HĐND tỉnh khoá IX dự kiến sẽ thông qua 6 báo cáo của UBND tỉnh, khối tư pháp và MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau; thông qua 19 dự thảo nghị quyết và tờ trình trong đó có 9 tờ trình là nghị quyết quy phạm pháp luật. Ngoài ra, kỳ họp còn tập trung vào các nội dung lấy phiếu tín nhiệm đại biểu giữa nhiệm kỳ và nội dung chất vấn, trả lời chất vấn. Tất cả các nội dung này dự kiến đều được truyền hình trực tiếp để cử tri tỉnh Cà Mau theo dõi xuyên suốt.
Trên tinh thần đó, tại Phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND - phiên họp tập trung bàn sâu về Dự thảo lần thứ nhất Chương trình Kỳ họp thứ Bảy HĐND tỉnh khoá IX (dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới) vào ngày 7/9, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện nhấn mạnh: “Nội dung kỳ họp phải sát với thực tế, chú ý những vấn đề mà cử tri, xã hội quan tâm, cái nào phù hợp thì đưa vào, cái nào không cần thiết có thể lược bớt. Chương trình đảm bảo ngắn gọn, có trọng điểm, mà đặc biệt là chất lượng ban hành các nghị quyết”.
Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện chủ trì phiên họp. |
Theo Dự thảo, Kỳ họp dự kiến sẽ thông qua 6 báo cáo của UBND tỉnh, khối tư pháp và MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau; thông qua 15 dự thảo nghị quyết và tờ trình trong đó có 9 tờ trình là nghị quyết quy phạm pháp luật.
Ông Trần Hoàng Lộc, Phó giám đốc Sở Tư pháp, nêu ý kiến: “15 dự thảo nghị quyết về cơ bản là hết sức cần thiết với tình hình của địa phương. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật phải chặt chẽ, đúng trình tự, đúng luật định, căn cứ vào các văn bản pháp luật có hiệu lực hiện hành để đảm bảo tính hợp pháp, hợp hiến, hợp thực tế”.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, đề xuất: “Nên bổ sung một số nội dung dự thảo nghị quyết về đầu tư, thu hút doanh nghiệp phát triển nôn nghiệp công nghệ cao; mức chi về đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, việc thông qua một số nghị quyết như huy động thành lập quỹ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh cần phải hết sức lưu ý các quy định, chế độ hiện hành và điều kiện thực tế. Thời gian qua cho thấy, mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng hết sức khác nhau về nguồn lực này và có cả biểu hiện chưa tốt”.
Ông Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, lưu ý: “Trong nội dung dự thảo 15 nghị quyết, ngoài một số đã rõ ràng, một số vẫn chưa thật sự hoàn chỉnh về cơ sở pháp lý và hiệu lực thực thi. Do đó, các cơ quan được phân giao chủ trì nội dung dự thảo phải rà soát kỹ lưỡng, xác định rõ ràng căn cứ pháp lý, trước khi trình kỳ họp phải thực sự hoàn thiện”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (bên phải) cho rằng cần siết chặt khâu chuẩn bị, thẩm định, đánh giá các dự thảo nghị quyết. |
Theo đó, nghị quyết khi ban hành phải có hiệu lực và đảm bảo tính thực thi liên tục, xuyên suốt. Về những nội dung chuẩn bị cho kỳ họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cũng thống nhất: “Phải chuẩn bị nội dung có trọng tâm, trọng điểm, và đặc biệt là chất lượng của các dự thảo nghị quyết. Mỗi dự thảo cần phải được đảm bảo về quy trình, quy định xây dựng, có sự thẩm tra của cơ quan HĐND và được bàn bạc, thảo luận, đóng góp công khai, dân chủ và đa chiều. Thời gian qua, một số nghị quyết còn vướng ở căn cứ pháp lý hoặc hiệu lực, hiệu quả triển khai trong thực tế, do đó, cần siết chặt khâu chuẩn bị, thẩm định, đánh giá”.
Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện kết luận, ngoài 15 dự thảo nghị quyết và tờ trình, cần thiết phải bổ sung thêm 4 nội dung, trong đó đặc biệt tâp trung dự thảo nghị quyết liên quan đến việc tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; dự thảo nghị quyết về mức chi cho đào tạo nguồn nhân lực trong tỉnh. Để kỳ họp đạt chất lượng, tất cả mọi khâu, mọi công việc và người được phân giao phụ trách phải thể hiện được ý thức, tâm huyết, trí tuệ và năng lực trong thực thi nhiệm vụ./.
Quốc Rin