(CMO) Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt tăng mức phạt tiền, hình thức phạt bổ sung, đặc biệt là đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Tăng mức xử phạt là vậy, nhưng người điều khiển phương tiện vi phạm lỗi này vẫn còn phổ biến. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn giao thông thời gian qua.
Theo chân chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, Công an tỉnh Cà Mau trong một ca tuần tra đêm, mới thấy được nhiều trường hợp người tham gia giao thông chủ quan như thế nào. Chỉ trong vòng hơn nửa giờ đồng hồ tuần tra kiểm soát, Tổ tuần tra Phòng CSGT đường bộ đã xử lý 5 lái xe vi phạm nồng độ cồn. Đây đều là các trường hợp vi phạm lỗi nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Với lỗi vi phạm này, người vi phạm phải nộp phạt từ 3-4 triệu đồng, tạm giữ phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3-5 tháng.
Vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. |
Khi được hỏi vì sao lại uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện, đa phần người vi phạm đều có lý do. Anh Vũ Đức Anh (Phường 8, TP Cà Mau) trong trạng thái ngà ngà say, đôi mắt gần như nhắm nghiền, chia sẻ: “Cũng sợ là khi có rượu, bia trong người sẽ dễ gây tai nạn giao thông, nhưng do lâu lâu đi đám một lần nên có uống chút ít, vẫn cảm thấy trong người bình thường”.
Tương tự, anh Nguyễn Thanh Vũ (Phường 7, TP Cà Mau) có lý do rất đơn giản: “Có biết chạy xe mà có rượu, bia trong người sẽ bị phạt. Khi đi làm, lúc về chủ nhà có đãi nhậu chút ít, nhưng do nhà gần, chạy cũng chậm nên nghĩ là chắc không có chuyện gì”.
Đó là hai trong số rất nhiều trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Theo thống kê của các ngành chuyên môn, có đến 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Sẽ không khỏi giật mình khi số liệu báo cáo cho thấy, luỹ kế trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng tuần tra kiểm soát phát hiện số lỗi vi phạm nồng độ cồn là 3.261 trường hợp, tăng 1.541 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.
Trong đợt mở cao điểm tổng kiểm tra xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, tính đến ngày 1/7/2017, Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên 250 ca, phát hiện 275 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Đại uý Hồng Hoàng Biếu, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, Công an tỉnh Cà Mau, cho biết, trên cơ sở thực hiện kế hoạch của Ban Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị đã chủ động lên kế hoạch cụ thể, xác định kỹ những tuyến, địa bàn và thời gian trọng điểm để bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát. Qua hơn nửa tháng mở cao điểm, đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm. Qua đó, vừa góp phần mang lại hiệu quả đáng kể trong công tác đảm bảo trật tự giao thông, vừa nâng cao ý thức chấp hành các quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ
6 tháng đầu năm 2017, Cà Mau là một trong những địa phương đứng đầu về giảm số lượng người chết vì tai nạn giao thông trong cả nước, với tỷ lệ giảm trên 65%. Toàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ, làm chết 9 người, bị thương 73 người, trong đó tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 35 vụ, 6 người chết, bị thương 66 người.
Công tác phối hợp tuần tra kiểm soát luôn được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, tình hình giao thông vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn trong điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức được nguy cơ tiềm ẩn tai nạn của những cuộc vui nơi bàn nhậu.
Cũng theo Đại uý Hồng Hoàng Biếu, Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông quy định phạt rất nặng, đủ sức răn đe người vi phạm và họ cũng đã ý thức được vấn đề. Thế nhưng, do sự chủ quan, đặc biệt là do tâm lý, thói quen, hoàn cảnh của một bộ phận lớn người điều khiển phương tiện nên tình hình vi phạm về nồng độ cồn vẫn còn diễn ra khá phổ biến./.
Song Khuê