Những năm gần đây, thanh toán không tiền mặt đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế, xã hội. Không chỉ phổ biến tại trung tâm thương mại, siêu thị hay hệ thống bán lẻ, mô hình này còn len lỏi vào hội chợ, nơi vốn gắn liền với thói quen sử dụng tiền mặt từ trước đến nay. Việc áp dụng các phương thức thanh toán số đang mở ra chương mới hiện đại và minh bạch hơn cho thương mại Việt Nam.
Thay đổi tất yếu
Hội chợ truyền thống từ lâu đã là không gian giao thương sôi động, nơi tiểu thương và khách hàng quen với cảnh đếm tiền, trả tiền lẻ. Thế nhưng, khi công nghệ số phát triển, những hạn chế của tiền mặt ngày càng lộ rõ.
Chị Nguyễn Thị Phương, tiểu thương lâu năm, thường đi bán tại các hội chợ trong tỉnh, cho biết: “Hồi trước, mỗi lần đi bán là phải chuẩn bị cả xấp tiền lẻ để thối cho khách, lỉnh kỉnh lắm. Giờ khoẻ hơn nhiều, khách chỉ cần quét mã QR hay chuyển khoản là xong, vừa nhanh gọn vừa đỡ lo mất tiền lẻ hay nhầm lẫn”.
Không chỉ giúp giao dịch thuận tiện hơn, thanh toán không tiền mặt còn giảm thiểu rủi ro mất cắp, tiền giả và tăng cường sự minh bạch. Nhờ đó, các tiểu thương cũng dần thay đổi tư duy, tích cực sử dụng ví điện tử, mã QR để bắt kịp xu thế mới.
Mã QR để thanh toán được treo trước các gian hàng trong Hội chợ Thương mại và Ẩm thực vùng miền Sông Ðốc 2025.
Với khách hàng, thanh toán không tiền mặt giúp họ an tâm mua sắm mà không phải lo mang theo tiền mặt, đặc biệt trong các sự kiện đông người. Chị Phan Cẩm Nhung, Khóm 1, thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, khách hàng tại hội chợ hàng tiêu dùng Cái Ðôi Vàm, hào hứng: “Mua sắm kiểu này rất tiện, chỉ cần quét mã là xong, thanh toán thành công còn có loa báo liền, khỏi phải chờ xem tiền vô tài khoản chưa mới yên tâm đi về. Giờ lỡ quên mang tiền mặt cũng không lo nữa”.
Ông Lê Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, cho biết: “Thanh toán không tiền mặt không chỉ giúp tiểu thương buôn bán thuận lợi hơn mà còn mang lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp và người mua. Khi mọi giao dịch được thực hiện qua hệ thống điện tử, việc kiểm soát trở nên minh bạch, an toàn, giúp cả người bán lẫn người mua yên tâm hơn”.
Tại Hội chợ Thương mại và Ẩm thực vùng miền Sông Ðốc 2025, số lượng gian hàng chấp nhận thanh toán không tiền mặt tăng đáng kể. Mã QR xuất hiện trên hầu hết các quầy hàng, cùng với các điểm hỗ trợ khách hàng thanh toán điện tử.
Ông Lê Minh Thắng, Chuyên viên tín dụng Vietcombank Chi nhánh Cà Mau, cho biết: “Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiểu thương và khách hàng làm quen với thanh toán không tiền mặt. Các gian hàng có thể đăng ký miễn phí máy quẹt thẻ (POS) hoặc sử dụng mã QR liên kết với tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng cũng cung cấp các gói ưu đãi, hoàn tiền khi thanh toán qua ứng dụng, giúp khách hàng hưởng lợi và thúc đẩy thói quen sử dụng thanh toán số”.
Dù lợi ích của thanh toán không tiền mặt là rõ ràng, nhưng quá trình chuyển đổi này vẫn còn gặp nhiều thách thức. Một trong những rào cản lớn nhất là khả năng tiếp cận công nghệ của một bộ phận người dân. Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ người sử dụng thanh toán số đã tăng đáng kể trong 5 năm qua, nhưng vẫn còn nhiều người, đặc biệt là ở vùng nông thôn chưa quen với các ứng dụng ngân hàng số, ví điện tử. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ cũng là vấn đề. Nhiều hội chợ diễn ra ở vùng sâu, vùng xa, nơi Internet không ổn định, gây trở ngại cho việc thanh toán điện tử.
Giải pháp và triển vọng
Trước những lợi ích thiết thực, việc thúc đẩy hội chợ không tiền mặt không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu trong thời đại số. Theo kế hoạch của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2025-2030, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, 80% giao dịch tại các sự kiện thương mại, hội chợ sẽ được thực hiện qua phương thức thanh toán điện tử.
Ðể thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại các hội chợ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp tổ chức và các nền tảng thanh toán số.
Ông Lê Quán Thượng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Cà Mau, nhận định: “Hội chợ là kênh tiêu dùng quan trọng, nơi giao dịch diễn ra trực tiếp giữa người bán và người mua. Việc đẩy mạnh thanh toán điện tử không chỉ giúp tiểu thương mở rộng kinh doanh mà còn góp phần minh bạch hoá giao dịch, hạn chế gian lận tài chính”.
Thanh toán không tiền mặt mang đến sự tiện lợi, an toàn.
Nhằm hỗ trợ tiểu thương và người tiêu dùng tiếp cận phương thức thanh toán mới, các ngân hàng địa phương triển khai điểm hướng dẫn ngay tại hội chợ, giúp khách hàng làm quen với thao tác quét mã QR, chuyển khoản nhanh chóng. Ðồng thời, hàng loạt chương trình ưu đãi hấp dẫn từ ngân hàng và ví điện tử, như hoàn tiền, giảm phí giao dịch, cũng được triển khai, tạo động lực mạnh mẽ để người dân chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Cụ thể như, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) hỗ trợ hoàn tiền lên đến 5 triệu đồng/năm cho doanh thu qua mã QR, giúp tiểu thương giảm chi phí giao dịch. Tương tự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ưu đãi hoàn 50% giá trị chi tiêu khi mở thẻ mới, tạo động lực sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) mang đến chương trình “Ưu đãi liền tay - Mở ngay tài khoản” với tài khoản số đẹp, hoàn tiền, miễn phí lắp đặt mã QR, hỗ trợ tiểu thương tiếp cận công nghệ số. Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển (BIDV) cũng góp phần thúc đẩy xu hướng này khi hoàn phí 0,2% trên doanh số giao dịch qua POS và E-Merchant, giúp tối ưu hoá hoạt động kinh doanh.
Ngoài giúp tiểu thương giảm bớt gánh nặng tài chính, những chương trình này còn mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng hiện đại, phù hợp với xu hướng thương mại số hoá./.
Việt Mỹ