Thời gian qua sự xuất hiện của các mô hình du lịch cộng đồng tại Cà Mau nhờ tận dụng thế mạnh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cùng đa dạng sản vật từ rừng, từ biển… đã đưa ngành du lịch vùng đất cực Nam Tổ quốc không ngừng phát triển. 

Khác với những loại hình du lịch cần nhiều sự đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, du lịch cộng đồng tập trung khai thác các giá trị văn hóa bản địa và nếu biết cách liên kết với các yếu tố tự nhiên có sẵn, đây được xem là một loại hình du lịch bền vững với mức đầu tư tài chính hợp lý.

Không chỉ mang đến nguồn lợi nhuận cho chủ đầu tư, du lịch cộng đồng có khả năng lan tỏa những giá trị tích cực của địa phương và cải thiện đời sống người dân một cách hiệu quả. Du lịch sinh thái cộng đồng là một trong những hướng phát triển mới, giúp tạo nguồn sinh kế cho người dân, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Cà Mau chủ trương mở rộng các hoạt động du lịch cộng đồng như ngồi vỏ lãi len sâu vào hệ sinh thái rừng tràm ngập nước, tận mắt nhìn thấy nhiều loài chim, thú quý hiếm được ghi vào Sách đỏ Việt Nam; trải nghiệm dịch vụ câu cá trong rừng với các loài cá đồng như cá rô, lóc, trê…; trải nghiệm lấy mật ong tận trong khu rừng U Minh Hạ với phương tiện là xuồng ba lá.

 

Khu du lịch sinh thái cộng đồng tại Cà Mau hầu hết tập trung tại Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Thới Bình và thành phố Cà Mau, như Khu du lịch sinh thái cộng đồng Hương Tràm, Khai Long, Mũi Cà Mau…

Tour tham quan xuyên rừng bao gồm hoạt động dạo chơi trên những tuyến kênh bằng ca nô hoặc vỏ lãi, trải nghiệm những bãi nuôi hàu lồng của người dân Đất Mũi, tham quan khu vực bãi bồi… Đặc biệt, du khách sẽ được trải nghiệm những chiếc cầu khỉ được bắc xuyên qua dưới những tán rừng đước nguyên sinh, mang đậm chất miền Tây.

Đứng trước những lợi thế “trời ban”, mô hình du lịch cộng đồng tại Cà Mau vẫn đứng trước một số thách thức nhất định. Đầu tiên là đối mặt với những thách thức mới về môi trường trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Kết cấu hạ tầng giao thông, đê, kè tại các khu, điểm du lịch đang có sức hút với nhiều du khách như: Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Khu du lịch Khai Long, Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau chịu không ít thiệt hại bởi nhiều đoạn bờ biển bị sạt lở. 

Về năng lực cạnh tranh của Cà Mau nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung chưa vượt trội để cập nhật nhanh chóng các xu hướng nhu cầu du lịch mới, tạo ra những sản phẩm đủ hấp dẫn, đáp ứng đúng nguyện vọng và làm hài lòng du khách.

Nguồn nhân lực chủ yếu tận dụng lao động gia đình, chưa được đào tạo bài bản về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, trình độ học vấn một số nơi còn thấp. Công tác tiếp thị, quảng bá du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa thu hút khách...

Rào cản lớn nhất ảnh hưởng tính hiệu quả của loại hình du lịch này là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện tại cơ sở hạ tầng, giao thông đến các điểm du lịch cộng đồng vẫn còn nhiều trở ngại; chưa đủ đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách vào dịp cuối tuần, mùa cao điểm.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhằm đưa du lịch cộng đồng Cà Mau phát triển, thiết nghĩ cần tăng cường quản lý phát triển du lịch theo hướng bền vững. Trong đó, chú trọng hài hòa lợi ích của 4 nhà: Nhà đầu tư – nhà quản lý – người dân – khách du lịch.

Tổ  chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nhân lực du lịch đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.  Về lâu dài, cần xây dựng trung tâm đào tạo lao động du lịch cho tỉnh Cà Mau để tạo điều kiện cho cộng đồng thuận lợi nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, chủ động phát triển du lịch.

Khuyến khích các đơn vị kinh doanh du lịch cộng đồng thay đổi phương thức quảng bá và tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, điểm dịch vụ, như: Tăng cường các hoạt động tặng quà lưu niệm cho du khách; Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá thông qua các trang website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok,...), hệ thống thông tin đại chúng và đường dây hỗ trợ khách du lịch; Chú trọng quảng bá theo kịp các xu hướng hiện đại như livestream, tổ chức các cuộc thi quy mô nhỏ (văn nghệ-đặc biệt là loại hình đờn ca tài tử, trò chơi dân gian, nghề truyền thống, thể dục thể thao…) dành cho khách du lịch mọi lứa tuổi tại các điểm dịch vụ, du lịch… trên địa bàn toàn tỉnh./.

 

Minh Thư – Ánh Ngọc