Trong sự yên ắng, trang nghiêm nơi cửa Phật, đâu đó lại vang lên tiếng trẻ con nô đùa xen lẫn tiếng khóc. Sự hoà huyện âm thanh khiến bất cứ ai khi đặt chân đến đây đều thấy chạnh lòng.

Nơi đó là Niệm Phật đường Hưng Phước, toạ lạc tại ấp Lung Dừa, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, còn có tên gọi khác là Trung tâm Nuôi trẻ mồ côi Hưng Phước, do nữ tu sĩ Thích nữ Diệu Tánh làm trụ trì.

Sư cô Diệu Tánh sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Khi còn nhỏ có tên tục là Lý Phương Tuyền, mồ côi cha mẹ khi mới lên 10, sống cùng với ông bà và đứa em nhỏ. Dù còn nhỏ tuổi nhưng sư cô đã có suy nghĩ phát nguyện đi tu, nhưng vì thấy em mình còn nhỏ nên chưa thực hiện được ý nguyện. Đến năm 17 tuổi sư cô Diệu Tánh chính thức quy y cửa Phật.

Sư cô Diệu Tánh chia sẻ: "Vốn là trẻ mồ côi nên hơn ai hết bản thân luôn hiểu và đầy sự cảm thông với các cháu. Chính vì thế, vào  năm 2008, với sự hỗ trợ của các phật tử, Niệm Phật đường chính thức ra đời. Đây cũng là thời điểm tôi phát tâm thiện nguyện nhận nuôi dưỡng những trẻ bị bỏ rơi".

Theo sư cô Diệu Tánh, đến với trẻ mồ côi là một cái duyên thì việc duy trì Niệm Phật đường này cũng là một cái duyên, bởi công việc nuôi dạy trẻ không đơn giản. Sư cô nhớ lại, những ngày đầu mới thành lập, Niệm Phật đường tiếp nhận đứa trẻ đầu tiên là trẻ sơ sinh. Lúc ấy, do chưa có kinh nghiệm nuôi trẻ nên việc chăm sóc bé đối với sư cô vô cùng khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các phật tử là người địa phương, công việc này ngày càng quen thuộc và số trẻ được nhận nuôi cũng tăng lên.

Các trẻ bị bỏ rơi nếu trong người có giấy chứng sinh thì được sư cô đặt tên và lấy họ theo giấy chứng sinh. Còn nếu không có thì sẽ lấy họ Lý theo họ của sư cô ngoài đời. Việc đặt tên cho các bé khi được tiếp nhận cũng cho thấy sự quan tâm của một nữ tu sĩ đối với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Các tên được lựa chọn đều mang hàm ý mong muốn các con có được tương lai tốt đẹp, là người có ích cho xã hội như: Thịnh, Phát, Thảo, Hạnh, Ngọc, Phước, Quang...

Mỗi năm Niệm Phật đường tiếp nhận 3-4 đứa trẻ bị bỏ rơi. Đến nay, đã có 36 trẻ được nuôi dưỡng, trưởng thành.

Không chỉ chăm lo cho các bé ăn no, mặc ấm, Sư cô Diệu Tánh còn mong muốn các bé có những kiến thức nhất định đến từ hệ thống giáo dục chính quy để có thể phát triển toàn diện. Chính vì thế, bất cứ đứa trẻ nào đến độ tuổi đi học đều dược sư cô cho đến trường và ngày ngày có người đưa đón. Hiện tại, ngoài các bé đang theo học các cấp học trong tỉnh, có 4 trẻ đang theo học cử nhân, trung cấp Phật học tại các tỉnh lân cận.

Tôi tìm đến Niệm Phật đường vào một ngày cuối tuần, bắt gặp các em nhỏ đang chơi đùa, cười nói vui vẻ, hồn nhiên. Không gian niệm phật đường thoáng mát, bình yên như chính cuộc sống yên bình của các bé hiện tại. Gặp khách, các bé chào hỏi rất lễ phép, đó là kết quả sự dạy dỗ chu đáo từ các sư cô, những người mà các bé đã xem như là mẹ, là gia đình của mình.

 

Dù rất yêu thương, chăm sóc, nhưng nơi đây cũng có những “kỷ luật” khá nghiêm ngặt để uốn nắn các bé theo nền nếp. Đặc biệt là giờ giấc và những sinh hoạt của bản thân.

Trưởng thành nơi cửa Phật, trong tình yêu thương nên các bé luôn biết cách yêu thương, xem nhau như anh chị em một nhà. Có lẽ thấu hiểu được sự cực khổ của các sư cô, nên các bé lớn tự biết trông giữ em, tắm rửa cho các bé nhỏ...

Một ngày ở Niệm Phật đường Hưng Phước, tận mắt chứng kiến cảnh các bé sinh hoạt, học hành, vui chơi, chúng tôi hoàn toàn không thể hình dung đây đơn thuần là một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, một địa chỉ nhân đạo, mà đó chính là một gia đình.

"Minh Hậu chưa đầy 10 tuổi, mỗi khi thấy người lạ đến là nó ôm Minh Phát mới 11 tháng tuổi không buông; cặp mắt bồn chồn, lo lắng dõi theo những vị khách không thôi. Dù không là anh em ruột thịt nhưng Minh Hậu rất thương Minh Phát, nó sợ có người đem Minh Phát đi".

"Diệu Hạnh năm nay hơn 18 tuổi, dù phát triển trí não kém hơn những đứa trẻ bình thường, nhưng với các em nhỏ hơn luôn có sự trìu mến khi tiếp xúc. Diệu Hạnh chăm em, lo lắng cho các em như một người chị đúng mực", Sư cô Diệu Tánh chia sẻ.

Một điều khá đặc biệt, với Sư cô Diệu Tánh, mỗi bé đều có những cách xưng hô khác nhau. Có đứa gọi "sư phụ", có đứa gọi "cha", có đứa kêu "mẹ". Tìm hiểu mới biết, sự xưng hô ấy xuất phát hoàn toàn từ các bé. Sư cô Diệu Tánh giải thích: "Các bé thích gọi thế nào thì gọi, tôi chịu hết. Hai tiếng "cha, mẹ" rất thiêng liêng, khi gặp những đứa trẻ khác kêu cha, kêu mẹ, các bé cũng bắt chước kêu theo. Thấy các bé cũng thích thú cới cách xưng hô này nên tôi không sửa làm gì. Tôi nghĩ, chỉ là cách xưng hô nhưng biết đâu có thể bù đắp khoảng trống sự thiếu thốn tình thân ở các bé", Sư cô Diệu Tánh trải lòng.

Sư cô Diệu Liên chia sẻ: Đa phần các bé khi bị bỏ rơi đều còn rất nhỏ nên việc chăm sóc rất khó khăn. Có những lúc 3-4 đứa cùng ngã bệnh, các sư cô phải thay nhau chăm sóc, thuốc men.

Hiện tại, Niệm Phật đường có 4 sư cô cùng chung tay nuôi dưỡng các bé mồ côi. Việc làm thiện nguyện ý nghĩa này được sự ủng hộ và giúp sức từ các Phật tử gần xa. 

Văn Đum

Trình bày: Lê Tuấn