Những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn thế giới với tính chất ngày càng cực đoan và nghiêm trọng. Sự nóng lên toàn cầu dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết tiêu cực như nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, sạt lở, lún sụt... ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện trạng này tác động trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người, trong đó trẻ em là đối tượng dễ chịu tổn thương nhất.

Đợt hạn hán mùa khô năm 2023-2024, huyện Trần Văn Thời là tâm điểm bị khô hạn, sạt lở, sụt lún đất rất nghiêm trọng với nhiều điểm sạt lở, sụt lún đất, lộ nông thôn bị chia cắt, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, sinh hoạt, đi lại của hàng chục ngàn hộ dân.

Tổng kinh phí 5.324.410.000 đồng, tương đương 210.684 USD.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 7/2024 đến ngày 28/2/2025.

Địa bàn thực hiện: 6 xã thuộc 2 huyện, gồm: xã Khánh Bình Tây, xã Khánh Bình Tây Bắc và xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời; xã Trần Phán, xã Quách Phẩm Bắc và xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi.

Mục tiêu của Dự án: “Giảm thiểu tác động có yếu tố giới của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long”, cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch và sinh kế bền vững cho phụ nữ dễ bị tổn thương.

Dự án "Nước là sự sống" tập trung vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức kết hợp hỗ trợ các thiết bị trữ nước, lọc nước và tưới tiêu tiết kiệm nhằm ngăn ngừa và ứng phó với những rủi ro gia tăng bạo lực đối với phụ nữ trong bối cảnh thiên tai, đồng thời giúp phụ nữ cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ xử lý nước, lưu trữ nước, cải thiện sinh kế và tăng thu nhập. 

Dự án không chỉ hỗ trợ các thiết bị thiết yếu cho người dân mà còn giúp chính quyền địa phương liên kết với các nhà đầu tư khu vực tư nhân trong lĩnh vực công nghệ xử lý nước, tiết kiệm nước để có giải pháp lâu dài ứng phó với các thảm hoạ liên quan đến vấn đề nước do biến đổi khí hậu gây ra.

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu, là yếu tố quyết định đến chất lượng cuộc sống…  Đến nay, Dự án đã triển khai tại 6 xã, 65 ấp; có 519 hộ nghèo; 390 hộ cận nghèo; 1.264 hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ. Trong đó, hỗ trợ thiết bị thu trữ nước, xây đế để bồn (3,4 triệu đồng/hộ), tổng kinh phí hỗ trợ 600 hộ là 2 tỷ 040 ngàn đồng).

Gia đình bà Phạm Thị Hân, ấp Cơi Tư, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời gồm nhiều thế hệ cùng chung sống, con trai làm nghề phụ hồ, con rể và con gái làm thuê cũng bấp bênh. Cuộc sống phụ thuộc chủ yếu vào 3 công đất trồng lúa do cha mẹ để lại, nhưng canh tác không ổn định, nếu gặp hạn hán không có nước tưới thì ruộng đành bỏ trống, còn khi trời mưa nhiều thì lúa bị ngập úng, mùa màng mất trắng. Cuộc sống khó khăn quá nên các con bà phải đi làm thuê đủ nghề để kiếm sống qua ngày.

Khi chưa được Dự án hỗ trợ bồn nước, mỗi tháng gia đình bà Hân phải mua nước sinh hoạt với chi phí 40-50 ngàn đồng, mùa nắng có khi lên đến 100-200 ngàn đồng. Thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô nên cả nhà phải đi đổi từng can nước về sử dụng, rất vất vả. Được Dự án hỗ trợ bồn chứa nước, gia đình bà yên tâm về nước sinh hoạt.

Gia đình chị Phạm Thị Huệ, ấp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc có 4 đứa con, đứa lớn 14 tuổi, nhỏ nhất 36 tháng, cuộc sống rất chật vật. Những năm trước, mùa khô đến, cả nhà luôn chịu cảnh thiếu nước uống, sinh hoạt vô cùng khó khăn.

Mấy năm trước, cứ vào mùa khô là gia đình chị thiếu nước trầm trọng, mấy mẹ con phải chắt chiu từng giọt nước. Nhờ chị em Hội Phụ nữ quan tâm đề nghị Dự án “Nước là sự sống” hỗ trợ 1 bồn chứa nước 1.000 lít và các thiết bị thu trữ nước, Dự án còn hỗ trợ xây đế để bồn để người được nhận bồn sử dụng lâu dài, chị em trong đoàn tài trợ còn đến tận nhà giúp chị lắp đặt bồn.

Dự án “Nước là sự sống” không chỉ mang lại bồn chứa nước mà còn trao niềm vui, sự an tâm và hy vọng về cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn. Những hộ gia đình khó khăn giờ đây có thể chủ động hơn trong mùa khô hạn, không còn cảnh chạy vạy mua từng can nước, hay lo lắng mỗi khi nắng nóng kéo dài. Nước sạch và những chiếc bồn trữ nước được trao đi không chỉ giúp giải quyết cơn khát, mà còn thể hiện tinh thần quan tâm, sẻ chia trong cộng đồng. Dự án “Nước là sự sống” thực sự mang lại những thay đổi tích cực cho người dân Cà Mau, giúp họ vượt qua khó khăn và hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

4 xã: Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời); Trần Phán, Quách Phẩm Bắc (huyện Đầm Dơi) với 200 hệ thống tưới tiêu được hỗ trợ cho những hộ gia đình phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ khuyết tật… Mỗi hệ thống trị giá 10 triệu đồng (trong đó tổng kinh phí hỗ trợ cho 200 hộ là 2 tỷ đồng)… Bà con phấn khởi khi được Dự án quan tâm. Nhờ hệ thống tưới tiêu này, năng suất hoa màu của các hộ gia đình cũng tăng lên, góp phần phát triển kinh tế và giảm nghèo trên các địa bàn triển khai thực hiện Dự án.

Bà Nguyễn Kim Lên, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Trước đây, bà con phải tự gánh nước tưới, rất cực nhọc. Nay nhờ hệ thống tưới tiêu từ Dự án, việc canh tác thuận lợi hơn rất nhiều. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ các hộ nghèo bồn chứa nước để sử dụng, giảm khó khăn về nước trong mùa khô. Khu vực huyện Trần Văn Thời thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, nên sự hỗ trợ này thực sự quý báu và ý nghĩa”.

Hộ Chị Nguyễn Thị Đượm, 57 tuổi, ở ấp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, có mô hình trồng rau tía tô trên 7 năm. Trên diện tích khoảng 300 m2 trồng rau tía tô, hằng ngày chị cần nguồn nước tưới khá lớn. Trước đây, mỗi ngày chị tưới khoảng 3 lần, không dưới 10 lần gánh nước.

Tiết kiệm được thời gian và công sức tưới nước, chị Đượm mở rộng thêm diện tích trồng rau, nâng cao năng suất và chất lượng. Rau đủ nước, phát triển tốt, bán được giá hơn, giúp kinh tế gia đình ổn định. Dự án "Nước là sự sống" không chỉ giúp các hộ dân có nước sạch sinh hoạt mà còn hỗ trợ sinh kế, giúp người dân trồng trọt hiệu quả, từng bước thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.

Tương tự như chị Đượm, gia đình chị Nguyễn Thị Đoàn, ấp Cơi 6A, xã Khánh Bình Tây, cũng được nhận hệ thống tưới tiêu trị giá 10 triệu đồng của Dự án “Nước là sự sống”. Với 2 công đất canh tác, chị trồng rau diếp cá trên 2 năm nay. Với đầu ra mỗi ngày trên 25 kg rau, hằng tháng thu nhập trên 6 triệu đồng, tiền điện mỗi tháng từ sinh hoạt gia đình và tưới tiêu khoảng 180 ngàn đồng.

Vợ chồng chị còn biết tận dụng công nghệ sẵn có trên thị trường, kết hợp với sự sáng tạo của bản thân để cải tiến hệ thống tưới, giúp việc canh tác rau diếp cá trở nên thuận tiện hơn. Đây cũng là một minh chứng cho thấy nông dân hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ vào sản xuất mà không cần đầu tư quá nhiều chi phí.

Vợ chồng chị Đoàn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nhà tài trợ và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã kết nối, hỗ trợ để chị có cơ hội tiếp cận với công nghệ hiện đại. Sự sáng tạo và chủ động của vợ chồng chị không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân nông thôn. 

Mục tiêu hướng đến 2030 của Dự án là đảm bảo an ninh nguồn nước, ngăn ngừa và ứng phó với những rủi ro gia tăng bạo lực đối với phụ nữ trong bối cảnh thiên tai, thúc đẩy nam giới chia sẻ công việc nhà, chăm sóc gia đình với phụ nữ, bình đẳng trong gia đình và cộng đồng.

Việc triển khai Dự án chặt chẽ và hỗ trợ các hoạt động thiết thực cho phụ nữ từ Hội LHPN tỉnh Cà Mau và UN Women không chỉ giúp người dân cải thiện đời sống mà còn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu những tác động có yếu tố giới của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn.

Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau, mong muốn thời gian tới Đại sứ quán Nhật Bản và Tổ chức UN Women tiếp tục quan tâm ưu tiên nguồn lực hỗ trợ Cà Mau cải thiện nhiều hơn về vấn đề nước, nhất là cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn, các xã ven biển; hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, tạo môi trường sống an toàn cho phụ nữ và có sinh kế bền vững, chung sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Hoàng Vũ

Thiết kế: Lê Tuấn