Năm 2020, cùng lúc, tỉnh Cà Mau vinh dự có 02 nghề truyền thống được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia: Nghề muối ba khía và nghề gác kèo ong. Ngược dòng thời gian, theo dấu chân tiền nhân buổi khẩn hoang, mở đất về xứ Cà Mau với cảnh “Rừng thiêng, nước độc, thú bầy/ Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội đầy tợ bánh canh”, đầy hào sảng nhưng cũng lắm gian truân, trắc trở. Cư dân lấy nghề “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” để nương tựa, “tri hành” trong cuộc mưu sinh gian lao buổi đầu ấy. Nghề gác kèo ong và muối ba khía cũng hình thành, lưu giữ và có những biến tấu thú vị suốt dọc dài lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Cà Mau.
Sử liệu còn ghi lại, Cà Mau là nơi nhiều rừng trầm thuỷ (ngập nước), mà nhiều nhất chính là rừng tràm, rừng đước. Gần như cùng lúc với sự xuất hiện của con người, nghề ăn ong đã hình thành. Dần dà, nghề ăn ong phát triển mạnh, trở thành làng nghề gọi là “thuộc hoàng lạp”. Thời ấy, người ăn ong, làng nghề ăn ong phải nộp thuế về triều đình nhà Nguyễn, không phải là mật ong mà là sáp ong vàng. Loại sáp ong vàng vùng U Minh Hạ Cà Mau được lựa chọn để “tiến Vua” không phải là sự ngẫu nhiên. Tri thức của người xưa đã sớm ứng dụng sáp ong trong nhiều lĩnh vực như chế biến dược liệu, hương liệu, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ cao cấp. Nhà Nam Bộ học Sơn Nam còn cung cấp thêm một thông tin thú vị: Thời xưa, nếu người ta có ý muốn hối lộ, đút lót ai đó thì có luôn từ gọi là “đút sáp”.
Nghề ăn ong vì thế không chỉ là nghề mưu sinh đơn thuần, mà còn đã kiến tạo nên một nét văn hoá, một niềm tự hào lớn lao cho cộng đồng.
Nghề ăn ong ở Cà Mau có tính chất kế tục, truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác với cả một kho tàng tri thức, kinh nghiệm phong phú. Ban đầu, cư dân chủ yếu là khai thác nguồn lợi ong thiên nhiên sẵn có, dần dà, công việc ấy đã được con người nâng lên tầm mức mới với việc gác kèo dụ ong về làm tổ, vạch định ranh giới khai thác hài hoà giữa những người/làng nghề ăn ong, bớt đi phần nhọc nhằn và gia tăng năng suất lao động. Nếu ong là nguồn lợi quý giá của thiên nhiên, thì chính bàn tay, khối óc, sự sáng tạo của chủ thể con người đã làm nên nét văn hoá độc đáo của nghề ăn ong.
Nghề ăn ong là nghề có cả một kho tàng tri thức, kinh nghiệm phong phú, độc đáo với những bí quyết riêng được trao truyền, bồi tụ qua nhiều thế hệ con người vùng U Minh Hạ. Khi mật ong U Minh Hạ trở thành sản vật có giá trị, giàu tính ứng dụng, nghề ăn ong nở rộ nhưng vẫn bất di, bất dịch về những quy tắc và văn hoá ứng xử của con người với thiên nhiên. Trong sách “Cà Mau xưa” của tác giả Huỳnh Minh – Nghê Văn Lương có nhắc tới nghề ăn ong. Người ăn ong gọi là thợ, được kết nối với nhau bằng tổ chức gọi là phong ngạn. Những người ăn ong có quy ước, giao kèo riêng với nghề, có thể gọi nôm na là “đạo đức nghề nghiệp” khi ăn ong.
Kinh nghiệm, bí quyết của những thợ ăn ong lâu năm xứ U Minh Hạ vô cùng kỳ thú. Kèo ong tốt nhất là kèo tràm, gác chênh chếch xong thì phải “rửa”, tức là phát quang. Ong không ưa chỗ bóng rợp, vì mật thường chua và dễ bị ẩm tổ. Kèo phải cũ, tiệp màu với cây rừng, ong mới dạn đóng. Người gác kèo ong sành điệu, biết rằng kèo mới, còn mùi dao búa, kim khí thì ong rất kị. Thợ ăn ong phải giữ đúng những quy ước, giao kèo đó là khi cắt mứt mật ong, phải giữ lại chừng 1/3 tổ để bầy ong khôi phục lại. Hàng năm, phải có lễ cúng bái tạ ơn thổ công, thần rừng, tiền nhân, coi như dịp để tự nhắc nhở nhau về sự hàm ơn thiên nhiên, giữ gìn những giá trị tốt đẹp của nghề nghiệp.
Để thấy rằng nghề ăn ong không hề dễ dàng với những ai muốn ăn xổi. Và nghề ăn ong ở rừng tràm U Minh Hạ, như chính lời cảm thán của nhà văn Đoàn Giỏi: “Trong kho tàng kinh nghiệm của những nhà nuôi ong trên thế giới ghi chép trong các sách vở mà tôi nghe thầy giáo tôi kể, không thấy có nơi nào nói đến việc lấy mật bằng cách gác kèo như má nuôi tôi đã kể...”.
Vùng U Minh Hạ ngày nay (gồm huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời) không chỉ gìn giữ được nghề xưa, mà còn đã nâng tầm giá trị của nghề di sản ăn ong. Ong U Minh Hạ trở thành sản vật vang tiếng xa gần, tài nguyên quý giá trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở lĩnh vực du lịch.
Anh Phạm Duy Khanh, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, chủ điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Mười Ngọt là một trong những người trẻ lựa chọn giữ gìn, phát huy nghề ăn ong trở thành sản phẩm du lịch chiến lược của gia đình. Năm 2015, gia đình anh Khanh từ Cái Nước về Khánh Bình Tây Bắc mua lại 60 ha đất rừng hoang hoá, nghèo kiệt để trồng tràm và khởi đầu giấc mơ làm du lịch.
Rừng tràm không phụ lòng người. Hiện nay, chỉ riêng nguồn mật từ gác kèo ong và ong ruồi thiên nhiên, anh Khanh thu về trên 1.000 lít mật mỗi năm. Du khách trong và ngoài nước tìm về điểm du lịch Mười Ngọt cũng vì nghề ăn ong độc đáo này. Chịu khó học hỏi người đi trước, anh Khanh vẫn giữ cho mình tâm thế biết ơn, trả ơn những gì mà rừng tràm mang lại cho bản thân: “Nghề gì cũng vậy, như ăn ong thì mình phải trồng tràm, phải dưỡng sức cho bầy ong, khai thác cũng phải có những ước định bất di bất dịch”.
Từ câu chuyện chia sẻ của anh Khanh, mới biết thêm nhiều điều về nghề ăn ong trong kinh nghiệm dân gian truyền lại. Mật ong hảo hạng nhất là vào mùa khô, đặc biệt là khi mùa tràm nở rộ. Khi ăn ong, tốt nhất là dùng cật tre để cắt tàn ong, không dùng dao vì có mùi kim khí. Khi ăn ong, người thợ còn kiêng kị nhiều thứ như quan hệ vợ chồng, tang chế... bởi những điều này có thể làm bầy ong trở nên hung dữ, tấn công người thợ. Thêm nữa, buổi ăn ong thường chỉ có vài tiếng sáng sớm khi trời dịu, cây rừng đã tạnh ráo, không còn nước mưa hoặc sương đọng. Nếu đi ăn ong sau trời mưa hoặc buổi nắng chói dễ kích động bầy ong hung hăng, nếu lấy được cũng ít mật và mật không chất lượng.
Không nói quá, khi khẳng định nghề ăn ong là nghề di sản kết tinh nghệ thuật ứng xử của con người vùng U Minh Hạ với thiên nhiên; là sự tri ân, vinh danh loại sản vật độc đáo, hảo hạng của rừng tràm; là nghề không chỉ của tiền nhân thời khẩn hoang, mở đất mà còn là tài sản quý giá cho lớp người hôm nay, mai sau tự hào để giữ gìn, phát huy.
Trải qua bao thăng trầm thời cuộc, nghề ăn ong ở Cà Mau vẫn vẹn nguyên những giá trị văn hoá và thực tiễn. Nhiều nơi ở U Minh, Trần Văn Thời không chỉ khôi phục mà còn phát triển nghề ăn ong trở thành sản phẩm du lịch, đưa sản vật mật ong U Minh Hạ vang xa khắp chốn. Khi từ giã, anh Khanh nói với chúng tôi rằng: “Mấy trăm năm qua hay bao nhiêu lâu về sau nữa, khi về U Minh Hạ, người ta vẫn sẽ nhớ, sẽ biết, sẽ yêu nghề ăn ong, mật ong của xứ sở này”. Và nghề ăn ong, mật ong U Minh Hạ sẽ mãi mãi là niềm tự hào, vẻ đẹp riêng có của rừng tràm, của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc.
Thiết kế: Hải Nguyên - Ảnh: Huỳnh Lâm - Đồ hoạ: Lê Tuấn