Từ khối óc, bàn tay tài hoa, cư dân Cà Mau trong quá trình lao động đã kết tinh những giá trị của quê hương thành nhiều mặt hàng, sản vật vang tiếng xa gần. Có thể điểm qua hàng loạt những nghề truyền thống làm nên niềm tự hào xứ sở như: đan đát, tôm khô, bánh phồng tôm, muối ba khía, dưa bồn bồn, ép chuối khô, vót đũa, dệt chiếu, làm mắm, cá khô...

Nhiều người ngạc nhiên khi nói về những nghề và làng nghề truyền thống ở vùng đất mới phía địa đầu cực Nam Tổ quốc. Nhưng không hề nói quá một chút nào khi khẳng định, những nghề truyền thống đã góp nên hương sắc độc đáo, riêng có của Cà Mau.

Về Thới Bình, U Minh, có dịp ghé những làng nghề đan đát nức tiếng như Tân Bằng, Biển Bạch Đông, Nguyễn Phích... du khách sẽ có dịp lắng nghe ước mơ nối dài của cây trúc, cây tre hôm nay.

Nguyên liệu tre, trúc và những làng nghề đan đát hầu như rải đều khắp dọc dài đất nước. Ở Cà Mau, không có tài liệu nào mô tả chính xác về thời điểm hình thành nghề đan đát. Trong hồi ức xa xưa của những bậc cao niên, khi dòng lưu dân về lập xóm, lập làng ở Cà Mau thì nghề đan đát theo đó cũng hình thành.

Những mặt hàng chủ lực của nghề đan đát ở Cà Mau là mê bồ, cần xé cho nghề nông và những vật dụng sinh hoạt thông dụng như: Rổ, nia, sịa, thúng... Kỹ thuật đan đát của cư dân Cà Mau cũng không thua kém bất kỳ nơi nào, vừa tinh xảo, thẩm mỹ vừa hữu dụng trong thực tiễn lao động sản xuất và sinh hoạt. Từ việc làm các sản phẩm để phục vụ nhu cầu đời sống, các mặt hàng đan đát tại Cà Mau hiện nay đã trở thành các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị thương mại trong du lịch và xuất khẩu.

Trong khi giá trị nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một thì nghề muối ba khía muối ở Cà Mau lại được duy trì, phát triển mạnh mẽ. Từ những món ăn dân dã của người Cà Mau, ba khía muối giờ đã trở thành sản vật có tính đại diện cho Cà Mau.

Hiện nay, huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển là những địa phương đã vực dậy được sức sống của nghề truyền thống một cách hiệu quả. Điều đáng trân quý hơn, giữ lửa và nâng tầm cho nghề truyền thống của quê hương là những người trẻ, dám nghĩ, dám làm. Trong đó, không thể không nhắc đến cô Xa “Ba Khía” (Trần Thị Xa, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi); anh Sang “Ba Khía” (Châu Ngọc Sang, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) là những người đã đưa vị ngon độc đáo của ba khía muối Cà Mau đi xa khắp nẻo bằng tâm huyết và đam mê cháy bỏng.

Từ con tôm hảo hạng của Cà Mau, nhiều làng nghề làm tôm khô nở rộ. Nhưng lâu đời nhất, danh tiếng nhất vẫn là con tôm khô vùng Năm Căn, Ngọc Hiển. Không chỉ tôm khô, những mặt hàng như bánh phồng tôm, tôm khô lụi cũng dần được trở thành thức quà đặc sản mà du khách hết sức ưa chuộng khi về với Cà Mau.

Vừa đậm đà nét truyền thống nhưng cũng ứng dụng tối đa tiến bộ của khoa học kỹ thuật, từ đó những làng nghề tôm khô, bánh phồng tôm không chỉ tồn tại mà còn bừng lên sức sống mới. Không còn là thức quà quê mộc mạc, tôm khô, bánh phồng tôm Cà Mau giờ đã được gắn sao OCOP, xuất hiện trên các kệ hàng sang trọng trong các siêu thị, hiện diện khắp thị trường trong và ngoài nước.

Những mặt hàng nghề truyền thống ở Cà Mau có được hướng đi mới từ việc gắn với đà phát triển du lịch nhanh, mạnh của địa phương. Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP cũng tạo nên cú hích mới cho diện mạo, sức sống của các làng nghề truyền thống.

Dưa bồn bồn Cái Nước là một ví dụ sinh động. Bồn bồn Cái Nước đã được công nhận và bảo hộ thương hiệu, gắn với đó là không khí sôi động của các làng nghề ở Tân Hưng Đông, Đông Hưng. Người nông dân Cái Nước không chỉ có sinh kế ổn định, làm giàu từ cây bồn bồn mà còn mang cả niềm tự hào xứ sở lan toả khắp muôn phương.

Nhiều nghề truyền thống khác ở Cà Mau như ép chuối khô, vót đũa, làm mắm... đang có những chuyển biến mau lẹ, vừa giữ được nét xưa nhưng cũng hết sức linh động hội nhập theo thị hiếu và nhu cầu thị trường. Nghề truyền thống ở Cà Mau trăm năm vẫn tràn đầy sức sống, không chỉ làm giàu cho người dân mà còn lưu giữ, phát huy được những giá trị đặc sắc trong đời sống văn hoá tinh thần của xứ sở. Đó là tài sản, tài nguyên quý giá cho mục tiêu xây dựng quê hương Cà Mau giàu đẹp, phồn vinh. Là lời mời gọi chân tình, hào sảng, đầy sức cuốn hút để người về Cà Mau thêm vấn vương, say đắm.

 

Thiết kế: Hải Nguyên; Ảnh: Huỳnh Lâm; Đồ hoạ: Lê Tuấn