Mùa khô 2023-2024 được xem là mùa hạn lịch sử, khốc liệt nhất trong những đợt hạn kéo dài gần đây (2015-2016, 2019-2020) khi mùa mưa kết thúc sớm, mùa khô kéo dài. Mãi đến đầu tháng 5 này mới xuất hiện vài cơn mưa giải nhiệt. Những con kênh vùng ngọt khô cạn hoàn toàn, lộ giao thông sụt lún, xuất hiện nhiều vùng "khát nước", xảy ra một số vụ cháy rừng… Bức tranh mùa hạn năm 2024 để lại nhiều hậu quả việc khắc phục gặp nhiều khó khăn.

Ngay khi mùa mưa năm 2023 chưa kết thúc, Cà Mau đã phát đi cảnh báo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến nguy cơ hạn hán kéo dài và tỉnh cũng đã có những khuyến cáo trong việc giữ nước ứng phó hạn mặn. Các cống vùng ngọt được khép kín, các đập vùng rừng U Minh Hạ  lần lượt được đắp lại.  Tuy nhiên, hạn hán kéo dài và nắng nóng vượt mức dự báo nên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Rốn hạn tập trung vào 9 xã, thị trấn vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, áp lực gây cháy rừng toàn vùng U Minh Hạ và rừng cụm đảo; hàng ngàn hộ gia đình không còn nước ngọt phục vụ đời sống hằng ngày.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, cho biết, nắng nóng, hạn hán kéo dài khiến cho lượng nước trên các kênh khô cạn không còn phản áp, gây ra sụp lở đất các tuyến đường nông thôn trong vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh, ảnh hưởng rất lớn giao thông thuỷ, bộ.

Theo số liệu cập nhật đến ngày 15/5, trên địa bàn vùng ngọt huyện Trần Văn Thời đã xảy ra sạt lở, sụt lún với 138 tuyến, có 718 vị trí, tổng chiều dài 18.829 m;  trong đó: đường bê tông dài 14.669 m (trong đó đường bê tông 3 m dài 7.321 m), ước tính thiệt hại khoảng 28.400 triệu đồng. Tại huyện U Minh, đến nay xảy ra 12 vụ sạt lở, sụt lún với chiều 227 m.

Hạn hán kéo dài cũng đã làm 2.620 hộ gia đình thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Trong đó, khu vực đặc biệt khó khăn trong điều kiện tiếp cận nguồn nước chủ yếu tập trung ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình với hơn 1.700 hộ do không khai thác được nước ngầm.

 

Trước tác động ngày càng khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề và diễn biến của thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, trung tuần tháng 4, UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2 trên địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Đặc biệt, ngày 9/4/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các tổ chức Quốc tế: UNICFF, FAO tổ chức Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2024 và kích hoạt gói hỗ trợ tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh. Thực hiện lời kêu gọi của tỉnh, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã sử dụng nhiều hình thức chuyên chở nước ngọt giúp người dân vùng hạn “giải cơn khát”.

 

Nắng hạn kéo dài rồi cũng đến lúc có mưa. Những cơn mưa đầu mùa phần nào tưới mát những vùng hạn, làm dịu đi cái bức bối, ngột ngạt đến mức khó chịu kéo dài nhiều tháng ròng.

Mưa đầu mùa sẽ kéo theo một đợt sạt lở đối với những vị trí sụt lún, thiệt hại sẽ còn tiếp tục, cũng như những hậu quả để lại sau đại hạn chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn, ảnh hưởng đến đời sống người dân vẫn còn tiếp diễn.

 

Nội dung: Thanh Minh

Đồ hoạ: Lê Tuấn

Xuất bản: 18/5/2024