ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 07:29:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lu, kiệu quê nhà

Báo Cà Mau (CMO) Lu, kiệu đã quá quen thuộc ở miền quê sông nước. Hàng lu, kiệu kê bên hông nhà hay cạnh chái bếp để tiện lấy nước nấu ăn, uống... Gia đình nào có hàng lu, kiệu nhiều được xem là khá giả có tiếng ở xóm; khách phương xa đến hỏi đường hay định vị nhà có lu, kiệu nhiều để ghi nhớ... Trải qua thời gian, người dân vẫn còn sử dụng chúng bền bỉ, xem như kỷ niệm một thời. Ở miền Tây, nhiều gia đình nông thôn vẫn còn sử dụng nhiều lu, kiệu để chứa nước mưa, nước sinh hoạt...

Cái lu dùng làm hầm bí mật của Ðại tướng Lê Ðức Anh, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân khu 9, sử dụng trong thời gian hoạt động cách mạng tại căn cứ U Minh, tỉnh Cà Mau (từ năm 1970-1972).

Ông Trang Hoàng Lãm (huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: “Cái lu to, tròn, được đổ bằng xi măng, màu trắng bạc, theo thời gian, lu bị tối màu; còn kiệu có màu nâu đỏ, xung quanh kiệu có hoạ tiết rồng trông sang trọng. Có hàng kiệu trang trí trước nhà, màu sắc của chúng làm cho căn nhà thêm nổi bật”.

Trước đây, người dân thường mua lu, kiệu từ Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), tỉnh Ðồng Nai, tỉnh Long An... vận chuyển bằng ghe xuôi về miền Tây. Mỗi chuyến ghe chở hàng trăm lu, kiệu được xếp ngay ngắn, ghe đi qua làm nổi bật cả một khúc sông. Những chiếc lu, kiệu có tuổi thọ rất bền, dùng trong nhiều mùa mưa nắng. Lu, kiệu có nhiều kích cỡ, tuỳ theo nhu cầu sử dụng, dùng trữ nước hay làm mắm... Nghề bán lu, kiệu cũng là nghề có tiếng.

Mô hình phục dựng hầm trú ẩn bằng lu tại di tích “Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt”.

Ông ngoại tôi bảo: “Hồi đó cha mẹ bây ra riêng, ngoại cho vài cặp kiệu và 1 cái lu, chủ yếu là để đựng nước mưa uống. Lúc trời nóng bức hay khi đi làm ngoài đồng về, mở nắp lu, lấy gáo dừa múc nước mưa uống một hơi rất đã khát”.

Xuôi về Ấp 6, xã Khánh Hoà, huyện U Minh, ký ức về những cái lu dùng làm hầm trú ẩn mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng sử dụng trong kháng chiến cũng được người dân khơi gợi, nhắc nhớ.

Ông Kim Tây (dân tộc Khmer), Ấp 6, xã Khánh Hoà, chia sẻ: “Lu của bác Sáu Dân được phát hiện cách khu di tích hơn cây số, nằm ở bờ chuối, xung quanh là rừng rậm. Khi bác Sáu đi khỏi nơi đây lâu lắm, người dân mới phát hiện ra. Chiếc lu khá bự, có thể chứa 3, 4 người trú ẩn”.

Sống gần Khu di tích Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt, ông Lý Ðức Khánh, Ấp 6, xã Khánh Hoà, nhớ lại một phần lịch sử: “Sau giải phóng, những người từng trú ẩn trong hầm làm bằng lu mới chỉ người dân biết để đào lên, giữ lại vết tích chiến tranh”.

Hàng lu được bà con xã Khánh Thuận, huyện U Minh dùng trữ nước mưa.

Thường lu được bộ đội và người dân đổ bằng xi măng, làm trong âm thầm, bí mật. Ông Hai Khánh cũng từng sử dụng nhiều lu, kiệu, nhà ông hiện vẫn còn vài cái lu đã lâu năm, sử dụng trữ nước mưa bên hiên nhà; trước đây, gia đình ông từng sử dụng hơn 15 cái lu, kiệu để muối cá bổi, dự trữ cá khô... Ðặc biệt, trong chiến tranh, nhà nào cũng lấy lu làm hầm để trốn mỗi khi địch oanh tạc.

Ông Ðặng Phụng Tâm, xã Quách Phẩm, huyện Ðầm Dơi, hội viên cựu chiến binh ở địa phương, sau những năm kháng chiến, sau mỗi mùa lúa ông đều mua vài cái lu, kiệu về để trữ nước; năm nào lúa thất, ghe kiệu từ Lái Thiêu về, ông lấy dừa khô để đổi.

Bà con Ấp 6, xã Khánh Hoà mô tả cách dùng lu làm hầm trú ẩn trong kháng chiến.

Ông Bảy Tâm tâm tình: “Sau mấy năm kháng chiến, lu bể hết, chỉ còn hơn 10 cái kiệu được tôi gìn giữ gần như nguyên vẹn, đây cũng là kỷ niệm của cuộc đời. Mỗi cái kiệu tôi thiết kế nắp đậy để đảm bảo vệ sinh”. Ða phần những cái kiệu được làm bằng đất nung, bên trong tráng men nên nước không đóng rong và rất sạch.

Kể từ năm 2000 đến nay, những chuyến ghe chở đầy lu, kiệu xuôi ngược miền Tây đã hiếm thấy, không còn nhiều như trước nữa, nhưng mỗi khi về quê, bắt gặp hình ảnh lu, kiệu đều gợi nhớ về ký ức xưa. Lu kiệu không chỉ chứa nước, mà còn chứa cả tình cảm yêu thương về miền quê với những con người bình dị, thật thà./.

 

Nhật Minh

 

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).