Theo quy định tại Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông (TGGT) đường bộ, thì tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới TGGT đường bộ trong khu vực đông dân cư, khu vực ngoài dân cư được tăng lên 10 km/h.
Theo quy định tại Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông (TGGT) đường bộ, thì tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới TGGT đường bộ trong khu vực đông dân cư, khu vực ngoài dân cư được tăng lên 10 km/h.
Riêng đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự khi TGGT (trừ đường cao tốc) thì tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ và không quá 40 km/h. Bên cạnh đó, khi TGGT trên đường cao tốc, người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ và tốc độ tối đa cho phép khai thác trên đường cao tốc không vượt quá 120 km/h.
Ngoài quy định về tốc độ cho phép, Thông tư số 91 cũng có quy định cụ thể về khoảng cách an toàn giữa 2 xe khi TGGT cùng đường. Cụ thể, khi mặt đường khô ráo thì phương tiện TGGT với tốc độ từ 60 km/h trở xuống trong khu vực đô thị, khu vực đông dân cư, người điều khiển phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với phương tiện phía trước, tuỳ thuộc vào mật độ phương tiện và tình hình giao thông thực tế. Trong điều kiện có sương mù, mặt đường trơn trợt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc thì người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo, hoặc lớn hơn khoảng cách an toàn khi đường khô ráo. |
Sau khi Thông tư số 91 có hiệu lực thi hành vào ngày 1/3/2016, đã nhận được sự đồng thuận cao của những người TGGT. Hầu hết đều cho rằng, quy định mới tốc độ cho phép xe cơ giới khi TGGT đường bộ được tăng lên phù hợp với điều kiện giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế - xã hội của các địa phương.
“Bây giờ phương tiện TGGT được cải tiến, nâng cấp hiện đại hơn, đường cũng đã được nâng cấp mở rộng thông thoáng hơn, nên việc Nhà nước quy định nâng tốc độ phương tiện TGGT là cần thiết”, ông Nguyễn Bé Ba, thị trấn Cái Nước, phấn khởi.
“Quy định nâng tốc độ phương tiện khi TGGT sẽ rút ngắn được thời gian đi lại của người dân, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới. Song, quy định Nhà nước là thế, nhưng người lái phương tiện cũng phải ý thức trách nhiệm của mình, tự giới hạn tốc độ khi cần thiết và phải tuân thủ đúng quy định về khoảng cách an toàn”, ông Đặng Tiến Trình, tài xế xe khách tuyến Bắc - Nam, trần tình.
Theo Đại tá Võ Hoàng Nhớ, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh Cà Mau, quy định nâng tốc độ cho phép của các phương tiện cơ giới khi TGGT đường bộ là phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, với điều kiện hạ tầng giao thông ở tỉnh Cà Mau thì quy định này còn những bất cập. Bởi, các lối vào cửa ngõ thành phố trên tuyến quốc lộ hiện chưa có đường tránh cần thiết, chưa có dải phân cách cứng, trong khi phương tiện TGGT đông và thường xuyên. Còn trong các tuyến đường nội ô có tuyến quốc lộ đi ngang qua, việc phân làn đường cũng chưa rõ ràng và hầu hết các tuyến đường chỉ có 1 làn đường dành cho xe ô-tô. Vì vậy, cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của người TGGT, nhất là ý thức tự giác giữ khoảng cách an toàn, ngành giao thông vận tải phải sớm thay đổi, cặm mới các biển báo tốc độ, giới hạn khoảng cách… để cảnh báo người TGGT.
Vấn đề này, ông Phan Văn Đỉnh, Phó Phòng Quản lý giao thông, Sở GTVT tỉnh Cà Mau, cho biết, trước khi Thông tư số 91 có hiệu lực, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT, đã tổ chức tháo gỡ các biển báo tốc độ 40 km/h. Trong tháng 3 này, sẽ tiếp tục kiểm tra và tiến hành thay đổi biển báo phù hợp với quy định mới./.
Mỹ Pha