(CMO) Việc thu hút và mở các lớp đào tạo tại huyện U Minh chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến việc nâng cao chất lượng lao động gặp nhiều khó khăn. Việc đánh giá nhu cầu đào tạo và việc làm vẫn chưa sát với thực tế, chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Ngày 4/6, đoàn công tác của HĐND tỉnh do bà Ngô Ngọc Khuê, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội làm trưởng đoàn đã có chuyến giám sát tình hình thực hiện chính sách về giải quyết việc làm trên địa bàn huyện U Minh.
Nhiều trang thiết bị tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp U Minh được đầu tư hiện đại nhưng chưa một lần sử dụng từ năm 2011.
Theo báo cáo của UBND huyện U Minh, hằng năm, việc tạo thêm việc làm mới đều đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Bình quân, hằng năm U Minh tạo ra thêm khoảng 4.500 việc làm. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện U Minh là đơn vị trực tiếp đảm nhận công tác đào tạo và giải quyết việc làm.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gồm 7 nghề phi nông nghiệp và 11 nghề nông nghiệp. Kinh phí dạy nghề hàng năm được rót về ở ngưỡng trên dưới 1 tỷ đồng. Tính từ 2015 đến nay, số người đã đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg là hơn 2.000 học viên, trong đó hơn 1.000 học viên được đào tạo dưới 3 tháng.
Đánh giá về thực trạng đào tạo nghề, bà Ngô Thị Bình, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện U Minh cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của huyện ở mức trên 2% với khoảng 1.400 lao động và chất lượng lao động, giá trị lao động của U Minh vẫn ở mức thấp. Công tác đào tạo nghề chưa đảm bảo, nhiều lao động địa phương đã qua đào tạo nhưng khi đi lao động ngoài tỉnh hoặc ở doanh nghiệp vẫn không đảm bảo tay nghề.
U Minh hiện có khoảng 60.000 lao động. Hằng năm, huyện đều tổ chức sàn giao dịch việc làm và bình quân giải quyết khoảng 175 lao động/năm. Ông Đào Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp U Minh cho biết, khó khăn của U Minh là sự hợp tác của các doanh nghiệp chưa tích cực; người lao động chưa ý thức tìm hiểu về quyền, nghĩa vụ khi tham gia thị trường lao động, do đó còn trường hợp bị doanh nghiệp lợi dụng, o ép. Một trong những nguyên nhân của yếu kém trong việc đào tạo, giải quyết việc làm là sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thật sự sâu sát, quyết liệt.
Theo lũy kế từ năm 2015 đến nay, số lao động được giải quyết việc làm ở mức khoảng 15.500 lao động ở tất cả các lĩnh vực. Chỉ tiêu đặt ra là 80% lao động có việc làm sau đào tạo được đánh giá là đạt, tuy nhiên chỉ với lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp còn lĩnh vực phi nông nghiệp thì kết quả rất thấp.
Bà Ngô Thị Bình cho biết thêm, căn cứ thực tế, chính địa phương cũng phải tính toán và dừng lại nhiều lớp đào tạo không phù hợp, không có nhu cầu học.
Đánh giá về tình hình thực hiện chính sách việc làm tại huyện U Minh, bà Ngô Ngọc Khuê cho rằng, lao động và việc làm của U Minh dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song khó khăn và vướng mắc không ít. Chất lượng và giá trị lao động chưa cao, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp.
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp U Minh được đầu tư đào tạo 9 lĩnh vực, ngành nghề. Tuy nhiên, có 4 ngành nghề không thực hiện được. Trang thiết bị được đầu tư hiện đại nhưng chưa được sử dụng từ năm 2011.
Các thành viên trong đoàn giám sát cũng nhận định rằng, khó khăn của U Minh là khó khăn chung của các địa phương. Chuyến giám sát sẽ cung cấp những thông tin thực tiễn, cái nhìn khái quát để Ban Văn hóa – Xã hội và các thành viên trong đoàn giám sát có những đề xuất, kiến nghị, báo cáo cụ thể với Thường trực HĐND tỉnh, từ đó bàn bạc, thảo luận và tìm ra những giải pháp tháo gỡ.
Quốc Rin