(CMO) Công tác phòng, chống bạo lực gia đình ngày càng được quan tâm, song cũng tồn tại nhiều bất cập về kinh phí thực hiện lẫn hình thức xử phạt; độ tuổi nghỉ hưu của cán bộ nữ được nâng lên nhận nhiều ý kiến trái chiều... đó là một số nội dung chính được đưa ra tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề của Đoàn Đại biểu Quốc hội do ông Bùi Ngọc Chương, Uỷ viên Uỷ ban Các vấn đề xã hội Quốc hội, chủ trì vào sáng nay, ngày 13/4.
Tại buổi tiếp xúc, đoàn đã ghi nhận nhiều ý kiến của gần 50 cán bộ phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các ý kiến phản ánh về đội ngũ làm công tác phòng chống bạo lực gia đình ở cộng đồng chưa được bao phủ rộng khắp, chưa được quan tâm đào tạo tập huấn; hầu hết cán bộ phụ trách công tác này đều kiêm nhiệm.
Hiện toàn tỉnh có 756 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, đây là những nhóm địa chỉ hoạt động nhiều hiệu quả nhưng mức hỗ trợ, kinh phí hoạt động còn thấp. Việc xây dựng nhà tạm lánh cho chị em phụ nữ khi bạo lực còn nhiều bất cập. Đa số các đại biểu nữ còn đề nghị độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới nên giữ lại mức 55 tuổi với chế độ bảo hiểm xã hội phù hợp.
Chị Huỳnh Ngọc Thắm, Hội LHPN huyện Năm Căn, phản ánh vấn đề xây nhà tạm lánh còn nhiều bất cập. |
Ngoài ra, các đại biểu còn phản ánh trình độ nhận thức của nam giới về bạo lực gia đình chưa cao; chị em phụ nữ vẫn còn e ngại, không chia sẻ khi bị bạo hành. Đặc biệt, vấn đề hình thức xử phạt đối với nam giới khi có hành vi bạo lực gia đình chưa phù hợp, chưa có tính răn đe; phải tăng cường hơn nữa tác động đến đối tượng nam giới về phòng chống bạo lực gia đình./.
Hồng Nhung