ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 16-7-25 14:51:01
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những cột cờ mang hình Tổ quốc

Báo Cà Mau Ngày 16/1/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn cán bộ Trung ương đến dự lễ động thổ công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau. Từ công trình này chúng ta có thể tìm hiểu thêm một số cột cờ quy mô đã được xây dựng trên đất nước ta.

Ngày 16/1/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn cán bộ Trung ương đến dự lễ động thổ công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau. Từ công trình này chúng ta có thể tìm hiểu thêm một số cột cờ quy mô đã được xây dựng trên đất nước ta.

Cột cờ Huế (Kỳ đài Huế)

Kỳ đài Huế xây dựng vào năm Gia Long thứ sáu, Ðinh Mão 1807, là công trình thuộc quần thể kiến trúc Cố đô Huế, nằm ở phía trong mặt tiền kinh thành, trước Ngọ Môn, theo hướng Nam, ở khoảng giữa hai cửa Ngăn và cửa Quảng Ðức, trên pháo đài Nam Chánh, chiều cao 29,52 m; được dùng để treo cờ của nước Việt Nam dưới triều Nguyễn (cờ quẻ ly). Năm 1846, vua Thiệu Trị cho thay cột cờ mới (Tân kiến trụ). Năm 1904, một trận bão lớn xảy ra ở Huế khiến cột cờ bị gãy. Ðến thời vua Thành Thái, cột cờ lại được dựng bằng chất liệu gang. Ðầu năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một lần nữa Cột cờ Huế bị đổ. Ðến năm 1948, Hội đồng Chấp chánh lâm thời Trung Kỳ cho xây dựng cột cờ bằng cốt thép cao lớn hơn và đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức trùng tu từ giữa năm 1994-1995. Kiến trúc kỳ đài có ba tầng. Từ mặt đất lên tầng dưới bằng một lối đi nhỏ ở phía trái Kỳ Ðài, tầng dưới thông với tầng giữa bằng một cửa vòm rộng 4 m; tầng giữa thông với tầng trên cùng cũng bằng một cửa vòm rộng 2 m. Ðỉnh mỗi tầng có xây một hệ thống lan can cao 1 m, được trang trí bằng gạch hoa đúc rỗng. Nền ba tầng lát gạch vuông và gạch vồ, có hệ thống thoát nước mưa xuống dưới.

Ảnh internet

Ngày 21/8/1945, lực lượng cách mạng đã hạ cờ quẻ ly của triều đình Huế, treo cờ đỏ sao vàng. Ngày 23/8/1945, Huế khởi nghĩa thành công. Ngày 25/8/1945, vua Bảo Ðại thoái vị. Ngày 31/8/1945, một cuộc mít-tinh lớn trước cửa Ngọ Môn làm lễ nhận ấn tín của Bảo Ðại và Bảo Ðại tuyên bố thoái vị. Dẫn đầu đoàn cách mạng là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận. Chấm dứt triều đại phong kiến nhà Nguyễn với 13 đời vua, trị vì 143 năm (1802-1945).

Cột cờ Hà Nội

Toạ lạc trên đường Ðiện Biên Phủ, quận Ba Ðình, Hà Nội. Cột cờ Hà Nội là một trong năm di tích còn được bảo tồn nguyên vẹn trong khu di tích thành cổ và là biểu tượng thiêng liêng của thủ đô ngàn năm văn hiến. Cột cờ Hà Nội được xây dựng dưới triều Nguyễn năm 1805 và hoàn thành năm 1812, sau năm năm xây dựng Kỳ đài Huế, trên phần đất phía Nam Hoàng thành Thăng Long. Ðây là công trình bề thế, cao nhất trong thành phố thời bấy giờ, có chức năng là vọng canh. Ðứng từ trên cao của cột cờ, có thể quan sát cả một vùng khá rộng trong và ngoài khu thành cổ. Cửa hướng Ðông đắp hai chữ “Nghênh húc” (đón ánh nắng ban mai), cửa hướng Tây, hai chữ “Hồi quang” (ánh sáng phản chiếu), cửa hướng Nam chữ “Hướng minh” (hướng về ánh sáng). Riêng cửa hướng Bắc được bố trí hai cầu thang lên sân thượng, phía bên phải và bên trái, mỗi cầu thang gồm 14 bậc, có tay vịn bằng sắt. Sân thượng được bao quanh bằng lan can gỗ cùng tường hoa trổ những hình lục giác có hình vuông ở giữa, được đan lồng với nhau tựa hình mạng nhện.

Ngày 10/10/1954, cả Hà Nội chào đón ngày hội lớn, ngày hội chiến thắng, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Cả Hà Nội dồn về Cột cờ Hà Nội chờ đón giây phút lịch sử: Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đỉnh Cột cờ Hà Nội. 15 giờ ngày 10/10/1954, còi Nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài. Ðoàn quân nhạc cử quốc thiều theo sự điều khiển của đồng chí Ðinh Ngọc Liên, lá cờ Tổ quốc dược kéo lên theo nhịp khúc quân hành. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội. Từ ngày xây dựng đến nay, Cột cờ Hà Nội gần 200 năm tuổi. Hơn nửa thế kỷ qua, trên đỉnh Cột cờ Hà Nội là lá cờ đỏ sao vàng tung bay, mãi mãi là biểu tượng vinh quang, là niềm tự hào của dân tộc, của đất nước Việt Nam độc lập, tự do.

Cột cờ Thành Nam

Nằm trên đường Tô Hiệu, phường Ngô Quyền, TP Nam Ðịnh, Cột cờ Thành Nam là một công trình kiến trúc cổ, có giá trị lịch sử, văn hoá và còn là biểu tượng khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, ý thức tự hào, quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do của Tổ quốc. Cột cờ Thành Nam được xây cùng thời với Cột cờ Hà Nội, vào năm Gia Long thứ 11, cao 23,84 m. Toàn bộ cột cờ nằm trên hai tầng bệ, cột hình vuông thu dần từ dưới lên. Tầng dưới cùng hình vuông mỗi cạnh dài 16,33 m, cao 2,40 m. Hai phía Ðông và Tây của tầng một có hai cầu thang xây bằng gạch 10 bậc dẫn lên tầng hai, mỗi cạnh dài 11,42 m, cao 3,10 m. Bốn mặt bệ đều xây lan can, trổ bốn cửa. Trên khuôn cửa Ðông có hai chữ Nghênh húc (đón ánh ban mai). Khuôn cửa Nam có hai chữ Hướng quang (hướng theo đức sáng). Cột cờ Thành Nam gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng.

Ngày 27/3/1883, tàu chiến của Pháp từ Sông Ðào bắn phá vào trong Thành. Tại cột cờ, ở độ cao 11 m, về phía Nam còn một vết đạn cắm sâu vào 4 cm, đường kính 6 cm. Thời kỳ hoạt động bí mật, nhiều cán bộ, đảng viên vẫn lấy cột cờ làm nơi liên lạc và sinh hoạt để bàn kế chỉ đạo phong trào. Ngày 11/6/1972, máy bay Mỹ bắn rocket và ném bom khiến công trình cột cờ bị sập hoàn toàn. Năm 1997, kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng TP Nam Ðịnh, cột cờ đã được phục dựng nguyên dạng.

Cột cờ Hiền Lương

Ðây là công trình trọng điểm nằm ở khu vực giao nhau giữa sông Bến Hải và Quốc lộ 1, được xây dựng vào năm 1963 với chiều cao 38,6 m, trong đó phần đài cao 11,5 m. Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Ðộng Chân, thuộc dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17 từ Tây sang Ðông rồi đổ ra cửa biển Cửa Tùng. Sông Bến Hải có tổng chiều dài gần 100 km, nơi rộng nhất khoảng 200 m, nơi hẹp nhất khoảng 20-30 m, là ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị. Theo lịch sử, việc dựng cờ và treo cờ Tổ quốc hằng ngày ở đồn Hiền Lương là một cuộc đấu tranh gay go, một cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Ban đầu ta làm cột cờ bằng gỗ phi lao cao 12 m. Bờ Nam địch cắm cờ trên nóc lô cốt cao 15 m. Các chiến sĩ ta lên rừng tìm được cây gỗ 18 m đưa về dựng cột cờ. Ðịch xây cột cờ bằng bê-tông cốt thép cao 30 m. Ta lại dựng cột cờ bằng thép ống cao 34,5 m. Ðịch tôn cột cờ lên 35 m. Ta xây cột cờ cao 38,6 m, treo lá cờ 134 m2. Lúc đó, Nhân dân bờ Nam, ở phía trong Dốc Miếu, Cồn Tiên vẫn thấy rõ lá cờ Tổ quốc ở bờ Bắc tung bay, vẫy gọi. Cột cờ này được xem là cột cờ cao nhất ở vĩ tuyến 17. Ngày 2/8/1967, địch tập trung nhiều tốp máy bay bắn phá suốt ngày, cầu Hiền Lương và cột cờ bị gãy. Ngay trong đêm đó, các chiến sĩ đặc công thuỷ Ðoàn 126A và dân quân vùng Bắc giới tuyến đã dùng bộc phá đánh sập cột cờ bờ Nam, chấm dứt vĩnh viễn sự hiện diện lá cờ ba que trên bầu trời giới tuyến của nguỵ quyền bờ Nam sông Bến Hải.

Ðến ngày 24/4/2005, nhân dịp cả nước kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức dựng lại Cột cờ Hiền Lương nguyên mẫu với lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 75 m2 tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, bờ Bắc sông Bến Hải - vĩ tuyến 17.

Cột cờ Lũng Cú

Ðứng trên đỉnh núi Lũng Cú, thuộc xã Lũng Cú, huyện Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi điểm cực Bắc của Việt Nam, cột cờ Lũng Cú có độ cao gần 1.700 m so với mực nước biển. Cột cờ Lũng Cú có lịch sử rất lâu đời, trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo và lần khánh thành gần đây nhất vào ngày 25/9/2010. Cột cờ mới có tổng chiều cao 33,15 m, trong đó phần thân cột cao 20,25 m, phần cán cờ cao 12,9 m, đường kính ngoài thân cột là 3,8 m, với cầu thang 135 bậc để khách tham quan lên tới cột cờ. Về kiến trúc, cột cờ được thiết kế theo hình bát giác, chân cột cờ được gắn tám tấm phù điêu đá xanh minh hoạ cho các giai đoạn lịch sử của đất nước và các phong tục tập quán của Nhân dân tỉnh Hà Giang, phía trên có gắn tám mặt trống đồng. Lá cờ Tổ quốc có chiều dài 9 m, rộng 6 m, diện tích 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Cột cờ Lũng Cú đã được cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của đất nước.

Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi

Công trình Cột cờ Hà Nội tại xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, thiết kế mô phỏng kiến trúc Cột cờ Hà Nội, được xây dựng kiên cố, bền vững, có khả năng chống chịu gió bão và xâm thực của nước biển. Công trình được quy hoạch nằm trên trục giao thông chính của quy hoạch chi tiết khu I - Khu Công viên Văn hoá du lịch Mũi Cà Mau, là điểm chốt có ý nghĩa quan trọng đối với trục đường huyết mạch nối hai miền Nam - Bắc, đường Hồ Chí Minh. Công trình nằm trong khu vực chính tập trung các hoạt động nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu tự nhiên, tham quan, du lịch, văn hoá lễ hội của Nhân dân địa phương, của du khách trong và ngoài nước. Toàn bộ diện tích của khu vực xây dựng khoảng 3 ha, khuôn viên chính khoảng 7.500 m2. Kiến trúc của cột cờ  gồm ba tầng, đế và phần thân cột cờ mô phỏng về cơ bản cột cờ tại Thủ đô Hà Nội, chiều cao khoảng 45 m. Tại buổi lễ động thổ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ðức Chung phát biểu, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, TP Hà Nội rất vinh dự được thay mặt cho các tỉnh, thành phố trong cả nước xây dựng công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau. Ðây là sự kiện đặc biệt quan trọng, thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng của Thủ đô Hà Nội đối với vùng Ðất Mũi. Công trình càng có ý nghĩa hơn khi được chọn đặt tại điểm cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Ðức Chung tin tưởng, Cột cờ Hà Nội sẽ góp thêm cho Ðất Mũi một công trình có giá trị nghệ thuật, kiến trúc đẹp, mang đậm dấu ấn văn hoá và lịch sử; có ý nghĩa thiêng liêng khẳng định chủ quyền, tình cảm gắn bó Bắc - Nam một nhà.

Trên kinh tuyến 105 độ, từ Long Sơn (Núi Rồng) Lũng Cú, tỉnh Hà Giang, đến mũi Rạch Tàu, tỉnh Cà Mau có hai cột cờ quốc gia, khẳng định mãi mãi chủ quyền của đất nước ta, đất nước Việt Nam hình chữ S. Sự kiện “Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau” giúp chúng ta thêm yêu quý đất nước mình. Mỗi lần nhìn màu cờ thắm tươi, chúng ta càng thêm yêu dáng hình Tổ quốc.

“Tổ quốc tôi như một con tàu

Mũi tàu xé sóng, Mũi Cà Mau

Lạ thay tình với đất quê hương,

Chưa thấy, chưa thăm mà đã nhớ.

Ai hay mỏm đất mấy năm trường

Ðêm ngủ hồn tôi bay tới đó”.

Cảm ơn Nhà thơ Xuân Diệu, từ năm 1960 đã để hồn bay về tận vùng đất cuối trời Tổ quốc và bây giờ, nơi ấy, Cột cờ Hà Nội được dựng lên! Thơ ca nào nói hết nỗi niềm đang trào dâng trong mỗi trái tim, khi chúng ta đang đứng trên "mũi con tàu Tổ quốc", đêm ngày xé sóng ra khơi?!

Trường Sơn Ðông

Liên kết hữu ích

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh theo cha mẹ về Cà Mau công tác

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, ngành giáo dục Cà Mau khẩn trương bố trí trường lớp cho hơn 450 học sinh theo cha mẹ từ tỉnh Bạc Liêu (cũ) chuyển về, với phương châm "vướng đâu gỡ đó", đảm bảo không để học sinh nào bị gián đoạn trước thềm năm học mới 2025-2026.

Tuổi trẻ Cà Mau xung kích vì mái ấm người nghèo

Sáng 14/7, Tỉnh đoàn Cà Mau đồng loạt phát động và ra quân Ngày cao điểm hướng ứng phong trào “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong toàn tỉnh với các đội hình được thành lập, hoạt động từ ngày 13-24/7.

Tuổi trẻ Vĩnh Trạch chung tay “Xoá nhà tạm, nhà dột nát”

Sáng 14/7, trong khí thế sôi nổi của tuổi trẻ toàn tỉnh hưởng ứng “Ngày cao điểm hỗ trợ phong trào “Xoá nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, Đoàn phường Vĩnh Trạch tổ chức lễ ra quân, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên.

Xã Phong Hiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà cho gia đình chính sách

Để kịp thời dâng quà báo công nhân 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), Đảng bộ, chính quyền xã Phong Hiệp gấp rút đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn.

Chung tay cập nhật bảng hiệu theo địa giới mới

Sáng 13/7, không khí tại xã Vĩnh Lợi trở nên rộn ràng, sôi nổi hơn thường ngày khi lực lượng đoàn viên, thanh niên Xã đoàn Vĩnh Lợi đồng loạt ra quân hỗ trợ các hộ kinh doanh chỉnh sửa, thay mới bảng hiệu theo địa chỉ phù hợp với địa giới hành chính sau sáp nhập. Hoạt động này nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ người dân và sự đánh giá cao của cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Hỗ trợ gia đình thiếu niên gặp nạn khi đánh bắt thủy sản

Sáng 13/7, Đoàn công tác của UBND xã Khánh Lâm do ông Phạm Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình em Dương Văn Giang (17 tuổi, ngụ Ấp 8, xã Khánh Lâm), nạn nhân không may tử vong do tai nạn lao động trên biển xảy ra vào ngày 12/7.

Khởi công xây dựng cầu Phước Quang tại Ấp 5, xã Khánh Bình

Sáng 12/7, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp cùng xã Khánh Bình và đơn vị tài trợ tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu giao thông nông thôn tại Ấp 5, mang tên cầu Phước Quang.

Khởi công xây nhà tình nghĩa tại xã Châu Thới

Sáng 12/7, UBND xã Châu Thới tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho bà Nguyễn Thị Đa, thuộc diện gia đình chính sách tại ấp Nam Hưng.

Vận động trao 76 xe đạp cho học sinh nghèo

Sáng nay 12/7, tại xã Hồ Thị Kỷ, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp cùng Công ty Hoàng Long - Công ty Hoàn Vũ tặng xe đạp cho học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa, tổng giá trị 100 triệu đồng.

Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai quyết định về công tác cán bộ

Chiều 11/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị triển khai quyết định về công tác cán bộ.