(CMO) Nhằm tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, nói không với bạo lực gia đình, Sở VHTT-DL phối hợp với UBND TP Cà Mau tổ chức Hội thi Xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc năm 2020.
Hội thi có 10 đơn vị (thuộc 10 phường của TP Cà Mau) với gần 100 thí sinh tham gia. Các đội trải qua 3 phần thi, bao gồm tự giới thiệu về đơn vị thông qua hình thức tiểu phẩm, kiến thức chung và xử lý tình huống.
Từ khi nhận kế hoạch, ban tổ chức triển khai đến các đơn vị và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Các thí sinh tham gia luyện tập, diễn xuất và trả lời câu hỏi nghiêm túc. Đây là năm đầu tiên thành phố tổ chức hội thi này. "Tuy là lần đầu nhưng hội thi rất thành công, thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên, giáo viên, lực lượng ở các khóm tham gia", Trưởng phòng VHTT TP Cà Mau, Trưởng ban tổ chức hội thi Lâm Bá Tòng cho biết.
Phần thi tự giới thiệu thông qua tiểu phẩm, các đội thi tái hiện những tình huống mâu thuẫn trong gia đình, lên án hành vi bạo lực, gửi đi những thông điệp tốt đẹp, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. |
Là thí sinh đoạt giải diễn xuất hay nhất hội thi, anh Trần Quang Minh (đơn vị Phường 6, TP Cà Mau) chia sẻ: "Để tham gia hội thi, Phường 6 chuẩn bị tiểu phẩm “Giờ tôi đã hiểu”, các thành viên đều tranh thủ thời gian tập luyện kể cả buổi tối. Tiểu phẩm xây dựng hình ảnh một người chồng gia trưởng, muốn vợ phải luôn nghe và làm theo ý mình, từ đó xảy ra nhiều mâu thuẫn dẫn đến mất hạnh phúc gia đình. Thông qua tiểu phẩm, đội chúng tôi muốn gửi đi thông điệp “Bạo lực gia đình không chỉ là hành vi đánh đập, hành hạ về thể xác mà những lời nói thô bạo, áp đặt, hành hạ về tinh thần cũng là bạo lực gia đình, cần phải được lên án”. Thay đổi cách ứng xử không chỉ trong hành động mà phải thay đổi cả lời ăn tiếng nói hàng ngày giữa vợ chồng, tôn trọng nhau để cùng nhau vun đắp hạnh phúc.
Để tham gia hội thi, các thí sinh tìm hiểu nhiều nội dung như Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em… và những văn bản có liên quan. Từ đó, nâng cao hiểu biết về luật, áp dụng vào thực tế cuộc sống gia đình. "Nhờ tham gia hội thi mà mình mới hiểu việc áp đặt con cái theo ý muốn của cha mẹ cũng là một hành vi bạo lực, vi phạm quyền trẻ em. Bản thân mình cũng là một người mẹ có hai con nhỏ. Mình thấy nên thay đổi suy nghĩ về cách dạy con. Không nên áp đặt, phải lắng nghe ý kiến, tôn trọng mong muốn của con. Theo mình, việc con làm miễn sao không gây nguy hiểm, không ảnh hưởng đến người khác, không phạm pháp thì cứ để con thoải mái phát triển, đừng bắt con phải làm thế này, thế kia rồi la mắng con, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ", thí sinh Lê Kim Phượng (đơn vị phường Tân Xuyên, TP Cà Mau) bộc bạch.
Để làm tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình, TP Cà Mau đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống bạo lực gia đình, 17/17 đơn vị xã, phường cũng thành lập Ban Chỉ đạo can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, hiện nay thành phố đã tổ chức được hơn 120 nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 80 địa chỉ tin cậy và 17 CLB gia đình phát triển bền vững với nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi phòng chống bạo lực gia đình, theo dõi, ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo lực, giáo dục nâng cao giá trị đạo đức lối sống, cập nhật những kiến thức về dân số - kế hoạch hoá gia đình, tuyên truyền và giúp đỡ các gia đình phát triển kinh tế, ổn định đời sống để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Trưởng phòng VHTT TP Cà Mau Lâm Bá Tòng nhấn mạnh: "Gia đình là tế bào của xã hội. Vì thế, gia đình hạnh phúc thì xã hội mới phát triển. Từ thành công của hội thi đã góp phần xây dựng được đội ngũ tuyên truyền viên đắc lực cho công tác phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt, để gia đình thật sự là tổ ấm của mỗi người"./.
Khả Ái