Hoàn thiện hệ thống thể chế là mục tiêu trọng tâm trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC) được xác định tại Nghị quyết 30c của Chính phủ. Nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau đã thể hiện sự quyết tâm, tạo sự chuyển biến tích cực, từng bước đưa hệ thống thể chế đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính.
Phó giám đốc Sở Tư pháp Phạm Quốc Sử đánh giá: “Cải cách thể chế là một trong những cải cách quan trọng, đầu tiên trong nhiệm vụ CCHC của tỉnh. Từ việc xây dựng, rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đến việc phổ biến, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật. So những năm trước đây, chất lượng dự thảo các quyết định, nghị quyết tiếp tục được cải thiện, theo hướng chất lượng hơn. Kịp thời ban hành quy định chi tiết các nội dung do văn bản QPPL cấp trên giao hoặc đề ra các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương được thực hiện khá tốt. Hoạt động dự thảo, góp ý, thẩm định văn bản QPPL được quan tâm, đẩy nhanh tiến độ đảm bảo chất lượng”.
Tạo hành lang pháp lý chặt chẽ
Theo thống kê của Sở Tư pháp, 10 năm qua, toàn tỉnh đã ban hành 1.780 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó 1.143 nghị quyết của HĐND; 611 quyết định và 12 chỉ thị của UBND các cấp (cụ thể, cấp tỉnh 546 văn bản; cấp huyện 348 văn bản; cấp xã 886 văn bản). Riêng, trong năm 2020, tổng số văn bản đã có chủ trương ban hành 68 văn bản. Trong đó 14 nghị quyết, 54 quyết định. Tính đến thời điểm hiện nay đã ban hành 5 nghị quyết; 16 quyết định; còn tồn phải tiếp tục ban hành từ nay đến cuối năm 2020 là 47 văn bản (9 nghị quyết và 38 quyết định).
Trong đó, địa phương đã rất sáng tạo thực hiện giải pháp thi hành luật rất khả thi, như quy trình tiếp cận đất đai; phối hợp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); đối thoại và tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp… phát huy hiệu quả rất cao được cộng đồng doanh nghiệp đồng hành chia sẻ, tác động tích cực đến môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
“Nhìn chung, văn bản QPPL của tỉnh được ban hành cơ bản điều chỉnh toàn diện các mặt của đời sống xã hội về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh, được triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; tạo hành lang pháp lý toàn diện để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước ở địa phương”, ông Sử đánh giá.
Hàng năm, tỉnh luôn tổ chức đoàn kiểm tra công tác CCHC của các đơn vị, địa phương, nhằm chấn chỉnh kịp thời việc thực thi pháp luật ở cơ sở. (Trong ảnh: Kiểm tra CCHC tại Sở Tài chính). |
Vẫn còn bị động, lúng túng
Tuy nhiên, tỷ lệ văn bản quy phạm pháp luật ban hành hàng năm không đạt theo kế hoạch đề ra (trung bình chỉ đạt 72%/năm). Hệ thống văn bản nguồn thay đổi liên tục, một số văn bản chỉ giao thẩm quyền ban hành nhưng không có văn bản hướng dẫn chi tiết làm cho địa phương bị động, lúng túng, nhất là các văn bản quy định về chính sách...
Ngoài ra, việc hoàn thiện thể chế hiện nay đang đối diện với không ít những khó khăn tồn tại. “Nếu xét trên phương diện về điều kiện và thẩm quyền, thì HĐND, UBND cấp tỉnh chỉ ban hành văn bản QPPL để hoàn thiện thể chế trên 2 điều kiện cơ bản, đó là do văn bản QPPL của Trung ương giao thẩm quyền và xác định giới hạn về phạm vi nội dung được quyền ban hành. Qua đánh giá thực tiễn cho thấy đa phần đều chậm được ban hành, tạo khoảng trống về thể chế quản lý”, ông Phạm Quốc Sử nêu rõ.
Thực tế ghi nhận, qua công tác tự kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có 48 văn bản quy phạm pháp luật có sai sót. Trong đó, 25 văn bản do cấp tỉnh ban hành (10 văn bản sai về nội dung; 15 văn bản sai về thể thức); 18 văn bản do cấp huyện ban hành (7 văn bản sai về thẩm quyền, 4 văn bản sai về nội dung, 7 văn bản sai về thể thức); 5 văn bản do cấp xã sai về thể thức. Đến nay, tất cả đều được xử lý theo quy định.
Ngoài ra, nhiều chủ trương xây dựng văn bản QPPL được ban hành phải gia hạn thời gian, tách, nhập, dừng ban hành còn khá nhiều. Chưa đổi mới nội dung, cách thức thực hiện quy trình lấy ý kiến góp ý đối tượng chịu tác động trực tiếp nên hiệu quả còn hạn chế.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ quan khi được phân công chủ trì soạn thảo văn bản đã không tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình thực tế và mức độ tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như các vấn đề cần được quy định cụ thể trong văn bản dự thảo dự kiến trình tỉnh ban hành.
Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý, ông Phạm Quốc Sử đề nghị: “Cần có giải pháp khắc phục tối đa tình trạng bỏ sót; chậm phát hiện để tham mưu ban hành văn bản QPPL được giao quy định chi tiết thi hành".
Ông Sử nhấn mạnh: “Công tác thẩm định văn bản QPPL là khâu kiểm soát rất quan trọng thuộc trách nhiệm của ngành tư pháp. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng trong một số trường hợp cụ thể chất lượng thẩm định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Ngành tư pháp sẽ tiếp tục có giải pháp đảm bảo hoạt động thẩm định, phát huy tốt hơn trong thời gian tới”./.
Hồng Nhung