(CMO) Thời gian qua, Cà Mau thường xuyên quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương.
Ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cho rằng: Theo dõi tình hình thi hành pháp luật là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đây là một nhiệm vụ mới, có tính phức tạp, phạm vi rộng, liên quan đến tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương, điều này được xác định rõ trong Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, để công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được triển khai có hiệu quả, việc nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật vẫn là yêu cầu cấp thiết.
-Xin ông cho biết tầm quan trọng của công tác theo dõi thi hành pháp luật trong giai đoạn hiện nay?
Ông Phạm Quốc Sử: Ngày 5/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP nhằm góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong việc quản lý Nhà nước và xã hội; khẳng định vị trí, vai trò của công tác này trong hoạt động của bộ máy Nhà nước ở cả trung ương và địa phương; từng bước củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật; đảm bảo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật là một kênh thông tin nhạy bén trong việc đánh giá, phản biện đối với các chính sách.
Ông Phạm Quốc Sử, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau
Theo dõi thi hành pháp luật là hoạt động theo dõi, xem xét, đánh giá của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với quá trình tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền, nhằm phát hiện những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn triển khai thi hành pháp luật và kiến nghị các giải pháp khắc phục, tháo gỡ để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Với vai trò quan trọng của hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, đòi hỏi phải có hệ thống thể chế hiện hành cho công tác này. Điều này được xác định rõ trong Hiến pháp năm 2013, trên phương diện là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất đã có những quy định đặt nền móng cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật.
- Đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật. Theo ông, thời gian qua tỉnh Cà Mau đã thực hiện những nhóm nhiệm vụ, giải pháp gì?
Ông Phạm Quốc Sử: Thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp phát huy vai trò là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh trong quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các công tác này. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu, tham mưu kiện toàn, đổi mới về tổ chức, bộ máy để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật được giao. Sở Tài chính tham mưu việc bố trí kinh phí thực hiện công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn, chủ động đề xuất các lĩnh vực cần ưu tiên trong xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Chủ động kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý. Thực hiện nghiêm túc quy trình và phối hợp chặt chẽ, chủ động, trách nhiệm với Sở Tư pháp trong xây dựng, ban hành nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND các cấp. Bố trí cán bộ, công chức có năng lực làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế và tạo điều kiện cho đội ngũ này thường xuyên tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ.
Bảo vệ môi trường là một trong nhiều lĩnh vực cần tăng cường thực hiện theo dõi việc thi hành pháp luật
Phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong nghiên cứu xây dựng, đề xuất chính sách và soạn thảo, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, trục lợi chính sách”. Phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi và đánh giá tình hình thi hành pháp luật...
- Địa phương đã xác định những lĩnh vực trọng tâm nào cần tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, thưa ông?
Ông Phạm Quốc Sử: Đã qua địa phương đã xác định tầm quan trọng của công tác theo dõi thi hành pháp luật trong tình hình hiện nay. Cùng với đó, đã triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức thực hiện. Việc xác định những ngành, những lĩnh vực trọng tâm cũng là yêu cầu quan trọng nhằm nâng chất hoạt động theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương, để từ đó có những chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, cũng như kịp thời nêu gương, nhân rộng những mặt tích cực. Theo đó, trong hoạt động này đã và đang thực hiện mang tính bao quát, trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Trong đó tập trung vào mội số lĩnh vực trọng tâm như: thực thi pháp luật trong hoạt động hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu quả hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật trên một số lĩnh vực, như: quản lý đầu tư công, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý tài sản công, bảo vệ môi trường…
- Theo ông, để nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật thời gian tới, Cà Mau cần tập trung những giải pháp gì?
Ông Phạm Quốc Sử: Như đã trình bày, việc theo dõi thi hành pháp luật là hoạt động “nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật”. Hoạt động theo dõi thi hành pháp luật đã và đang là một yêu cầu cấp bách và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược trước yêu cầu hội nhập kinh tế - quốc tế, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Để hoạt động này mang lại hiệu quả cao nhất thời gian tới cần hoàn thiện thể chế thông qua việc ban hành kịp thời, đảm bảo tính khả thi các văn bản quy phạm pháp luật.
Tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả văn bản pháp luật, thiết lập trật tự kỷ cương hành chính, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến khó khăn, bất cập từ các quy định pháp luật và thực thi pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước.
Cảm ơn ông!
Văn Đum