Mưa bão gây ra nhiều thiệt hại trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó đáng lưu ý là tài sản của người dân, các công trình công cộng của Nhà nước, cũng như hạ tầng lưới điện và việc cung cấp điện.
Trên địa bàn tỉnh, gần đây, nhiều đợt mưa lớn kết hợp với triều cường đã gây ra tình trạng ngập úng. Ngoài ra, dông lốc, gió giật đã làm sập, tốc mái nhiều nhà cửa, công trình, đổ ngã cây cối và cả trụ điện. Tình trạng ẩm ướt do nhà thấm dột làm ướt ổ cắm điện và ướt các thiết bị điện... là nguy cơ làm chạm, chập điện, dẫn đến cháy nổ, điện giật... vô cùng nguy hiểm.
Công ty Ðiện lực Cà Mau thường xuyên kiểm tra và gia cố hệ thống hạ tầng lưới điện, nhất là những nơi xung yếu.
Theo cảnh báo của ngành điện, trong mùa mưa bão có 2 sự cố thường gặp về điện. Ðó là, dông lốc, gió giật làm cây cối, công trình kiến trúc bị đổ ngã vào đường dây, cột điện và sự cố rò rỉ điện trong nhà, thiết bị điện không đảm bảo an toàn do nước ngập hay ẩm ướt.
Ðể chủ động phòng tránh sự cố, tai nạn điện xảy ra trong mùa mưa bão, Công ty Ðiện lực Cà Mau chủ động triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn về điện.
Ngay từ đầu năm, công ty đã tiến hành kiểm tra kỹ thuật, an toàn lưới điện; tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng thực hiện các biện pháp an toàn trong việc giăng mắc dây điện sau điện kế, phối hợp và hỗ trợ nhân viên ngành điện phát quang đường dây. Ðặc biệt, đơn vị đã tiến hành kiểm tra và gia cố trụ điện ở các vị trí có nguy cơ ngập nước, móng trụ, móng chằng có dấu hiệu bị sạt lở, không đảm an toàn, cũng như đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng lưới điện...
Từ đầu năm đến nay, Ðiện lực Cà Mau đã dành hơn 100 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng lưới điện, hiện nay đang tiếp tục triển khai nhiều dự án khác.
Ngoài ra, để hệ thống lưới điện vận hành an toàn, thông suốt, nhất là trong mùa mưa bão, Ðiện lực Cà Mau còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chặt tỉa cây xanh, chằng néo mái tôn, tháo dỡ, di dời bảng hiệu, biển quảng cáo có thể chạm vào đường dây, gây sự cố và tai nạn điện. Tăng cường kiểm tra lưới điện để kịp thời sửa chữa các hư hỏng, nguy cơ sự cố lưới điện; chuẩn bị đầy đủ vật tư, dụng cụ, phương tiện, nhân lực, theo dõi thông tin dự báo thời tiết để ứng phó kịp thời các tình huống sự cố do mưa bão lũ gây ra.
Hằng năm, khi đến mùa mưa bão, các sự cố về điện, tai nạn điện có chiều hướng gia tăng so với các thời điểm khác trong năm. Do đó, để đảm bảo lưới điện được vận hành an toàn, liên tục và giảm sự cố điện, ngoài nỗ lực của ngành điện thì quan trọng nhất chính là người dân. Thực hiện đúng những biện pháp phòng ngừa và đảm bảo an toàn điện chính là để bảo vệ mình và tài sản của gia đình mình./.
Phan Ngọc Ẩn